Họa sĩ nhận 15% phí bản quyền trong mỗi sản phẩm bán ra. Nhưng việc đưa tác phẩm nghệ thuật vào sản phẩm thương mại hóa không chỉ đem lại cho tác giả giá trị về tiền bạc, mà còn đưa tác phẩm của họ – phần nhiều là những họa sĩ chưa thành danh – đến gần hơn với công chúng.
“Vũ Minh Quang sinh ra, lớn lên và làm việc tại Sài Gòn. Anh là một người không chuyên về hội họa nói chung. Thứ anh biết khi ấy chỉ là vẽ bậy, trong sách, trong tập hay giấy nháp. Đến năm thứ 3 đại học, Lineart đến với anh và từ đó con đường vẽ bậy của anh viết một trang mới.
Là một người có thiên hướng thụ động, việc biết được Lineart đã cho anh một con phố nhỏ. Nơi anh có thể đi lại, giải tỏa bản thân, ra khỏi những loay hoay của cuộc sống”…
Startup thương mại hóa tác phẩm của họa sĩ trẻ Việt
Trên đây là trích dẫn lời giới thiệu về một họa sĩ trên fanpage Monosketch. Startup với ý tưởng thương mại hóa các tác phẩm của họa sĩ trẻ này đã được Trương Quốc Vinh – chàng trai sinh năm 1990 có cái tên trùng tài tử nổi tiếng Hongkong – ấp ủ và trầy trật thử nghiệm bốn năm qua.
Đến nay, sau hơn một năm chính thức thành lập, từ năm nghệ sĩ những ngày đầu, hiện Monosketch đã hợp tác với 30 họa sĩ trẻ để tác phẩm của họ xuất hiện trong những vật dụng gần gũi như sổ tay, tranh treo tường, postcard (bưu thiếp)… Startup này đã có ba cửa hàng tại Sài Gòn và chuẩn bị mở cửa hàng tiếp theo tại Hội An.
Họa sĩ nhận khoảng 15% phí bản quyền trong mỗi sản phẩm bán ra. Nhưng việc đưa tác phẩm của họa sĩ vào sản phẩm thương mại hóa không chỉ đem lại cho tác giả giá trị về tiền bạc, mà theo Vinh,còn đưa tác phẩm của họ – phần hiều là những họa sĩ chưa thành danh – đến gần hơn với công chúng.
“Slogan của mình là connecting the dots – kết nối giữa người làm nghệ thuật và những người muốn thưởng thức nghệ thuật”, Trương Quốc Vinh nói.
Một trong những bộ sưu tập mà Trương Quốc Vinh coi như bước ngoặt của Monosketch là “Món ngon ba miền” với họa sĩ Lê Rin. “Mình hợp tác với Lê Rin một collection (bộ sưu tập) ở tết vừa rồi, rất thành công”, Vinh kể lại.
Sự thành công được tính trên cả về độ nhận biết và số lượng sản phẩm bán ra. Về lý do bộ sưu tập được đón nhận, Vinh nói: “Mình chọn sản phẩm khác với thị trường. Và có lẽ mình may mắn. Mình nghĩ là giác quan thứ 6 của mình đã đúng”.
Thực tế, Monosketch bắt tay với những nghệ sĩ chưa thành danh trong ngành, thậm chí là những họa sĩ không chuyên, những người còn chưa tự dám gọi họ là “nghệ sĩ’. Điều khiến Vinh quyết định hợp tác không gì khác, chính bởi tác phẩm của họ. Vinh kể, một tháng trước khi Monosketch chính thức ra đời, anh “bôn ba” khắp nơi, từ triển lãm của các trường đại học cho đến các group trên Facebook để tìm kiếm họa sĩ, đề nghị hợp tác.
“Mình tin tất cả những họa sĩ vĩ đại trong tương lai đều là những họa sĩ không ai biết đến ở hiện tại”, Trương Quốc Vinh cho biết. Như Lê Rin – tác giả của bộ sưu tập “Món ngon ba miền” chẳng hạn.
“Khi mình nhìn vô tác phẩm của các bạn, mình thấy: À, bạn này sẽ thành công trong tương lai. Mình không biết lý do tại sao nhưng tới nay, những cảm giác của mình 95% là đúng”, Vinh nói. “Mình thấy mình là người có thể cảm nhận được những tiềm năng như thế của người họa sĩ. Bản thân mình không phải là người học nghệ thuật nhưng mà mình cảm giác được”.
“Phi thương bất phú” và khởi nghiệp về nghệ thuật
Thật vậy, Trương Quốc Vinh chưa từng học nghệ thuật. Anh cũng không phải là một nghệ sĩ hay họa sĩ. Vinh cho hay mình có “máu kinh doanh” từ nhỏ. Ba mẹ mất sớm và lớn lên từ gánh phở của bà ngoại, suy nghĩ phải làm giàu, phải một cuộc sống sung túc để đền ơn ngoại đã hình thành rất sớm. “Phi thương bất phú mà”, Vinh tâm sự.
Năm 18 tuổi, tốt nghiệp cấp 3, thay vì học tiếp lên đại học, chàng trai này chọn tiếp cận đời theo một cách khác.
“Thay vì mình tốn một khoản tiền đi để đi học một ngành gì đó mình chưa chắc chắn, mình chọn đi làm để tích lũy, để từ từ biết mình thích gì xong rồi từ từ quay lại đi học sau”, Vinh kể lại.
Vinh thử qua nhiều công việc, từ sales đến làm trong nhà hàng. Sau bốn năm đi làm, đến năm 22 tuổi, Vinh mới quay lại trường học, ngành anh chọn là quản trị kinh doanh tại Đại học Hoa Sen.
Năm 2014, thực tập trong một công ty sách, khi làm về Artbook (sách nghệ thuật, sách tập hợp tranh ảnh, đồ họa thuộc một chủ đề nhất định), ý tưởng về một mô hình kinh doanh hỗ trợ cho nghệ sĩ, hay theo cách gọi của Vinh là “Artists và Designers” (nghệ sĩ và nhà thiết kế đồ họa), nảy ra trong đầu và cuốn hút anh.
- Xem thêm: Dịch vụ dạy vẽ cũng hấp dẫn nhà đầu tư
Hùn tiền với vài người bạn để hiện thực hóa ý tưởng trên sản phẩm ốp lưng điện thoại iPhone 4 nhưng kế hoạch nhanh chóng phá sản, vì sản phẩm tung ra được một tuần thì… iPhone 5 ra mắt. Thất bại đó khiến Vinh nhận ra rằng để khởi nghiệp thì cần chuẩn bị nhiều hơn.
Hai năm sau đó, Vinh vừa làm cho một công ty thương mại điện tử, vừa ấp ủ ý tưởng cũ. Sau nhiều thử nghiệm, có một số khách hàng doanh nghiệp và bản thân Vinh cũng tự thấy đã chuẩn bị đầy đủ về kiến thức, kinh nghiệm và mối quan hệ, vào năm 2017, Monosketch mới chính thức được thành lập.
Chính vì thế, với một doanh nghiệp về nghệ thuật như Monosketch, Vinh làm việc với nghệ sĩ bằng đầu óc thực tế của một người làm kinh doanh. Cụ thể, để bán được sản phẩm, cần có nhiều tính toán về sản phẩm, giá thành, cũng như cách thức để một thương hiệu nhỏ ghi dấu ấn với khách hàng mục tiêu của mình.
Trước tiên, về sản phẩm, khi quyết định hợp tác với nghệ sĩ, Vinh nhìn vào tác phẩm của họ và đặt câu hỏi: “Nếu in những tác phẩm đó thì người tiêu dùng có mua hay không?”.
“Khách hàng mua một bức tranh vì artwork (tác phẩm nghệ thuật) được in trên bức tranh đó. Cho nên yếu tố quyết định người mua có mua hay không là tác phẩm”, Vinh nhìn nhận.
“Phải đặt mình vào vị trí người dùng” là điều anh nhấn mạnh.
Ngoài ra, đa dạng hóa phong cách các tác phẩm là cách để Vinh giảm thiểu rủi ro trong bán hàng. Năm họa sĩ đầu tiên mà Vinh hợp tác đã thuộc nhiều phong cách khác nhau: từ màu nước đến vẽ chì…; từ các tác phẩm về thiên nhiên, về văn hóa truyền thống đến các bức vẽ mang phong cách dễ thương, đáng yêu.
Về giá cả và việc bán hàng, Vinh cho tiết lộ cơ cấu lợi nhuận trong giá thành sản phẩm rơi vào 30% – 80%. “Những sản phẩm lời nhiều (như tranh) lại là những sản phẩm ít người mua, tỷ lệ mua thấp, còn những sản phẩm phổ biến hơn (như sổ tay) thì chi phí sản xuất rất cao, phần lời giảm xuống”, Vinh cho biết.
Thực tế, về thị trường thương mại hóa các tác phẩm có bản quyền với nghệ sĩ tại Việt Nam, ngoài Monosketch, còn có thể kể đến những cái tên như Tired City tại Hà Nội, hay lâu hơn là Tick & Pick – nhắm vào thị trường Mỹ. Theo Trương Quốc Vinh, mỗi thương hiệu có một cách tiếp cận với thị trường khác nhau, nhắm đến những nhóm đối tượng khách hàng khác nhau, với sản phẩm chủ lực khác nhau.
Với nhóm khách hàng cá nhân, Monosketch nhắm đến độ tuổi từ 25 tuổi trở lên, những người có thể chi hàng triệu cho một bức tranh treo trong nhà. “Đối với nhóm khách hàng này, sản phẩm chủ lực của Monosketch là tranh trên giấy và sổ tay”, Vinh cho hay.
Ngoài ra, bên cạnh mảng bán lẻ, Vinh cho hay các khách hàng doanh nghiệp – với những đơn hàng quà tặng lớn – là nguồn đóng góp một phần lớn trong nguồn doanh thu của Monosketch.
Bên cạnh đó, để một thương hiệu Việt mới như Monosketch có thể có chỗ đứng, Vinh chọn cách hợp tác với nhiều đối tác – là những thương hiệu Việt khác. Đó là Vietcetera Cafe, TOONG coworking space – không gian làm việc chung, hay những thương hiệu về artwork tương tự Monosketch như inpages hay Bright. Điểm chung của những đối tác đó là có cùng tệp khách hàng mà Monosketch nhắm tới.
Chiến lược này, một phần là để Monosketch tiếp cận được nhiều khách hàng mục tiêu qua những đối tác. Một phần khác, Vinh nhận định: “Khách hàng ngày càng thông minh, sẽ có xu hướng nhìn mình thông qua những đối tác của mình”.
Cách “liên minh” này đang được nhiều thương hiệu Việt hiện đại áp dụng.
Mỗi nghệ sĩ, một câu chuyện
Sẽ thiếu sót nếu không nói về nghệ sĩ trong câu chuyện của Monosketch. Khi được yêu cầu kể về một họa sĩ mà Monosketch từng hợp tác, Vinh bảo không chọn được. Bởi theo anh, mỗi người nghệ sĩ trẻ đều có một câu chuyện đáng để kể. Đó có thể là một họa sĩ từng là một sinh viên kinh tế và chưa từng học nghệ thuật, hay một người can đảm từ bỏ một công việc lương cao để cầm bút theo nghiệp vẽ.
Như bạn họa sĩ đầu tiên mà Monosketch hợp tác, Vinh kể: “Bạn ấy học kinh tế, bạn không biết nhiều về vẽ, nhưng bạn đã vẽ một tác phẩm mà đến nay mình vẫn cảm thấy rất đẹp”.
“Nghệ sĩ, họ có nhu cầu là nghệ thuật làm ra phải có người thưởng thức. Cho nên, đôi khi phần doanh thu không quan trọng, cái quan trọng ở đây là họ muốn nhiều người biết đến tác phẩm của họ”, Vinh nói thêm.
Anh kể: “Như bạn Sâm (họa sĩ cộng tác, đồng thời là hiện tại là nhân viên của Monosketch – PV), mình còn nhớ rất rõ trong một buổi triển lãm, có một số khách nước ngoài mua tác phẩm của bạn ấy, mình thấy được trong mắt bạn ấy rưng rưng.
Những người nghệ sĩ bán một tác phẩm thì có tiền bản quyền, nhưng đối với họ đôi khi tìm được người cảm nhận được tác phẩm của họ, thì họ còn mừng hơn. Đó là một trong những động lực mà mình đi tiếp”.
Hơn 1 năm chính thức với Monosketch với doanh thu năm đầu tiên khoảng 1,7 tỉ đồng – dù vẫn còn khiêm tốn nhưng startup còn rất nhiều dự định và tiềm năng phía trước. Trong năm tới, Vinh cho hay bên cạnh các sản phẩm vật lý, sẽ phát triển vào các sản phẩm “vô hình”. Cụ thể, Monosketch sẽ tập trung vào art center – trung tâm nghệ thuật, nơi tổ chức những workshop (hội thảo), triển lãm, lớp học hội họa.
“Mình mới tổ chức những buổi workshop về màu nước, khách hàng tham gia workshop và làm những bức tranh màu nước của riêng họ. Họ được hiểu quá trình sáng tác của một nghệ sĩ như thế nào. Bên cạnh đó những họa sĩ đó lại được đứng lớp, được bày tỏ những cảm xúc, nỗi lòng, kinh nghiệm của mình. Họ lan tỏa cái lửa trong người mình, cái lửa mà họ muốn sáng tác nghệ thuật tới nhiều người hơn”, Vinh chia sẻ.
Vinh tỏ ra lạc quan về hoạt động của các doanh nghiệp liên quan đến nghệ thuật tại Việt Nam trong thời gian tới. “Thế giới đang phát triển rất nhanh, nền công nghiệp 4.0 sẽ ảnh hưởng đến nghệ thuật”, Vinh cho biết. Theo anh, những ngành ít sáng tạo, ít chất xám sẽ bị thay thế. Và tại Việt Nam, những doanh nghiệp tôn vinh nghệ thuật đã và đang xuất hiện ngày một nhiều hơn.
“Sẽ có ngày thăng hoa nhưng phải nhiều năm sau nữa. Để có được tương lai tươi sáng thì phải chuẩn bị từ ngày hôm nay”, Vinh kết luận.