Anh bạn của chúng tôi xuất hiện, ngạc nhiên quá. Anh định cư ở Mỹ đã lâu, bây giờ tự nhiên xuất hiện, vò đầu bứt tai. Anh về trước một ngày vì ngày mai thằng con anh về. Trời, đi một vòng trái đất chứ có phải từ ngoài phố chạy về đâu, mà sao không báo gì hết trơn, và tại sao hai cha con không cùng về một chuyến bay? Anh vò đầu nói tiếp – Nếu thế đã chẳng nên chuyện và đã báo cho cô chú biết để đón anh rồi. Anh phải lén bay trước “đón đầu nó”.
Chuyện gì đây? Thì ra, thằng con anh giở chứng đòi… du lịch Việt Nam, mà đi một mình mới chết anh chứ. Thì bây giờ thanh niên đi du lịch khắp thế giới để trải nghiệm mà, chắc anh ở Mỹ nên không biết câu chuyện “Xách balô lên và đi”.
“Đâu có, nó ngoài hai mươi rồi, ở Mỹ vậy là hoàn toàn trưởng thành”. “Thế cậu ta chưa bao giờ đi du lịch sao?”. “Có chứ, nó đi còn thiếu gì, đến nhiều danh thắng trên thế giới. Nhưng mà nó lạ nước lạ cái, tiếng Việt lơ lớ, sinh ra bên đó, là thế hệ sau mới lớn, đâu biết gì tình hình mà cứ đòi một mình đi du lịch khám phá Việt Nam!”.
- Xem thêm: Nhà nào cũng thế
Vì thế anh lo lắm. Anh đã bảo thẳng con mình, là con đi khắp thế giới ba không cấm, ba không lo, nhưng về Việt Nam thì ba lo. Đòi đi cùng, tất nhiên không đời nào cậu con chịu, thế nên anh bay lén về trước.
Chúng tôi bật cười, anh về trước định làm gì cậu ta nào? Anh sẽ “đón đầu”, ví dụ mai cậu ta ra Hà Nội thì hôm nay anh bay ra trước. Bắt con trai ngày nào cũng phải gọi điện thoại báo là đang ở đâu để anh yên tâm.
Ngày hôm sau, chàng trai về. Nhưng cậu không về nhà ai hết, mà ra thẳng “Phố Tây” Phạm Ngũ Lão đã đặt phòng và ngồi rôm rả ngả ngớn uống cà phê giải khát và tán dóc với mọi người ở đó. Anh bạn tôi tức tốc liên lạc và đòi đến “xem” nơi ăn ở. Cậu ta đồng ý tiếp bố ở bên dưới nhưng từ chối cho lên phòng, chốn đó hoàn toàn riêng tư, cậu nói vậy.
Thấy anh về có vẻ lo lắng, chúng tôi khuyên, anh yên tâm đi, vậy là cậu ta rành mọi việc đó, anh can thiệp chẳng ăn thua gì đâu.
Và quả nhiên, một tối hai cha con “đối thoại” ngay trước mặt chúng tôi. Cha hỏi: “Con có biết tình hình Việt Nam rất phức tạp không, mà con chưa về lần nào”. Con: “Easy! Dễ lắm, đường đi thì có Google Map”. Cha: “Biết rồi, nhưng mưa gió lụt lội thì sao?”. Con: “Easy! Có áo mưa, quần áo có sẵn cả túi giặt đồ đây rồi”. Cha: “Vậy thì trộm cướp nhan nhản con biết không?”. Con: “Easy! Gặp cướp, con… đưa cho chúng lấy, vì không có gì ngoài vài bộ áo quần”.
Có vẻ bí, anh bạn tôi cố tìm một lý do gì cho con mình chịu thua. Anh đắc chí: “Nào, thế ba hỏi, gặp cảnh sát giao thông thổi phạt thì sao”. Con cười đắc thắng như thi vấn đáp đã tìm ra câu trả lời: “Gặp cảnh sát giao thông phạt ư? Easy! Không nói tiếng Việt với họ”. Và cậu tinh quái xòe bàn tay, có ý: 5 đô.
Chúng tôi phá ra cười trước sự sành sỏi của người “thanh niên toàn cầu hóa”, mọi thứ như trong túi áo của cậu, chẳng sợ hãi điều gì.
Chuyện, cậu ta lớn lên ở Mỹ, tự do, thích bỏ việc là bỏ dù lương cao, đi chơi đã, về tìm việc khác. Easy!
- Xem thêm: Lo cho con
Nhưng còn ông bố? Ông cũng ở Mỹ tới nửa đời người chứ ít ỏi gì đâu, sao ông vẫn có “nỗi sợ cố hữu” của bậc cha mẹ? Ông nói, đọc báo Việt Nam sợ quá, không dám thả con về một mình.
Trong khi đó, với chàng trai, mọi chuyện đều… easy.