Khác với tình hình khá ảm đạm của những tháng cuối năm ngoái, thị trường ôtô tại Việt Nam trong quý I-2014 đã tăng trưởng ngoạn mục. Sự gia tăng đột biến của dòng xe nhập khẩu cùng với những phức tạp liên quan đến lượng xe hạng sang nhập khẩu theo diện tài sản của Việt kiều hồi hương là những mảng màu nổi bật, đang được quan tâm nhiều nhất hiện nay.
Lạc quan với những con số ấn tượng
Theo thống kê, trong bốn tháng đầu năm, cả nước tiêu thụ được hơn 41.300 xe, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó dòng ôtô con tăng 48% (hơn 26.800 xe) và dòng xe tải tăng 24% (14.560 xe). Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tính hết quý I-2014, các thành viên của hiệp hội này đã bán được 30.027 xe, trong đó 21.488 chiếc lắp ráp trong nước và 8.539 chiếc nhập khẩu. Dẫn đầu về doanh số trên thị trường hiện nay là Thaco với gần 11.000 xe được bán ra trong bốn tháng đầu năm. Toyota Việt Nam cũng đóng vai trò chính trong việc tạo nên những con số lạc quan cho thị trường khi công bố chỉ trong tháng 4 đã bán được 3.000 chiếc, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2013.
Đây cũng là tháng thứ tư liên tiếp trong năm nay Toyota VN tăng được lượng xe tiêu thụ, giúp doanh nghiệp này dẫn đầu thị trường nội địa về lượng xe bán ra trong quý (10.428 chiếc), tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù phải thu hồi hơn 43.000 xe Innova, Fortuner và Hiliux để sửa chữa lỗi liên quan đến hoạt động của túi khí nhưng hai thương hiệu Innova và Fortuner của Toytota Việt Nam vẫn tiêu thụ được hơn 1.300 xe trong tháng 4. Các thành viên khác của VAMA như Ford Việt Nam cũng tăng 37% lượng xe tiêu thụ (939 chiếc) trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, VinaStar (Mitsubishi) bán được 275 xe, tăng những 110% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng trong tháng 4 lượng xe bán ra của các thành viên VAMA đạt 10.116 chiếc, tăng 26% so với tháng 4 năm ngoái và tăng 9% so với tháng 3 vừa qua. Thaco theo rất sát Toyota, chỉ chịu thấp hơn không tới 1% doanh số. Năm doanh nghiệp đang dẫn đầu là Toyota (29,7%), Thaco (28,8%), Ford (9,3%), VinaMazda (6,1%) và Honda (5,2%). Tháng 4 còn chứng kiến lượng xe nhập khẩu tăng đột biến, đạt 2.247 chiếc, tăng 33% so với tháng 3, trong khi lượng xe lắp ráp trong nước chỉ dừng ở con số 9.097 chiếc, tăng 10% so với tháng trước đó. Với kết quảấn tượng trong bốn tháng đầu năm, VAMA đang kỳ vọng vào kết quả kinh doanh mỹ mãn hơn trong những tháng còn lại của năm khi điều chỉnh dự báo sức tiêu thụ của thị trường ôtô Việt Nam trong năm 2014 từ 120.000 lên 125.000 xe.
Sẽ có sự đổi ngôi trong phân khúc thị trường?
Nếu so sánh với quý I-2013, sản lượng bán hàng xe lắp ráp trong nước của quý I-2014 chỉ tăng 24%, quá nhỏ so với mức tăng đến 98% của xe nhập khẩu. Trong hai tháng đầu năm, mỗi tháng chỉ có 3.000 xe được nhập về thì sang tháng 3, lượng xe nhập khẩu tăng lên tới 4.000 chiếc với giá trị khoảng 84 triệu USD. Bất ngờ diễn ra khi số xe nhập khẩu trong tháng 4 vọt lên đến 5.000 chiếc với giá trị lên đến 130 triệu USD. Tính chung bốn tháng đầu năm nay, đã có 15.000 chiếc ôtô nhập khẩu với trị giá 329 triệu USD, tăng 53,4% về lượng và 76,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự tăng trưởng của dòng xe nhập khẩu báo hiệu những khả năng thay đổi thị phần trên thị trường ôtô Việt Nam hiện tại mà điều có thể diễn ra trong tương lai là sự áp đảo của xe lắp ráp trong nước sẽ không còn trước sự ào ạt đổ bộ của dòng xe nhập khẩu. Theo giới kinh doanh, nguyên nhân của sự đột biến vềxe nhập khẩu một phần là do từ đầu năm nay, phí trước bạ ôtô dưới mười chỗở thị trường TP. Hồ Chí Minh giảm từ 15 xuống còn 10% (tại Hà Nội là 12%), chính sách cho vay mua ôtô cũng thoáng hơn và thuế nhập khẩu các loại ôtô từ các nước ASEAN giảm về mức 50% từ ngày 1-1-2014.
Sự đổ bộ của xe nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng được cho là kết quả của sự gia tăng xuất khẩu từ hai quốc gia láng giềng Indonesia và Thái Lan. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết trong quý I-2014, đã có 2.117 ôtô nguyên chiếc được nhập khẩu từ Indonesia và Thái Lan, đạt hơn 32,3 triệu USD về giá trị. Xe nhập khẩu từ Indonesia chưa nhiều, mới chỉ 371 chiếc, đạt giá trị 3,55 triệu USD, nhưng xe từ Thái Lan lên tới 1.746 chiếc, đạt giá trị 28,8 triệu USD. Mặc dù chỉ đứng thứ ba trên tổng số 13 nước mà Việt Nam nhập khẩu ôtô nhưng cả Thái Lan và Indonesia vẫn là hai quốc gia đáng chú ý tại thị trường nhập khẩu trong nước vì họ có ngành công nghiệp ôtô phát triển mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của nền công nghiệp ôtô Việt Nam.
Trong khi đó, phân khúc xe lắp ráp trong nước chưa thể hiện bất cứ tín hiệu lạc quan đáng kể nào khi thời điểm thực hiện cam kết AFTA cắt giảm thuế nhập khẩu ôtô vào năm 2018 đã đến khá gần. Nền công nghiệp gia công, lắp ráp của Việt Nam trong những năm gần đây chứng kiến sự ra đi của nhiều dự án lớn từ các tập đoàn ôtô danh tiếng, đồng thời các sản phẩm sản xuất trong nước vốn là lợi thế của các doanh nghiệp Việt Nam như các loại xe tải, xe bus, kể cả xe chuyên dụng cũng đang dần bị yếu thế trước sự xâm lấn của các thương hiệu đến từ Trung Quốc. Tiếc là chiến lược phát triển và quy hoạch công nghiệp ôtô trong giai đoạn mới do Bộ Công thương chủ trì xây dựng đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Chưa biết nền công nghiệp ôtô Việt Nam sẽ tồn tại và phát triển theo hướng nào, còn với các doanh nghiệp, lợi nhuận đương nhiên vẫn là mục tiêu trên hết nên khi phân khúc xe lắp ráp trong nước không ổn thì họ sẽ chạy theo dòng xe nhập khẩu.
Theo nhận định của một số doanh nghiệp trong ngành ôtô thì khả năng lấn lướt của dòng xe nhập khẩu sẽ không dễ dàng vì đa số các dòng xe bình dân và được ưa chuộng tại Việt Nam hiện nay hầu hết thuộc về sản phẩm xe lắp ráp trong nước. Để cho các nhà máy của mình tại Việt Nam vẫn trên đà phát triển tốt như hiện tại, các công ty mẹ sẽ có những động thái điều phối hợp lý khiến cho xe nhập khẩu nguyên chiếc khó có thể xâm nhập ồạt. Bên cạnh đó, Thông tư 20/2011/TT-BCT về nhập khẩu xe ôtô (quy định chỉ có doanh nghiệp được ủy quyền từ chính hãng mới được phép nhập khẩu xe nguyên chiếc) cũng là một rào cản đối với xe nhập khẩu.
Xe nhập khẩu của Việt kiều hồi hương sẽ có số phận ra sao?
Mặc dù chiếm số lượng không lớn nhưng tập trung vào dòng xe sang trọng đắt tiền nên xe nhập khẩu của Việt kiều cũng tạo nên vài xáo trộn trên thị trường trong bốn tháng đầu năm, đặc biệt là từ thời điểm Thông tư 20/2014/TT-BCT có hiệu lực thi hành. Theo đó, kể từ ngày 1-4, xe ôtô nhập khẩu vào Việt Nam ngoài việc phải đáp ứng quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP và Thông tư số 31/2011/TT-BGTVT, xe ôtô theo chế độ tài sản di chuyển của công dân Việt Nam định cưở nước ngoài còn phải được đăng ký lưu hành ở nước định cư hoặc nước mà công dân Việt Nam định cưở nước ngoài đến làm việc ít nhất sáu tháng và đã chạy được một quãng đường tối thiểu là 10.000km tính đến thời điểm ôtô về đến cảng Việt Nam. Đó là rào cản nhằm ngăn chặn lợi dụng kẽ hở chính sách thông thoáng với Việt kiều hồi hương để buôn lậu các xe ôtô đời mới, có giá trị cao. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng xe hạng sang được nhập khẩu theo diện tài sản của Việt kiều hồi hương đã tăng đột biến trong năm 2012 với khoảng 1.200 chiếc, trong khi liên tục các năm 2009-2011 chỉ nhập tổng cộng chưa đến 200 chiếc. Còn trong các năm 2012-2013, lượng xe nhập khẩu thuộc diện này hiện còn nằm tại các cảng thuộc diện quản lý của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh là 97 chiếc, tại Đà Nẵng là 15 chiếc.
Hiện đang có hàng trăm xe nhập khẩu theo diện Việt kiều hồi hương phải nằm lại cảng, không được cấp phép do không đáp ứng đủ các quy định. Thông tư 20/2014/TT-BTC cũng quy định buộc tái xuất với những xe không đủ điều kiện nhập khẩu, thậm chí tịch thu xe nếu chủ nhân không tái xuất đúng thời gian quy định và người vi phạm sẽ bị xử lý khi cơ quan chức năng phát hiện, xác minh được hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, chỉ trong sáu tháng qua đã có hàng loạt đơn đề nghị được tái xuất xe nhập khẩu theo diện tài sản di chuyển với lý do “nhập về mới biết không phù hợp với chính sách hiện hành”. Một số Việt kiều tìm cách tặng cho các doanh nghiệp, tổ chức trong nước như một cách né phải tốn thêm chi phí lưu kho, tránh bị tái xuất hay xấu nhất là bị tịch thu. Một trong những giải pháp đang được mong đợi chính là được nộp thuế đầy đủ để lấy xe ra khỏi cảng, nhưng với các xe mới 100% chưa qua sử dụng dưới chín chỗ ngồi thì lại vướng phải quy định của Thông tư 20/2011/TT-BCT (chỉ cho phép nhập khẩu khi có ủy quyền của chính hãng). Số phận của những chiếc xe siêu sang lỡ đi theo đường Việt kiều hồi hương này chưa biết sẽ ra sao khi cơ quan hải quan cũng bối rối vì muốn thu về cho ngân sách nhà nước một khoản không nhỏ nhưng lại vướng các quy định từ các văn bản pháp quy.