Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, lượng đường glucose trong máu thấp có thể kích thích tính khí nóng nảy và tạo ra những tình huống xung đột trong quan hệ vợ chồng.
Các nhà khoa học tại Đại học Ohio đã tiến hành nghiên cứu hành vi của 107 cặp vợ chồng trong khoảng thời gian dài 21 ngày. Mỗi tình nguyện viên nhận một con búp bê vải làm đại diện cho người bạn đời của mình và 51 cây kim. Họ cần biểu lộ sự tức giận của mình đối với người bạn đời bằng cách ghim những cây kim vào búp bê, ghim càng nhiều nghĩa là mức độ bực bội càng cao. Vào cuối mỗi ngày, các nhà nghiên cứu đo lại nồng độ đường trong máu của những người tham gia. Kết quả ghi nhận được là số lượng kim càng tăng thì tỷ lệ đường càng thấp. Ngoài ra mối liên hệ giữa nồng độ đường huyết và mức độ tức giận vẫn tồn tại, dù các cặp vợ chồng đã giải hòa với nhau.
Trong bài kiểm tra thứ hai, các nhà nghiên cứu chứng minh đường glucose là yếu tố quan trọng giúp con người kiểm soát bản thân. Mỗi cặp có nhiệm vụ ấn vào một cái nút khi thấy một mục tiêu màu đỏ xuất hiện trên màn hình trong thời gian nhanh nhất có thể. Người chiến thắng có quyền bắt người bạn đời của mình chịu một tiếng ồn với cường độ và độ dài theo ý muốn của mình. Giống như trong thí nghiệm đầu tiên, kết quả cho thấy những người có nồng độ glucose trong máu thấp sẽ bắt người thua chịu đựng tiếng ồn lớn hơn và trong thời gian dài hơn.
Giải thích về các cách ứng xử trên, giáo sư Brad Bushman cho biết: “Não bộ chỉ chiếm khoảng 2% khối lượng cơ thể nhưng lại tiêu thụ đến 20% năng lượng của toàn cơ thể. Khả năng tự chủ cần thiết để điều khiển cơn tức giận và các phản ứng quá khích cần rất nhiều năng lượng”. Ông cũng khuyến khích các cặp vợ chồng không nên để bụng đói khi sắp thảo luận một vấn đề nan giải nào đó vì đơn giản là khi đói, nồng độ glucose trong máu thấp có thể gây căng thẳng, dẫn đến các cuộc tranh cãi, thậm chí có thể dẫn đến bạo lực.
Vì vậy, nhằm góp phần giúp cho cuộc sống lứa đôi hạnh phúc có một lời khuyên nhỏ là bạn nên đút trong túi… một viên đường để dùng khi cần!