“Thị trấn trong sương” Sa Pa từ lâu nay đã là một điểm đến du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước bởi phong cảnh núi rừng, không khí mát lạnh vùng cao và những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số bản địa.
Sa Pa còn được nhiều họa sĩ chọn làm nơi sống và vẽ dài ngày hay từng thời gian. Sự khoáng đạt, thanh khiết của đất trời và vẻ đẹp của con người ở Sa Pa đã đi vào tranh các họa sĩ cao niên cũng như trẻ tuổi.
Cầu Mây là một tuyến phố chính mà bất kỳ du khách nào đến với Sa Pa đều in dấu chân mình, bởi các chuyến xe đưa khách đến với thị trấn đều dừng ở cuối phố. Phố Cầu Mây không dài lắm nhưng cong cong ngoạn mục, hai bên là hàng loạt khách sạn tư nhân, nhà hàng và quán ăn đủ các loại thực đơn tây – tàu – ta, các cửa hàng bán đồ lưu niệm, hàng thổ cẩm thật và giả…; chỉ duy nhất có một phòng trưng bày tranh nghệ thuật hẳn hoi.
Mây ở phố Cầu Mây
Không giống như đô thị du lịch Hội An, nơi vào thời cao điểm có tới cả trăm gallery lớn nhỏ của họa sĩ chuyên nghiệp nơi khác đến lẫn người vẽ địa phương, ở Sa Pa chỉ có gallery Mây ở phố Cầu Mây.
Bởi đứng một mình nên gallery Mây trở thành địa chỉ mỹ thuật độc đáo của Sa Pa. Chủ nhân gallery là một tên tuổi không mấy xa lạ với sinh hoạt tạo hình ở Hà Nội: họa sĩ Vũ Thăng. Anh tốt nghiệp chuyên ngành sơn mài Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1992 và từng dự nhiều triển lãm nhóm cũng như có một số triển lãm cá nhân trong, ngoài nước. Sự hình thành gallery Mây tại Sa Pa có duyên cớ đặc biệt: Vũ Thăng từng trải qua nhiều năm sống ở vùng cao Tây Bắc, nhất là ở Sa Pa, từ đó giúp anh có được một sự hiểu biết khá tường tận về nếp sống, sinh hoạt, văn hóa các dân tộc thiểu số cũng như có sự gắn bó tình cảm mật thiết với vùng đất này. Vốn sống, sự trải nghiệm ấy đi vào tranh Vũ Thăng một cách tự nhiên, không chút gượng ép để rồi Sa Pa có một vị trí đáng kể trong hội họa của Vũ Thăng. Gallery Mây trưng bày tranh của Vũ Thăng và các bạn bè anh ở Việt Nam cũng nhưở nhiều nước trên thế giới. Đó còn là nơi gặp gỡ, trao đổi, trò chuyện của những người yêu nghệ thuật đã và đang dừng chân ở “thị trấn trong sương”.
Theo lời họa sĩ Đào Trọng Lưu, một cư dân tạm trú dài hạn tại Sa Pa nhiều năm qua thì ngoài gallery Mây còn có vài địa chỉ trưng bày tranh là các khu resort, các điểm homestay do người nước ngoài đầu tư và quản lý, trong đó có một địa chỉở Tả Van, nơi ông chủ người Đan Mạch là một nhà sưu tập tác phẩm mỹ thuật.
Đến Sa Pa sống và vẽ
Họa sĩ Đào Trọng Lưu (được bè bạn trong giới gọi là Lưu “mải chơi”) hầu như sống quanh năm ở Sa Pa dù ông có nhà, có phòng tranh riêng tại Hà Nội. “Tôi chỉ về Hà Nội khi có việc gì cần kíp lắm, nhưng cũng chỉ đi hai ba hôm lại lên đây. Sống ở đây mãi thành quen, Hà Nội lại ngột ngạt, chật chội quá, chỉ lên đây tôi mới vẽ được” – ông Lưu cho biết. Hiện ông ở tầng ba một khu nhà trên đồi cao, ngay phía sau Khách sạn Victoria Sa Pa, từ đây có thể phóng tầm mắt khắp thị trấn. Bạn đồng nghiệp cũng là láng giềng của ông là họa sĩ Nguyễn Cương, sau khi rời các chức vụ quản lý cũng tìm lên đây sống và “tự do thể hiện phần đời nghệ thuật còn lại của mình” theo lời ông Lưu.
Ngoài ra còn có những họa sĩ tên tuổi cũng thường đến sống và sáng tác tại Sa Pa, điển hình là cây đại thụ Trần Lưu Hậu. Chỉ khoảng hai năm gần đây thì người dân địa phương mới không còn gặp lão họa sĩ, bởi ông phải trải qua một ca phẫu thuật và do tuổi đã ngoài tám mươi, sức khỏe không cho phép ông lên – xuống núi như độ nào, khi mà theo lời một cây bút viết về mỹ thuật thì “Cứ hè là ông lên đó ba tháng, mọi người hỏi thì ông bảo là đi trốn nóng vì già. Mỗi năm ông trốn nóng ở một góc khác nhau của Sa Pa. Lúc về có ôtô chở cả đống tranh về theo. Tranh ông, gallery nào muốn mua, bán một bức là đủ tiền cho cả chuyến đi…”.
Còn đây là lời họa sĩ Đặng Tin Tưởng – cũng là một người mê đắm Sa Pa nói về đồng nghiệp Trần Lưu Hậu: “Thật may ở Sa Pa có cả khối lượng oxy khổng lồ hòa chung với gió núi, tạo cho ông những cảm hứng dào dạt để ông dốc cả tâm lực của mình trải đầy trên mỗi mặt toan trắng và nó trở thành tác phẩm nghệ thuật được nhiều người nâng niu, trân trọng… Mỗi năm có 90 ngày ở Sa Pa đồng nghĩa với số lượng tác phẩm ông cho ra đời. Sau mỗi vụ mùa thu hoạch từng cuộn lúa vàng được mang về Hà Nội. Xem lại, chính ông cũng phải giật mình về thành quảở mỗi mảng đề tài và số lượng tác phẩm. Ấy thế mà kết thúc cho mỗi chuyến đi sáng tác dài ngày ông chỉ dành một ngày để được tắm rửa tử tế, đi dạo bộ thảnh thơi bên những hàng sa mu cao vút trước khi trở về Hà Nội (…). Sa Pa trong tranh của ông cứ cô đọng dần như người thợ nấu cao. Ở giai đoạn cuối, tranh của ông chỉ còn mây và núi. Chuyện vui kể lại: có người dân hỏi ông: bác ở đây làm nghề gì mà lâu thế? Ông cười trả lời vui: tôi ở đây làm nghề theo dõi mây và núi”.
Trong triển lãm cá nhân gần đây của mình, họa sĩ Đặng Tin Tưởng đã dành một góc cho đề tài Sa Pa với nhiều tranh sơn khắc, sơn dầu, giấy dó. Để có thể hoàn thành một bức tranh khắc khổ lớn về thị trấn trên cao, ông đã thuê một ngôi nhà ở Sa Pa làm xưởng vẽ, mỗi năm lên đó sống vài tháng. Bên cạnh tranh khắc phong cảnh Sa Pa cẩn trọng đến từng chi tiết là những tranh giấy dó trực họa chân dung những phụ nữ người Mông, người Dao… mà nét cọ như những áng mây chợt ẩn chợt hiện ở Sa Pa.
Cũng thường xuyên đến sống và vẽ ở Sa Pa là họa sĩ Tô Ngọc Thành. Với cả trăm chuyến đi Sa Pa những năm qua, ông đã có một bộ sưu tập tranh đáng nể về phố núi. Tháng 9-2011, ông có triển lãm cá nhân “Ấn tượng Sa Pa” tại gallery Tự Do (TP. Hồ Chí Minh) đến đầu năm 2012 ông tiếp tục bày tranh về Sa Pa tại Hà Nội. Họa sĩ cũng thuê một địa điểm tại phố Cầu Mây để làm xưởng vẽ và nơi lưu trú trong những ngày đến với Sa Pa. Ông thổ lộ chỉ có thể vẽ về Sa Pa khi nào hít thở không khí thanh sạch của vùng cao, ăn món ăn của người dân tộc bản địa, và biết thế nào là giá rét núi rừng Sa Pa vào mùa đông…
- Đông Hà