Với gần 50 bức tranh đa dạng về đề tài và phong cách, nữ họa sĩ Công Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai đã mang đến sinh hoạt mỹ thuật phương Nam một không khí Huế trữ tình, lãng đãng. Triển lãm được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97A Phó Đức Chính, Q.1, từ 7-6 đến 14-6). Là em ruột của giáo sư – họa sĩ Vĩnh Phối, bà Tuyết Mai đã nối gót anh trai trên con đường hội họa. Tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1971, bà đã có nhiều năm giảng dạy tại Đại học Nghệ thuật Huế.Những cảm xúc đậm nữ tính và nặng lòng với quê nhà được tác giả chuyển đạt rất “nhuyễn” lên khung vải.Bên cạnh những họa phẩm được tạo hình với mảng, khối đậm đặc, người xem cũng dễ nhận ra dấu ấn của hội họa trang trí khá rõ nét ở nhiều tác phẩm.
Dù họa sĩ vẽ với nhiều phong cách cũng như kỹ thuật tạo hình, thể hiện nhiều đề tài khác nhau: phong cảnh, con người, hoa cỏ, tĩnh vật hay chỉ là những mảng khối, đường nét phi biểu hình thì “chất Huế” vẫn bàng bạc trong từng tác phẩm, đúng như nhận định của tiến sĩ Phan Thanh Bình, hiệu trưởng nhà trường: “Với họa sĩ Tuyết Mai, Huế là sự lắng sâu, là những gì thân thương, gắn bó nhất, chị luôn dành bao ưu ái cho những xúc cảm về Huế: con người, cảnh vật và biểu cảm những nỗi niềm về Huế thơ mộng. Ngay cả những năm tháng đi vẽ ở Pháp, chị vẫn không nguôi nỗi nhớ về Huế, vì thế người ta nhận thấy trong những mái nhà gỗ cổ kính của vùng Alsace, Strasbourg có vẻ đẹp nâu trầm, cổ kính của xứ Huế. Chúng hiện ra sâu kín và lắng đọng nét Huế đến lạ lùng. Dường như chị không cưỡng nổi xúc cảm trước những vệt màu nâu trầm trong không gian của vùng Alsace, Strasbourg tuyệt đẹp của nước Pháp… Huế trong mỗi tác phẩm của Tuyết Mai là một sự suy tư thầm kín, một góc phố cổ xưa, loáng thoáng bờ thành rêu phong của lăng tẩm, hay những thiếu nữ Huế tha thướt trong sương mờ, những con thuyền trên dòng Hương trĩu nặng bao tâm tình…, tất cả hiện ra bởi màu lam tím chủ đạo, đặc biệt là màu tím nhẹ đan xen với sắc trắng, hồng, lam đã tạo nên một phong cách rất riêng trong hội họa của Tuyết Mai và nó dễ làm lay động lòng người, gợi lên nỗi nhớ nhung da diết về Huế cho bao người xa xứ”.
Một phòng tranh với gần 50 bức tranh nhiều kích thước mà khi rời bước, người ta “cảm thấy nhẹ lòng và cảm nhận được sự yên bình, dịu ngọt, lắng sâu những tâm tình…”, như lời họa sĩ Phan Thanh Bình.
- Như Hoa