Đó là tên gọi cuộc triển lãm một phần bộ sưu tập tranh, tượng của ông Trương Văn Thuận, được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97A Phó Đức Chính, Q.1, từ 22-6 đến 2-7-2017). Sở hữu hàng ngàn tác phẩm mỹ thuật từ nhiều năm nay, đây là lần đầu tiên ông Thuận giới thiệu với công chúng những tài sản tinh thần quý giá, như một cách chia sẻ thú chơi tao nhã mà ông đã dày công vun đắp. Triển lãm còn là cách ông mừng tuổi sáu mươi “lục thập hoa giáp” của mình.
Ông Thuận cho biết, ông đến với việc sưu tầm tranh tượng như một cái duyên, đó là khi ông giúp đỡ cùng lúc gia đình một họa sĩ và một nhà sưu tập đang gặp khó khăn cách đây đã gần 30 năm. Từ lúc đó, ông đã cảm nhận được những nét đẹp của các bức tranh mình được nhìn ngắm, rồi khám phá dần cái thế giới đa dạng của nghệ thuật tạo hình Việt Nam và thế là tình yêu đối với hội họa, điêu khắc đến với ông lúc nào không hay, càng ngày càng bền chặt. Tất nhiên, để có được một bộ sưu tập khá bề thế như hiện nay, ông Thuận cũng phải trải qua những bước khởi đầu không dễ dàng gì, phải trả giá cho những nhầm lẫn thật – giả vốn tồn tại từ lâu trong làng mỹ thuật Việt và hiện đã ở mức khôn lường!
Khoảng 200 tác phẩm (trong đó có hơn mười tượng điêu khắc) được ông Thuận đưa ra trong triển lãm “Một tình yêu hội họa”. Dù trong bộ sưu tập của mình không thiếu tranh của các tác giả thời mỹ thuật Đông Dương và nhiều tác giả nổi tiếng đã khuất, trong lần triển lãm này ông Thuận chỉ giới thiệu với công chúng những gì ông sưu tầm được trực tiếp từ các tác giả, hoặc mua khi các họa sĩ chưa qua đời; trong số đó nhiều người đã trở thành thân thiết với ông. Lấy ví dụ, một trong những bức sơn mài đẹp, có giá trị nghệ thuật cao tại triển lãm này là bức Chợ quê của Nguyễn Trịnh Thái. Đây có lẽ là tác phẩm sơn mài kích thước lớn nhất (90 x 200cm), được thực hiện công phu, tỉ mỉ nhất của họa sĩ Hải Phòng, từng có nhiều triển lãm rất thành công tại chính Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Hay bức Nắng hanh vàng, tác phẩm sơn mài cũng khổ lớn (120 x 180cm) được hai họa sĩ Ngọc Thọ – Yên Hòa vẽ chung. Rồi tranh lụa Góc chùa Trăm Gian của Mai Long, tác giả được ông Thuận đặc biệt yêu thích, đã sở hữu loạt tranh lụa khoảng 20 bức được họa sĩ vẽ vào thập niên 1970. Trong triển lãm còn có tác phẩm của các tên tuổi mỹ thuật phía Bắc như Thẩm Đức Tụ, Trần Tuy, Phạm Lực, Lê Trí Dũng, Đỗ Phấn, Phạm Minh Hải, Bùi Minh Dũng, Nghiêm Xuân Hưng… Và cũng không thiếu tranh của những họa sĩ sống ở miền Nam như Bùi Quang Ngọc, Nguyễn Tấn Cương, Đỗ Hoàng Tường, Hứa Thanh Bình, Lê Xuân Chiểu, Đặng Can, Nguyễn Xuân Việt…
Không chỉ sưu tầm tranh tượng, ông Thuận còn có mối giao tình với các nghệ sĩ mà ông có được tác phẩm của họ. Ngôi nhà của ông tại đường Nguyễn Thiện Thuật, Q.3 (TP. Hồ Chí Minh) đã trở thành nơi giao lưu, tụ họp của nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc. Họ quý mến nhà sưu tập ở sự cầu thị, biết trân trọng những người đã giúp ông trên bước đường hoàn thiện bộ sưu tập mỹ thuật. Từ tình cảm đó, khá nhiều họa sĩ có tranh trong triển lãm “Một tình yêu hội họa” cũng đã vẽ chân dung nhà sưu tập và vợ ông (nghệ sĩ xiếc Ánh Tuyết) cùng các con ông; có thể kể: Mai Long, Bùi Quang Ngọc, Thẩm Đức Tụ, Trịnh Thái, Trần Tuy, Đỗ Phấn, Nguyễn Tấn Cương, Hứa Thanh Bình, Đỗ Hoàng Tường… Vì thế, mảng tranh chân dung chiếm đến gần một nửa phòng triển lãm.
Nói về bộ sưu tập của ông Thuận, nhà điêu khắc Trần Tuy, nguyên Tổng biên tập tạp chí Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: “Tôi không rõ ông sưu tập đã bao năm; số lượng tranh, tượng nhiều hay ít; tác giả là những ai, và chất lượng các tác phẩm như thế nào… Để thăm dò, tôi đưa thử ông xem vài ba chục bức tranh giấy của tôi. Ông thận trọng giở đi, giở lại, chọn ra 4-5 bức ưng ý nhất rồi hỏi mua. Tôi đành xin lỗi bởi đó cũng là những bức “tranh ruột” mà tôi đã gìn giữ từ mấy chục năm nay. Nhưng qua đó, tôi coi trọng con mắt tinh tường, gu thẩm mỹ tốt của ông Thuận và lúc này thì mới tin tưởng vào chất lượng bộ sưu tập mà ông đã chọn lựa”. Một người bạn thân của nhà sưu tập là dịch giả Vũ Anh Tuấn đã tổng kết: ông Trương Văn Thuận là một nhà sưu tập tranh khá chuẩn, thực sự có lòng đam mê và kiến thức cần thiết cho cuộc chơi nghệ thuật hào hứng nhưng cũng hết sức phức tạp này.
Theo họa sĩ Hứa Thanh Bình, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, rất cần những triển lãm từ các bộ sưu tập có giá trị, qua đó liên kết các nhà sưu tập, làm thành một nguồn lực, một sức mạnh khác cho sinh hoạt mỹ thuật tại Việt Nam, thay vì chỉ có các bảo tàng nhà nước. Do vậy, “Một tình yêu hội họa” là một tín hiệu đáng mừng, hy vọng sẽ kéo theo nhiều triển lãm từ các bộ sưu tập có giá trị khác trong thời gian tới.
- Ngã Văn