Xám nhiều hơn sáng
Tình trạng dư cung ở Hà Nội với khoảng một trăm ngàn căn hộ (đa phần thuộc phân khúc trung, cao cấp) tồn đọng tính đến thời điểm này là trầm trọng hơn ở TP. Hồ Chí Minh. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, còn có thêm khoảng 12 ngàn căn hộ tham gia thị trường thủ đô, một nửa trong đó thuộc phân khúc trung và cao cấp. Rõ ràng, việc dự báo thị trường không chính xác trong những năm trước, làm ra sản phẩm mà không quan tâm đến khả năng tài chính của người có nhu cầu đã dẫn đến tình trạng dư thừa căn hộ cao cấp hiện nay. Các hình thức khuyến mãi, giảm giá, liên kết với ngân hàng… của các chủ đầu tư thời gian qua chưa tạo được hiệu ứng tích cực. Giải quyết thanh khoản cho phân khúc này vẫn là bài toán chưa có lời giải.
Dư cung là vậy, nhưng theo các công ty nghiên cứu thị trường, trong vòng hai năm tới, căn hộ cao cấp vẫn chiếm khoảng một nửa nguồn cung, bất chấp phân khúc này gần như không còn yếu tố đầu cơ, khách hàng chủ yếu là người mua để ở. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay và vài năm tới, những người đủ khả năng mua căn hộ cao cấp rất ít, vậy con số “một nửa nguồn cung” ấy nói lên điều gì? Đó là cơ hội phát triển của thị trường trong tương lai là không nhiều, nên dù biết là khó bán nhưng các chủ đầu tư vẫn phải nhảy vào phân khúc cao cấp bởi nếu bán được sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn. Dù gì thì những người đủ tiền mua căn hộ trung, cao cấp ở Hà Nội vẫn nhiều hơn những nơi khác. Nên mới có chuyện hàng loạt khu biệt thự giá hàng chục tỉ đồng bỏ hoang nhưng chủ nhân của chúng vẫn không quan tâm, khiến dư luận bức xúc vì sự lãng phí nguồn tài nguyên. Tâm lý đầu cơ còn nặng nề trong thị trường bất động sản, lan sang cả các nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian qua, nhiều chủ đầu tư nước ngoài khi xin cấp phép dự án bất động sản đã đăng ký vốn lên tới 3-4 tỉ USD nhưng số vốn thực sự đưa vào Việt Nam chỉ khoảng 30%, chủ yếu là chi phí giải phóng mặt bằng, đổ móng… Sau đó, nhà đầu tư ngoại sẽ huy động vốn trong nước hoặc chuyển nhượng dự án để thu lợi.
Theo một báo cáo vừa được Ủy ban nhân dân Hà Nội gửi Bộ Xây dựng, trên địa bàn thủ đô có 95 dự án bất động sản vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tuy nhiên số dự án triển khai đúng tiến độ rất ít, hầu hết đều rất chậm chạp. Đó là do những năm trước, khi lượng vốn FDI đổ vào bất động sản đạt mức kỷ lục vài chục tỉ USD, cũng là thời điểm thị trường bất động sản đang nóng nhất, các nhà đầu tư nước ngoài đổ xô vào chạy dự án để giữ chỗ. Tuy nhiên, sau khi triển khai xong được thủ tục xin dự án thì thị trường bắt đầu trầm lắng, giá bất động sản sụt giảm liên tục khiến họ không thể huy động vốn để tiến hành dự án theo đúng tiến độ. Dù các cơ quan chức năng có đưa ra nhiều quy định chặt chẽ như tỷ lệ vốn đầu tư chung phải đưa vào, có tài khoản riêng mở tại Việt Nam và phải thực hiện được 30% tổng số vốn đầu tư đăng ký đối với dự án cụ thể mới được huy động vốn của người mua… nhưng thường khi cấp phép xong việc quản lý không còn nghiêm túc nữa nên mới xảy ra tình trạng trên.
Tại TP. Hồ Chí Minh, tình hình có vẻ khá hơn, với chỉ khoảng 47 ngàn căn hộ các loại hiện chưa có người mua. Các căn hộ tại khu đô thị giá rẻ, hoặc đất nền kèm nhà giá từ 700 triệu đồng đến một tỉ đồng tại thành phố này và các tỉnh lân cận vẫn có nhiều người quan tâm, giao dịch mua bán vẫn được ký kết. Đó là tiền đề cho việc thị trường sẽ hồi phục theo hướng trở về với giá trị thực một cách ổn định, dù chưa phải trong tương lai gần.
Phong Vân – Hải An