Có người hỏi vì sao tôi không phải là bác sĩ lão khoa mà lại dám viết về… người già, nào Gió heo may đã về, Già ơi… chào bạn, nào Nghĩ từ trái tim…?
Đúng vậy, tôi chỉ là một bác sĩ nhi khoa, bác sĩ trẻ con, nhưng sở dĩ viết về người già là bởi vì trước sau gì mấy nhóc nhỏ mà tôi đã và đang khám chữa bệnh cũng sẽ trở thành một người già, một ngày đẹp trời nào đó!
Gần bốn mươi năm trước khi tôi thực tập ở Bệnh viện Từ Dũ, đã có dịp đỡ đẻ một số trẻ sơ sinh, bây giờ nhớ lại, các nhóc đó tuổi cũng đã gần “gió heo may” rồi còn gì!
Còn mấy nhóc tôi có dịp chữa trị ở khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng và tại phòng mạch hằng mấy chục năm qua thì bây giờ cũng đã thấy lại mang con đến khám.
Người nào tóc cũng đã muối tiêu. Có người muối nhiều hơn tiêu. Nhắc lại chuyện xưa đôi lúc không khỏi bùi ngùi. Cho nên làm gì có chuyện cách ngăn tuổi này tuổi nọ tuổi kia!
Cuộc sống như một dòng sông. Lão khoa, nhi khoa… chẳng qua là một cách nói! Có người chưa hai mươi mà đã già… khú đế, có người tám mươi còn phơi phới tuổi xuân. Một bậc đàn anh của tôi, ngoài 80 tuổi, thường nhắc: “Hãy chăm sóc các cụ từ trong… bụng mẹ”!
- Xem thêm: “Khi người ta… già”
Đúng vậy, đợi các cụ ngáp ngáp rồi mới “tận tình chăm sóc” thì e rằng quá trễ. Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) khi đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho Năm quốc tế người cao tuổi vừa qua cũng đã khuyến cáo muốn cho các cụ được khỏe mạnh thì phải cho mẹ… các cụ được dinh dưỡng đầy đủ trong lúc mang thai, trong lúc cho các cụ… bú mớm; phải chích ngừa đầy đủ các bệnh nguy hiểm ngay từ nhỏ để các cụ không phải chịu cảnh tật nguyền bệnh hoạn sau này; phải dạy dỗ các cụ từ tuổi thiếu niên như không nên uống rượu, hút thuốc lá… để các cụ sau này khỏi bị ung thư, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, xơ gan cổ trướng; phải dạy các cụ có thói quen tập thể dục, chơi thể thao, ăn uống đúng cách để sau này khỏi bị xơ vữa động mạch, cao huyết áp, tiểu đường v.v…
Rồi khi lớn lên thì biết tránh các nguy cơ bệnh lây truyền qua đường tình dục, béo phì, loãng xương, thấp khớp… Và dĩ nhiên đảm bảo cho các cụ có một thu nhập hợp lý để không bị lệ thuộc, để sống có phẩm giá, tiếp tục hoạt động theo năng lực, đóng góp kinh nghiệm của mình cho con cháu, được sự tôn trọng của xã hội, được thấy con thuận cháu hòa, gia đình hạnh phúc.
Dĩ nhiên là bản thân các cụ cũng phải hiểu rõ những chuyển biến tâm sinh lý của mình qua từng lứa tuổi, nhờ đó mà thích nghi, mà điều chỉnh thái độ và hành vi của mình sao cho phù hợp với hoàn cảnh mới, với môi trường mới.
Tóm lại, chăm sóc các cụ, nói cách nào đó, thực chất là công tác của… nhi khoa. Hoặc cũng có thể nói nhi khoa chính là lão khoa, và lão khoa cũng chính là nhi khoa đó vậy!
Ngành lão khoa ngày càng phát triển vì tuổi thọ con người ngày càng được nâng cao, không chỉ ở các nước giàu có mà ngay cả ở các nước nghèo cũng vậy, là nhờ những tiến bộ của khoa học, của y học, của kiến thức vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe, cũng như hiệu quả của sự cải thiện môi trường sống, của chế độ dinh dưỡng…
Thế nhưng, khi nói đến lão khoa, hình như người ta quá nặng về bệnh hoạn, tàn tật hơn là đến sự sảng khoái toàn diện về thể chất, tâm thần và xã hội phù hợp với tình trạng tuổi tác, giới tính của mỗi con người, đó mới chính là mục tiêu mà Tổ chức Sức khỏe Thế giới đề ra khi nói đến sức khỏe, đến chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.
- Xem thêm: Những bông hoa tươi thắm…
Các thầy thuốc lão khoa cũng thường lại là những người còn trẻ, họ tuy có chuyên môn sâu trong chữa trị bệnh tật cho người cao tuổi nhưng họ chưa từng được trải nghiệm tuổi già, chưa được thưởng thức… cái già, chưa được hưởng thụ… cảnh già!
Khi tôi viết “Gió heo may đã về” thì đó là lúc tôi đang thực sự nghe gió heo may, tôi đang sống với nó, sửng sốt và sảng khoái vì nó, âu lo và hồi hộp vì nó.
Rồi phải đợi đến tuổi 60, tôi mới dám viết “Già ơi… chào bạn” – “Bonjour Vieillesse!” – như một tiếng reo vui, chào mừng nó, welcome nó, cái sự già đó! Đâu có dễ mà già phải không? “Ai bảo già là khổ? Không, già sướng lắm chứ…!”. Nhà thơ Hoài Khanh viết cho tôi rằng khi đọc xong Già ơi… chào bạn, anh thấy muốn già… cho đã!
Mãi đến cuối thế kỷ XX, Liên Hiệp Quốc mới dành một “năm” cho người già, năm 1999, gọi là “Năm quốc tế người cao tuổi” với khẩu hiệu là “Hãy sống một tuổi già tích cực!”.
Bởi vì trước đó người ta nghĩ tuổi già là tuổi của tàn phai, của héo úa, của ăn hại, là gánh nặng xã hội… cho đến khi giật mình thấy không phải thế!
Con người ở tuổi nào cũng sẽ là gánh nặng cho xã hội, cũng ăn hại, cũng tàn phai… nếu sống không ra sống, sống mà như đã chết, sống mà không hạnh phúc, không có chất lượng cuộc sống, sống mà lệ thuộc, mà khổ đau triền miên…
Thế mà gần một ngàn năm trước, ở nước ta, Mãn Giác thiền sư đã có những câu thơ rất độc đáo với một cái nhìn tích cực về tuổi già:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai…
(Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai…, Ngô Tất Tố dịch)
Tôi may mắn được quen biết gần gũi những tấm gương sáng, những tấm gương của những bậc thầy như bác sĩ Ngô Gia Hy, 92 tuổi vẫn viết báo, dạy học, ngày ngày vẫn tập khí công; bác sĩ Dương Cẩm Chương 94 tuổi vẫn còn vẽ tranh triển lãm, đi du lịch; giáo sư Trần Văn Khê, 84 tuổi vẫn dạy học, thuyết trình, bay từ nước này sang nước khác, vẫn làm thơ, gảy đàn; họa sĩ Hoàng Lập Ngôn, ngoài 90 vẫn còn vẽ và còn… yêu!
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện tưởng đã chết từ hồi ngoài 30 tuổi thế mà sống thêm nửa thế kỷ nữa, lại hoạt động tích cực trên nhiều lĩnh vực văn hóa, thể thao… và mới mất vào tuổi 85.
Nhưng một người già gần gũi nhất với tôi chính là mẹ tôi, bà nay đã gần 90, đã hơi yếu nhưng vẫn hoạt bát, năng động và nhiều ý tưởng không thua một người ở tuổi trung niên.
- Xem thêm: Già Tây già Ta…
Nhiều người tưởng bà là mẹ của “bác sĩ” hẳn đã phải được uống linh đơn diệu dược gì đó, nhưng không, bà chỉ tập dưỡng sinh, đi bộ, sống tự chủ với mảnh vườn nhỏ mà bà luôn tay trồng trọt, chăm bón, hết cây cà tới cây ớt, không chịu lệ thuộc con cháu, ăn uống thì đạm bạc… lại ham đọc sách báo dù chỉ biết đọc biết viết, và luôn sẵn sàng chỉ vẽ cho nhiều người khác cùng tập dưỡng sinh, cùng ăn nha đam, uống trà sim… như mình!
Một bông hồng cho những ai… Vâng, cho những ai đang còn mẹ và cả cho những ai đang còn cha nữa! Bạn đồng ý?
Hẹn thư sau. Thân mến.