“Làm giám đốc một cửa hàng siêu thị dễ hơn làm giám đốc một bệnh viện nhiều. Giữa khách hàng và chủ hàng mặc nhiên có giao ước: tiền nào của nấy. Có chưa đến 1 triệu đồng, xin mời mua các loại xe đạp, bảo đảm chất lượng, muốn có xe máy xin cho từ 5-10 triệu trở lên. Không ai trách chủ hàng tại sao không bán xe máy cho một thượng đế trong túi chỉ có 1 triệu đồng.
Ở bệnh viện lại khác: bệnh nhân gom góp một nguồn thu (cá nhân, bảo hiểm, cứu tế) chỉ được 1 triệu đồng, nhưng cần mổ kinh phí đến 10 triệu. Làm sao đây? Nhiều khi nan giải. Và mọi người – cấp trên, gia đình người bệnh, báo chí, tòa án – đều nêu ra một giải pháp đơn giản: bác sĩ, y tá, cán bộ nhân viên các bệnh viện phải hy sinh làm tròn nhiệm vụ, sức khỏe con người là vô giá!
Nhưng mọi thứ trong bệnh viện đều phải trả giá: máy siêu âm, scanner, phòng xét nghiệm, thuốc men v.v… và v.v… không ai cho không các bệnh viện. Thôi, bác sĩ, y tá cứ chịu ăn lương ít, bụng đói, cứ phải thức thâu đêm đứng mổ…”.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã viết như thế từ hồi sinh tiền, đăng trên báo Sức khỏe và Đời sống (cơ quan của Bộ Y tế) năm 1996. Ông còn nói thêm: Có lẽ giám đốc bệnh viện và các bác sĩ, y tá ngày nay là những người khó sống lâu nhất vì ngày đêm “nơm nớp” lo lắng để đuổi kịp những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất, hiệu nghiệm nhất cho bệnh nhân, “nơm nớp” về những bất trắc trong lúc hành nghề có thể bị lên báo, bị kiện tụng khắp nơi và “nơm nớp” về… tiền học phí cho con, nhà dột, mẹ già, vợ ốm… vì lương không đủ sống.
Tại Hội nghị tổng kết điều trị của ngành Y tế gần đây, một vấn đề bức xúc của xã hội là khả năng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân còn rất hạn chế đã được mổ xẻ và trong thời gian tới sẽ “đổi mới sâu sắc, toàn diện công tác bệnh viện, từng bước xây dựng bệnh viện hiện đại với mô hình là bệnh viện khách sạn”.
Báo chí cũng lên tiếng nhiều lần về tình trạng quá tải của bệnh viện. Tình trạng quá tải này thường rơi vào các bệnh viện đã xây dựng được “thương hiệu” mạnh, đã định hình trong tâm trí người dân nên bệnh nặng nhẹ gì họ cũng tìm đến!
- Xem thêm: Có những người thầy
Không phải bỗng dưng mà nói đến bệnh viện lúc này người ta hay nhắc đến nào “siêu thị”, nào “khách sạn”, nào “thương hiệu”… cứ y như sức khỏe là món hàng kinh doanh, có thể trao đổi mua bán…! Thực tế ai cũng biết không phải hễ cứ có nhiều tiền là có nhiều sức khỏe.
Khái niệm “bệnh viện khách sạn” có thể làm nhiều người quen với bệnh viện truyền thống – nơi người ta chữa bệnh nhân đạo – cảm thấy bỡ ngỡ, bởi khách sạn thì phải luôn luôn nghĩ tới cách thu hút khách hàng, mong cho khách hàng trở lại nhiều lần và ở lâu chừng nào tốt chừng đó!
Thế nhưng vì sao đời sống ngày càng khá hơn, tiện nghi ngày càng sung túc hơn, dân trí ngày càng cao hơn… mà bệnh tật cứ mỗi ngày một nhiều hơn đến nỗi bệnh viện… mở ra không kịp? Cả nước ta hiện đã có 1.028 bệnh viện, tăng thêm 150 bệnh viện so với năm 2000. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có gần 40 bệnh viện công tư.
Tại Trung ương, các viện như Viện Mắt, Viện Tai mũi họng, Viện Chống lao, Viện Bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh… đều đã được nhanh chóng chuyển đổi thành bệnh viện, cho thấy khuynh hướng điều trị ngày càng gia tăng mà vẫn chưa đáp ứng nổi yêu cầu và đòi hỏi khám chữa bệnh của người dân.
Có lẽ phải có cái nhìn mới. Cần coi đầu tư cho sức khỏe chính là đầu tư trực tiếp cho phát triển và phải tập trung vào dự phòng thay vì nặng về điều trị như hiện nay. Một khi khu vực dự phòng teo tóp, èo uột thì khu vực điều trị càng có cơ hội phát triển.
Vì sao thời gian qua tuy thu nhập đầu người ở ta chưa cao bằng một số nước mà các chỉ số sức khỏe hơn hẳn khiến cho thế giới kinh ngạc? Đó là nhờ khu vực dự phòng hoạt động tốt, với hệ thống y tế 4 cấp, gần dân, với các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu, cung cấp nước sạch, môi trường sạch, tiêm chủng mở rộng, giáo dục sức khỏe và nâng cao sức khỏe, cung cấp thuốc thiết yếu v.v…
Khu vực dự phòng cũng là khu vực mang tính công bằng xã hội cao nhất. Đứa trẻ sơ sinh nào cũng được bú sữa mẹ, được chủng ngừa các thứ bệnh… thì giàu hay nghèo, thành thị hay nông thôn cũng đều giống nhau!
Các chương trình giáo dục sức khỏe, nâng cao sức khỏe giúp cho người dân có đủ kiến thức để tự mình thay đổi hành vi, lối sống, giúp tránh được nhiều bệnh tật do sự thiếu hiểu biết gây ra thì giàu hay nghèo, thành thị hay nông thôn không hề phân biệt (các bệnh như tim mạch, tiểu đường, béo phì, HIV/AIDS, viêm phế quản tắc nghẽn, ung thư do thuốc lá… là những bệnh dịch mới do lối sống gây ra, chữa trị khó mà rất tốn kém trong khi có thể phòng ngừa được).
Ngân sách nhà nước chi cho y tế hằng năm ở ta là 5 USD/đầu người (Lào 8 USD; Thái Lan 44 USD; Malaysia 63 USD; các nước phát triển trên 2.000 USD) hẳn sẽ phải lấy y tế công cộng, dự phòng, làm chủ lực. Còn y tế điều trị, nhất là với kỹ thuật cao, cầu kỳ, tốn kém thì nên khuyến khích y tế tư nhân đầu tư khai thác.
Nhà nước tạo điều kiện và quản lý, điều tiết, dùng thuế để chuyển qua khu vực phòng bệnh, đồng thời thành lập các bệnh viện miễn phí cho người nghèo. Các cơ sở y tế tư nhân được khuyến khích làm từ thiện, cũng được giảm thuế như các doanh nghiệp khác.
Y tế tư nhân có khả năng đáp ứng mọi yêu cầu, đòi hỏi đa dạng từ phẫu thuật thẩm mỹ đến thay đổi giới tính… và dĩ nhiên người bệnh được phục vụ như một “thượng đế” khi đến siêu thị, khách sạn, “tiền nào của nấy” theo một “chủ nghĩa tiêu thụ” đúng nghĩa. Ở ta hiện nay bệnh viện công chiếm đến 96%, là một gánh nặng cho ngân sách nhà nước, trong khi đó ở một số nước trong khu vực, bệnh viện tư đã chiếm đến 30 – 40%.
Mươi năm trước, ngân sách nhà nước dành cho y tế là 4% (giáo dục gấp đôi) thì đến năm 2002, ngân sách dành cho y tế còn 3,3% (trong khi giáo dục tăng gấp 4), có nghĩa là đầu tư cho y tế ngày càng giảm, cùng lúc lương nhân viên y tế tụt xuống hàng áp chót trong bậc thang lương.
Ở các nước, chi lương và phụ cấp cho nhân viên y tế chiếm 50 – 70% tổng kinh phí cho ngành trong khi ở ta chỉ chiếm 15%! Trong khi đó, chi thuốc ở các nước chỉ khoảng 15 – 30% thì ở ta là trên 40%! Giải quyết vấn đề đời sống của nhân viên y tế, ta “khoán” cho bệnh viện một tỷ lệ trích trên số thu, nên dĩ nhiên phải phát triển thêm nhiều bệnh viện và phải tìm cách “tận thu”!
- Xem thêm: Người ta trở thành… thầy thuốc cách nào?
Tỷ lệ bác sĩ của ta hiện nay là 5,6/10.000 dân (Trung Quốc là 14,4, Philippines 11,5); tỷ lệ dược sĩ ta chưa tới 1/10.000 dân còn ở các nước khu vực nhiều gấp 10-20 lần hơn. Vậy mà chúng ta lại mong muốn người dân không dùng thuốc men lãng phí, không bị các hãng thuốc nước ngoài hù dọa, dụ dỗ để bán thuốc đắt gấp trăm lần, không dùng thuốc sai, thuốc không cần thiết, cũng như không tìm đến… lang băm thì thật là khó!
Một mô hình hợp lý có lẽ là một tam giác, ở giữa là Nhà nước định hướng, chủ đạo, cạnh bên là y tế công cộng, dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, với một mạng lưới cơ sở chặt chẽ, gần dân, được đầu tư đúng mức; cạnh bên kia là y tế điều trị với kỹ thuật cao, khuyến khích một tỷ lệ thích hợp cho y tế tư; cạnh đáy của tam giác cũng là nền tảng của sức khỏe, sẽ tập trung vào xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, giáo dục sức khỏe (health education) và nâng cao sức khỏe (health promotion), bình đẳng giới, v.v…
Bộ Y tế hiện đã có những chuyển biến mạnh mẽ, sắp tới Chính phủ sẽ có những chính sách đầu tư tương xứng cho ngành y tế, một lĩnh vực của phát triển, để như Thủ tướng Phan Văn Khải nói: Đã có một thời, giáo dục và y tế là những bông hoa tươi thắm của đất nước ta!
Hẹn thư sau. Thân mến.