Cuối cùng tôi cũng tìm thấy được một người “bận rộn” có tên tuổi hẳn hòi để gởi bức thư này. Anh Nguyễn Ngọc Bích ơi, dù biết anh là một luật sư nhưng lâu nay vẫn đọc những bài anh viết về kinh tế, về chuyện làm ăn của những người bận rộn, nên thế nào cũng “lây” không ít thì nhiều.
Đọc “Giã từ cặp kiếng” của anh trên DNSGCT số 52, tôi mới được biết anh đã khốn khổ với cặp kiếng cận 18 độ như thế nào từ mấy chục năm qua, bây giờ còn khổ thêm với cái cườm… già, mặc dù anh hãy còn trẻ, trẻ không ngờ hay trẻ lạ lùng gì đó!
Tôi cũng không ngờ mắt anh đã luôn nhìn mọi vật với cái màu xám tro và nhất là nhìn màu trắng hóa thành màu vàng đến nỗi “anh về yêu hoa cúc” tai hại đến thế (Tôi bỗng nhớ “Ga Lyon đèn vàng. Cầm tay em muốn khóc. Nói chi cũng muộn màng…” mà ngờ rằng nhà thơ Cung Trầm Tưởng có lẽ cũng đã bị cận nặng như anh chăng!).
Rồi tình cờ nghe một người bận rộn thứ thiệt, anh LTN nói, tôi mới biết anh đã được bạn bè thương mến coi là một chuyên gia “ngửi sách” như thế nào. Chợt nhớ một chuyện vui kể rằng có một người mắt quá kém đến nỗi vào tiệm ăn không đọc được “Menu”, phải kêu chủ quán đưa cho mình cái nĩa của người khách ăn trước đó để ngửi rồi mới gọi thức ăn. Lạ lùng là ông ta gọi trúng phóc từng món một làm chủ quán rất đỗi kinh ngạc.
Để thử tài ông khách, lần nọ, ông chủ quán bèn xuống bếp bảo bà vợ quệt cái nĩa vào áo và tạp-dề của mình vài lần rồi mới đem ra đưa cho ông khách. Ông khách ngửi qua, reo lên: “Ôi, tôi không ngờ cô Mery làm ở đây!”. Chuyện bên Tây, dĩ nhiên.
- Xem thêm: Già Tây già Ta…
Tôi cũng cận từ hồi trẻ nhưng không đến nỗi nặng lắm mà cũng rất thích ngửi sách như anh, nhất là sách mới toanh, còn nghe mùi mực in, mùi giấy. Anh nhớ không, hồi xưa có loại sách “Cảo thơm”, in bằng loại giấy xù xì, dày, thô, lại không xén, để cho người đọc có cái thú tự rọc từng “cahier”, vừa nghe tiếng xoèn xoẹt, thấy vụn giấy bay lả tả, vừa ngửi cái mùi thơm tho của giấy, của mực, rồi mới trang trọng giở từng trang ra mà đọc, thật là thú vị!
Thời đó bọn mình đọc sách còn có cái thú nữa là khi cao hứng có thể ghi vài câu bình luận, vẽ vời gì đó vào lề, đôi khi còn… ép một chiếc lá, một cánh hoa, nhỏ vài giọt nước mắt cảm thương thân phận những nhân vật… lâu ngày sao cho khỏi có chút hương riêng để rồi nhiều năm sau tình cờ giở lại trang sách cũ, còn nghe thoảng chút hương xưa mà ngậm ngùi man mác!
Bây giờ thế hệ Internet đọc sách trên mạng thì khó lòng mà ghi ghi chép chép, khó lòng mà ép bướm ép hoa hay nhỏ một vài giọt nước mắt… học trò, cũng tiếc quá đi chớ! Thế nên, giờ đây, nghe anh đã không chỉ giã từ cặp kiếng mà còn giã từ… dĩ vãng “ngửi sách” nữa, tôi thật lấy làm tiếc! Anh có hỏi tôi “cườm” là gì ư? Xin thưa đó là một thứ bệnh mắt thường gặp ở người có tuổi, thường gọi nôm na là cườm… già (cataract sénile), do thủy tinh thể (một thấu kính hội tụ thiên nhiên đặt trước mắt thu nhận hình ảnh đưa vào võng mạc như thấu kính máy chụp hình thu hình ảnh đưa vào phim) đã bị đục lại, mờ đi qua năm tháng. Cái gì xài lâu quá thì cũng phải “lão hóa” một chút chớ còn “gin” hoài sao được, phải không?
Xưa, người ta đành chịu mù lòa vì cườm. Sau đó, nhờ y học tiến bộ, đã có thể mổ, thay bằng một cái kiếng “lúp” nặng chình chịch đeo bên ngoài, rồi bây giờ càng tiến bộ người ta đã có thể thay hẳn với một thủy tinh thể nhân tạo phù hợp, lắp luôn vào trong mắt, rất tuyệt vời như trường hợp của anh, và nhờ đó cũng điều chỉnh luôn các tật khúc xạ nên từ nay mắt anh cũng không còn cận thị nữa! Từ nay anh đã có thể nhìn mọi vật như một người bình thường, có thể nói như một người… trẻ tuổi! Có điều, xin thưa thật với anh, tôi lại “lo” cho anh nhiều hơn!
Anh thử nghĩ xem, khi người ta… già, thì nhất thiết phải có cái gì đó khác với khi người ta trẻ! Chẳng hạn tai phải kém đi một chút, mắt phải mờ đi một chút, đầu óc phải lú lẫn… một chút mới là đúng điệu! Điếc lác một chút cũng hay, nó giúp người già bớt khó chịu vì phải nghe những lời nói chướng tai, kém mắt một chút giúp người già khỏi nhìn cảnh gai mắt, lú lẫn một chút giúp người già bớt… sáng suốt. Chớ già như mình mà cứ mắt sáng, tai thính, trí óc minh mẫn hoài, ai chịu cho thấu!
Nhờ cận thị lúc trẻ, nhờ đục thủy tinh thể lúc già, nhìn gì cũng lờ mờ, thấy ai cũng là tuyệt thế giai nhân, yêu nhầm cả “màu hoa cúc” mới thật là thú vị, chớ bây giờ “sáng mắt ra” rồi anh nhìn rõ mồn một, thấy cả những nếp nhăn người ta cố giấu, những vệt mụn người ta cố che… Có khổ cho người ta không chớ và có khổ cho anh không chớ? (Mặc dù trên DNSGCT 54 anh đã kịp thời trấn an mọi người trước khi quá muộn!).
- Xem thêm: “Thơ tại sao mà làm ra?”
Cũng xin thành thật nói với anh rằng không có chuyện từ nay anh “giã từ cặp kiếng” đâu nha! Còn lâu! Chẳng qua là anh đã được chuyển dịch cặp kiếng từ mang bên ngoài vào mang bên trong mà thôi. Vẫn là hai cái thấu kính được lắp đặt vào bên trong mắt, chỉ bớt đi cái gọng “tình nghĩa mấy mươi năm” của anh mà thôi, nghĩa là còn lâu chúng ta mới nhìn được “như thị”, anh Nguyễn Ngọc Bích ạ!
Tôi có một bài thơ nhỏ nhân dịp này xin gởi tặng anh:
Anh nheo mắt cận thị
Để nhìn em cho rõ
Tuổi dậy thì
Chỉ thấy một làn sương…
Anh nheo mắt cận thị
Để nhìn em cho rõ
Tuổi chớm già
Chỉ thấy một làn sương…
Anh nheo mắt đi nheo mắt lại
Chỉ thấy một làn sương
Không một vết hằn năm tháng
Trên khuôn mặt em…
Đó, anh thấy chưa, cho nên tôi đâu có chịu “giã từ cặp kiếng” thân yêu của tôi!
Hẹn thư sau. Thân mến.