Hằng năm cứ vào tháng Giêng, nhóm EURASIA GROUP với vai trò cố vấn đối với rủi ro toàn cầu lại họp bàn để phân tích và phổ biến những xu hướng thiết yếu nhất về tình hình địa – chính trị thế giới trong năm. Bản liệt kê dưới đây dự đoán những gì sẽ xảy ra trong 12 tháng tới. Những biến cố này sẽ tạo ảnh hưởng rất lớn đến tình hình thị trường cũng như chính trị thế giới và chúng ta có thể chứng kiến nhiều điều gây ngạc nhiên.
1. Tình hình chính trị đổ vỡ ở châu Âu
Nền kinh tế châu Âu không đến nỗi xấu như hồi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực đồng euro năm 2012, nhưng tình hình chính trị thì lại rất xấu. Trong nội tình của những nước lớn như Anh và Đức, các đảng phái chính trị chủ trương chống tổ chức Liên minh châu Âu đang lớn mạnh, và được dân chúng ủng hộ. Điều này có nghĩa là các chính phủ đương quyền bị ép buộc phải đưa ra những chính sách cải tổ cần thiết, nhiều khi khá đau thương. Rạn nứt giữa các chính phủ ở châu Âu ngày càng lớn, một số nước tỏ ra bất mãn vì ảnh hưởng của một nước Đức hùng mạnh, trong lúc Pháp không làm gì được và Anh thì giữ thái độ quan sát từ xa.
2. Nga sẽ có phản ứng
Những biện pháp trừng phạt về tài chính đối với nước Nga, cộng thêm giá dầu trên thế giới sụt giảm khiến cho Tổng thống Vladimir Putin gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn chưa đủ để ông bó tay ngồi yên. Moscow sẽ tiếp tục gây áp lực với Ukraina, do đó Hoa Kỳ và châu Âu có thể gia tăng mức độ trừng phạt về tài chính. Uy tín của Putin sẽ tùy thuộc vào khả năng đối đầu của ông với phương Tây. Các công ty lớn và nhà đầu tư Tây phương sẽ trở thành đối tượng để Putin trả đũa.
3. Ảnh hưởng của nền kinh tế Trung Quốc
Nền kinh tế Trung Quốc sẽ phát triển chậm lại trong năm 2015, nhưng đó là một phần trong kế hoạch của ông Tập Cận Bình muốn chuyển nước này sang nền kinh tế “phát triển nhờ tiêu thụ”. Mức phát triển chậm của nền kinh tế Trung Quốc không đem đến hậu quả đáng kể ở nội địa, nhưng những nước như Brazil, Úc, Indonesia và Thái Lan sẽ bị tác hại nặng, vì sự phát triển của họ tùy thuộc rất nhiều vào mậu dịch với Trung Quốc, một nước đông dân và lúc nào cũng khao khát tài nguyên.
4. Mỹ dùng biện pháp tài chính như một loại vũ khí
Vào lúc này, dù Hoa Kỳ đã can dự quá nhiều vào chiến tranh và chiếm đóng bằng quân sự nhưng chính quyền của ông Obama vẫn còn muốn tạo thêm ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu. Chính vì thế, Washington chuyển sang sử dụng sức mạnh về tài chính như một loại vũ khí, với chính sách ngoại giao “củ cà rốt và cây gậy” để gây áp lực các nước khác thuận theo đường lối của mình. Củ cà rốt ở đây là sự tiếp cận, tham gia vào thị trường tư bản, còn cây gậy là các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên những biện pháp này cũng có thể gây ra thiệt hại không nhỏ cho các công ty Hoa Kỳ.
5. IS bành trướng vượt ra khỏi phạm vi Iraq và Syria
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự phong (IS) bị đẩy lui ở lãnh thổ Iraq và Syria, nhưng ý thức hệ của tổ chức này lại lan rộng khắp vùng Trung Đông và Bắc Phi. Họ sẽ lập ra những đơn vị mới ở Yemen, Jordan và Ả Rập Saudi. Tổ chức này cũng lôi kéo được sự gia nhập của nhiều tổ chức thánh chiến Hồi giáo khác. Khi ảnh hưởng của những tổ chức hiếu chiến gia tăng cũng đồng nghĩa với việc các nước theo Hồi giáo Sunni sẽ bị rơi vào tình trạng bất ổn.
6. Nhiều lãnh đạo đương nhiệm bị suy giảm uy tín
Phần lớn các nhà lãnh đạo chính trị hiện nay bị suy giảm uy tín – đó là điểm sẽ đưa đến nhiều rủi ro trong năm 2015. Một số lãnh tụ chỉ tái đắc cử với số phiếu vừa đủ thắng như bà Dilma Rousseff của Brazil, ông Juan Manuel Santos của Colombia và ông Jacob Zuma của Nam Phi. Ông Goodluck Jonathan của Nigeria và ông Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải gặp sự chống đối quyết liệt của các đảng đối lập.
7. Sự lớn mạnh của những khu vực chiến lược
Kinh doanh toàn cầu trong năm 2015 sẽ tập trung đầu tư vào các quốc gia có tình hình chính trị ổn định hơn là vào yếu tố phát triển kinh tế. Cũng vì lý do đó, các chính phủ sẽ nâng đỡ những ngành kinh doanh nào đi theo đường lối, mục đích của chính phủ và thẳng tay trừng phạt những công ty không theo đường lối của họ. Chúng ta sẽ chứng kiến một xu thế trong đó nhiều thị trường đang lên nhờ chính phủ tiếp tay, giữ tầm quan trọng trong nền kinh tế, đồng thời những quốc gia ngang ngược sẽ có thêm những vũ khí cực mạnh để củng cố quyền lực.
8. Căng thẳng giữa Ả Rập Saudi và Iran
Tranh chấp giữa hai giáo phái Shi’ite của Iran và Sunni của Ả Rập Saudi là động cơ chính gây ra xung đột, chiến tranh ở vùng Trung Đông. Hoa Kỳ và nhiều cường quốc khác né tránh không muốn can thiệp, trong lúc hai nước chủ yếu này đang có những khó khăn về chính trị trong nội điạ. Năm 2015 sẽ chứng kiến cả hai chính phủ Ả Rập Saudi và Iran tìm cách dùng sức mạnh riêng của mình để gây ảnh hưởng ở các nước khác trong vùng Trung Đông.
9. Tình hình Trung Quốc và Đài Loan
Sau khi đảng Dân chủ Cấp tiến ở Đài Loan đánh bại phe Quốc dân đảng với tỷ lệ rất lớn trong cuộc tuyển cử tháng 11-2014, quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan sẽ trở nên căng thẳng vào năm 2015. Nếu Trung Quốc thẩm định rằng chính sách đối phó với Đài Loan của họ từ bấy lâu nay thất bại, họ sẽ thu hẹp đầu tư và mậu dịch để gây khó khăn cho Đài Loan.
10. Thổ Nhĩ Kỳ có thể bất ổn
Giá dầu hạ có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Tổng thống Erdogan sẽ dùng chiến thắng của mình trong kỳ bầu cử năm 2014 để dồn ép nhiều đảng phái chính trị vào một phía và củng cố quyền lực của đảng cầm quyền, thu tóm quyền bính vào tay mình. Do vậy tình hình chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có nguy cơ rơi vào bất ổn.
Đ.N tổng hợp (DNSGCT)