Sàn Art Laboratory (Phòng thí nghiệm Sàn Art) là chương trình studio lưu trú của các nghệ sĩ trẻ đương đại tại Sàn Art (số 3 Mê Linh, Q. Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.
Từ ngày khởi đầu chương trình đến nay đã trải qua ba phiên, kết quả của phiên thí nghiệm thứ tư là cuộc triển lãm “Tâm trí, xác thể, vật chất” của ba nghệ sĩ trẻ Lại Thị Diệu Hà, Lê Phi Long và Nguyễn Văn Đủ (từ 13-5 đến 7-8-2014).
Trải qua sáu tháng cùng làm việc, nhóm ba nghệ sĩ trẻ đã khảo sát mối quan hệ giữa con người và nhiều lĩnh vực của đời sống mà xuyên suốt là mối quan hệ giữa tâm trí, cơ thể và môi trường tự nhiên, qua đó gửi đi thông điệp: hãy cùng nhau làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tốt nghiệp chuyên ngành hội họa Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua Nguyễn Văn Đủ không ngừng tìm tòi, thử nghiệm những phương thức mới trong sáng tác với sự quan tâm đặc biệt các yếu tố lịch sử, chính trị, các vấn đề xã hội Việt Nam qua nhiều thời kỳ. Nghệ thuật của anh là sự đấu tranh, thậm chí đả kích mạnh mẽ những cái xấu, những mảng tối trong cuộc sống – những sáng tác mới của anh trong thời gian lưu trú tại Sàn Art xoay quanh tình trạng bạo lực trong xã hội hiện nay. Đó là những bức tranh sơn dầu khổ lớn với những nhát cọ đỏ và hồng phơi bày sự chết chóc, đồng thời kêu gọi mọi người không thờ ơ với bất kỳ hành động nào nhằm hủy hoại sự sống.
Trong khi đó, Lê Phi Long quan tâm đến những hành động tàn phá tài nguyên đất đai, đột ngột di dời các cộng đồng sinh sống lâu đời để phục vụ cho những mục tiêu vị lợi của một số người dưới chiêu bài phát triển xã hội. Học Đại học Mỹ thuật Huế, sau đó ra Hà Nội lập nghiệp, Lê Phi Long thích sống gần gũi thiên nhiên, nên sáng tác của anh dù là điêu khắc, hội họa, nhiếp ảnh hay trình diễn thì yếu tố chủ đạo vẫn là sự thân thiện với môi trường và hài hòa với thiên nhiên.
Lại Thị Diệu Hà tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, từng có nhiều hoạt động nghệ thuật gây được sự chú ý của công chúng bởi thường lấy thân thể chính mình để thử nghiệm và thực hành, từng được triển lãm, trình diễn tại một số quốc gia trên thế giới. Thông qua quá trình nghiên cứu cùng các chuyên gia y học và bệnh nhân của họ, cô “kịch hóa” chính bản thân mình và đặt câu hỏi “nỗi khổ của con người là do gien di truyền hay do hoàn cảnh xã hội định đoạt”.
- Ngân An