Trong suốt sáu thập niên kể từ ngày Ấn Độ độc lập, New Delhi và Washington đã đứng ở hai phía đối lập nhau trong cuộc chiến tranh lạnh: Ấn Độ đồng hành cùng Nga, còn Mỹ thì phát triển quan hệ với Pakistan. Bước sang thế kỷ XXI, khi nền kinh tế Ấn Độ đạt được những thành quả đầy ấn tượng, chính quyền Washington mới bắt đầu tăng cường các mối quan hệ với đất nước Nam Á này. Chỉ trong hơn một thập niên, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng từ 18 tỉ USD năm 2001 lên con số dự kiến 100 tỉ USD vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng là một trong những quốc gia phát triển đầu tư tại Mỹ nhanh nhất, với khoảng 3,3 tỉ USD vào năm 2010. Hiện hai bên tập trung hợp tác về năng lượng, đặc biệt vào hai lĩnh vực đang gây nhiều tranh cãi là năng lượng hạt nhân và cái gọi là “khí đá phiến” (shale gas). Với thỏa hiệp Mỹ-Ấn về hợp tác hạt nhân dân sự ký năm 2008, các công ty Mỹ hy vọng giành được một vị trí quan trọng trong lĩnh vực hạt nhân thương mại trị giá 40 tỉ USD, khi Chính phủ Ấn Độ dự định lắp đặt bổ sung 14 lò phản ứng mới trong vòng năm năm tới. Gần đây, phụ tá Ngoại trưởng Mỹ Robert Blake cũng xác nhận việc một số tập đoàn Mỹ đang nhắm đến các dự án về “khí đá phiến” của Ấn Độ, ứng dụng các công nghệ mới mà những người chỉ trích cho là sẽ làm nhiễm độc nguồn nước dưới lòng đất.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta (trái) được người đồng cấp Ấn Độ đón tiếp tại New Delhi
Nhưng những thành quả mà hai bên đạt được không hẳn là không phải trả giá, tiêu biểu là sự hợp tác liên doanh giữa Ấn Độ với tập đoàn bán lẻ Wal-Mart đã gây ra một phản ứng mạnh mẽ khi nhiều chủ cửa hàng trong nước than phiền là do sự hợp tác này mà doanh số của họ đã bị sụt giảm đến 50%. Bên cạnh đó, trong khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran sắp có hiệu lực, Washington được tin Ấn Độ tiếp tục nhập khẩu dầu lửa từ đất nước Hồi giáo này. Dù vậy, những trở lực trên vẫn không làm thay đổi chủ trương của Mỹ muốn Ấn Độ trở thành một đồng minh quân sự gần gũi của họ, phù hợp với điều mà Tổng thống Barack Obama gọi là chính sách hướng về châu Á của Mỹ. Trong chặng cuối chuyến thăm viếng châu lục này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã đến New Delhi và xác định sự hợp tác quốc phòng với Ấn Độ là nét cơ bản trong chiến lược của Mỹ. Theo các nhà bình luận, chính quyền New Delhi rất quan tâm đến vũ khí của Mỹ và thương mại song phương giữa hai nước về trang thiết bị quân sự hiện đã vượt qua ngưỡng 9 tỉ USD. Năm 2014, khi phần lớn quân Mỹ rút khỏi Afghanistan, quan hệ hợp tác Mỹ-Ấn sẽ chặt chẽ hơn nữa, góp phần tô đậm thêm sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Lê Cẩn tổng hợp