Bạn đã từng ngạc nhiên khi biết tuổi thật của một người nào đó vì trông họ quá trẻ so với tuổi? Hoặc ngược lại, nhìn họ già hơn so với tuổi?
Những sự chọn lựa trong lối sống như chế độ ăn uống, ngủ và thể dục đóng một vai trò lớn đối với dáng vẻ của bạn. Gene hay yếu tố di truyền cũng vậy. Và những kết luận này là rõ ràng.
Nhưng có một yếu tố “chưa rõ ràng” được cho là ảnh hưởng đến sự lão hóa của cơ thể: những suy nghĩ của bạn. Đúng vậy, những gì mà bạn suy nghĩ ngay giây phút này có thể đóng vai trò ảnh hưởng đến việc bạn già nhanh hơn hoặc chậm đi.
Nhà khoa học đoạt giải Nobel Elizabeth Blackburn và nhà tâm lý sức khỏe Elissa Epel gọi đây là hiệu ứng “télomère”. Theo họ, những hành động nhất định của bạn có thể khơi mào cho việc tái tạo tế bào mới khỏe mạnh, làm chậm lại quá trình lão hóa hoặc thậm chí ngược lại – làm cho bạn già nhanh hơn.
Télomère là các đầu mút của nhiễm sắc thể (chromosome). Nó được coi là chiếc “mũ bảo vệ” phần đầu của nhiễm sắc thể; chiếc “mũ” này càng dài thì nhiễm sắc thể càng được bảo vệ tốt. Mỗi lần phân bào thì télomère lại ngắn đi, cuối cùng ngắn tới mức không thể bảo vệ DNA khỏi bị tổn thương và đột biến, dẫn đến hậu quả làm cho cơ thể trở nên già yếu và sinh ra bệnh tật ở tuổi già.
Một số hành vi có khuynh hướng làm cho télomère của chúng ta bị ngắn đi. Một trong số đó là “cách suy nghĩ” của chúng ta.
Chỉ trích và gây hấn
Một cuộc nghiên cứu của Blackburn và Epel chỉ ra rằng những người đàn ông thể hiện mức độ chỉ trích và hiềm thù cao thì dễ bị tổn thương trước bệnh tật và các vấn đề sức khỏe. Họ cũng có khả năng già nhanh hơn.
Quá bi quan
Télomère của những người bi quan dễ bị ngắn đi. Họ cũng dễ mắc phải các vấn đề sức khỏe và ảnh hưởng đến tuổi thọ. Những căn bệnh như ung thư, bệnh tim phát triển nhanh hơn trong cơ thể của những người bi quan.
“Nhai lại” quá khứ
Những người không thể thoát khỏi quá khứ có télomère ngắn hơn. Blackburn và Epel gọi đây là “sự nhai lại” và là một dạng suy nghĩ có thể hủy hoại sức khỏe của bạn. Họ cũng chỉ ra sự khác nhau giữa “nhai lại” quá khứ và sự soi xét nội tâm – được xem là hành động thông thường và lành mạnh.
Nếu cứ dằn vặt, “nhai lại” những sai lầm, chuyện đã qua và giữ mãi những ý nghĩ, cảm xúc căng thẳng thì sẽ dẫn đến lo âu nhiều hơn và tăng khả năng trầm cảm.
Đè nén cảm xúc không tốt cho ai cả
Tận trong “sâu thẳm đen tối” của tâm trí chúng ta là một nơi nguy hiểm. Và chúng ta có thể muốn cố hết sức để phớt lờ những gì khó chịu. Điều này có thể gây hại cho sức khỏe của chúng ta.
Tránh né những suy nghĩ tiêu cực cũng sẽ ảnh hưởng không tốt đến các télomère, theo kết quả một cuộc nghiên cứu. Khi chúng ta tránh né stress bằng cách đè nén, mức độ stress sẽ càng tệ hại hơn. Và dĩ nhiên, stress kinh niên là một yếu tố nguy hiểm chính yếu ảnh hưởng đến tuổi thọ.
Nhưng may mắn là không giống với gene di truyền, chúng ta có thể kiểm soát những suy nghĩ của chính mình. Vì vậy, nếu bạn thấy bực bội, căm ghét, bi quan hay dằn vặt với quá khứ, hãy sớm để những suy nghĩ này qua mau.
- An Bình theo INC