Theo Rob Vos, một trong những giám đốc thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Thực phẩm Quốc tế (IFPRI), thế giới cần có những khoản đầu tư quan trọng hơn nữa để đưa hàng trăm triệu người ra khỏi cảnh nghèo đói và mang lại cho ngành nông nghiệp một môi trường hoạt động bền vững.
Trong điều kiện hiện nay, khi dân số thế giới đang ngày càng tăng, tình trạng nghèo đói và thiếu ăn cũng tăng theo khiến nhiều nước phải trông cậy vào sự liên kết với khu vực tư để giải quyết vấn đề một cách căn cơ. Tháng 7 vừa qua, trong khuôn khổ Diễn đàn Chính trị cấp cao về phát triển bền vững diễn ra tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, IFPRI đã tổ chức sự kiện “Đầu tư để điều chỉnh hệ thống thực phẩm” qua đó các thành viên tham dự đã nhấn mạnh đến nhu cầu đầu tư vào nông nghiệp bền vững. Trong lúc dân số thế giới sẽ lên đến 8 tỉ người vào năm 2025 thì đất đai khả canh vẫn còn ở mức cũ. Mặt khác, bệnh dịch trên cây trồng, kỹ thuật nông nghiệp lạc hậu, sự lãng phí về nước sẽ khiến cho sự đáp ứng yêu cầu phát triển ngày một khó khăn hơn.
Theo ông Vos, ưu tiên 1 cho sự tham gia của khu vực tư vào nông nghiệp bền vững là đầu tư hạ tầng cơ sở để hỗ trợ cho nông nghiệp: đường sá cho vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm, điện năng cho gia tăng sản xuất, vận chuyển, chế biến và bảo quản sản phẩm bằng kho lạnh… Ưu tiên 2 của mô hình hợp tác công-tư là đầu tư vào những kỹ thuật bền vững và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, chủ yếu là rau và trái. Đồng tình với nhận định trên, Brian Bogart, cố vấn khu vực Nam Phi thuộc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), thêm rằng các nước thành viên LHQ cần đề ra những nỗ lực nhằm khai triển sự hợp tác có hiệu quả với khu vực tư nhân.
Một số quốc gia đã sẵn sàng đáp ứng những đề xuất do Vos và Bogart đưa ra, trong đó có Pháp, Đức và Nhật Bản. Song để giải quyết vấn đề còn cần đến sự dấn thân của xã hội dân sự. Một thành viên của dự án Hunger Project là Coonrod cho biết tổ chức của ông sẽ cổ xúy một chế độ dinh dưỡng có hiệu quả thông qua giáo dục, truyền đạt những phương pháp canh tác đạt năng suất cao, tăng cường khả năng chế biến tại chỗ, hạn chế tối đa sự thất thoát sản phẩm nông nghiệp trong suốt quá trình thu hoạch, chế biến, tồn trữ và vận chuyển đến tay người tiêu thụ…
Phải có sự đồng bộ của những biện pháp nêu trên mới hy vọng đạt đến một nền nông nghiệp bền vững, từng bước tiêu diệt nghèo đói ở nhiều khu vực trên hành tinh này.