“Cách đây vài năm, một nhà đầu tư rất muốn rót vốn vào một doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang cổ phần hóa. Nhưng thật đáng tiếc việc không thành vì DNNN này không có bản cáo bạch bằng tiếng Anh. Đặc biệt, nhà đầu tư không thể gặp được ban lãnh đạo của doanh nghiệp. Thời gian từ khi doanh nghiệp công bố thông tin đến khi đấu giá không rõ ràng và rất ngắn ngủi, không đủ cho nhà đầu tư phân tích thông tin” – những chia sẻ trên của ông Vương Tuấn Dương, Phó giám đốc điều hành VinaCapital chính là một phần thực tế của quá trình cổ phần hóa các DNNN ở Việt Nam hiện nay.
Tiến trình không thể nhanh khi pháp lý chưa chặt chẽ
Thông tin tại hội thảo Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp diễn ra ngày 12-6 vừa qua cho biết hiện nay còn đến 6.000 (trong số 12.000 DNNN) chưa cổ phần hóa. Theo báo cáo của Quốc hội, giai đoạn 2011-2016 có đến 426 doanh nghiệp cổ phần hóa mà nhà đầu tư chiến lược chỉ nắm giữ dưới 7,3% vốn điều lệ, dẫn tới việc hạn chế đóng góp của nhà đầu tư để giúp nâng cao năng lực quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Đồng thời, do không có nhiều quyền khi tham gia hội đồng quản trị, các nhà đầu tư cũng không mặn mà với các đợt thoái vốn, bán vốn sau đó.
Theo ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), các quy định hiện hành chủ yếu mới chỉ dừng ở các quy định khung mang tính nguyên tắc. Đồng thời, Chính phủ cũng chủ trương “khó đâu gỡ đó”. Vì thế, trong quá trình thực hiện, các DNNN thường phải hỏi ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để xử lý các vấn đề phát sinh. Song song đó, quy trình ba bước (đấu giá -> chào giá cạnh tranh -> thỏa thuận) khiến cho quá trình bán cổ phần nhà nước sẽ bị kéo dài vì phải thực hiện thêm một bước chào bán cạnh tranh trước khi được bán thỏa thuận, trong khi bản chất chào bán cạnh tranh cũng gần giống như đấu giá.
Ông Lê Song Lai nhận xét thêm rằng các quy định về đặt cọc cổ phần hiện cũng có nhiều bất cập. Ví dụ nhà đầu tư phải đặt cọc bằng tiền đồng Việt Nam tạo thêm rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài. Hay xảy ra tranh chấp trong quá trình xử lý tiền cọc. Một số doanh nghiệp từ chối cung cấp đầy đủ thông tin để cản trở quá trình thoái vốn. Trước nhiều quy định không rõ và cụ thể, không quy định phương pháp giá khởi điểm, lại bị áp lực không được làm thất thoát vốn và tài sản nhà nước, người ra quyết định thoái vốn phải gánh chịu rủi ro rất lớn.
Ngoài ra, ông Lê Song Lai cũng cho biết mặc dù quy định hiện hành không có các quy định cụ thể nhưng việc bán vốn thường bị đặt mục tiêu cao nhất là tối đa hóa giá trị vốn thu về cho cổ đông nhà nước. Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung – giảng viên Trường RMIT khẳng định nhà đầu tư chiến lược có vai trò rất quan trọng với sự phát triển của doanh nghiệp do đó, doanh nghiệp cần phải có cách tiếp cận linh hoạt trong việc chọn nhà đầu tư. Theo thông lệ quốc tế, sẽ tùy vào từng trường hợp, đặc biệt với doanh nghiệp lớn có giá trị trên 1 tỉ USD thì việc chọn nhà đầu tư chiến lược cần dựa vào hồ sơ, lịch sử, cam kết chứ không nên chỉ chọn mức giá cao.
Tại hội thảo, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả nhấn mạnh rằng việc giữ gìn thương hiệu, ngành nghề kinh doanh chính là tiền đề cho tương lai phát triển bền vững. Tuy nhiên, dù Chính phủ đã có chính sách bảo vệ thương hiệu của DNNN nhưng trong thực tế triển khai vẫn chưa đạt kết quả, do thiếu vắng những nguyên tắc lựa chọn nhà đầu tư có khả năng đáp ứng được mục tiêu bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp.
Phân tích trường hợp cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam với nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty vận tải thủy Vivaso không hề có kinh nghiệm lẫn tâm huyết đối với lĩnh vực sản xuất phim, ông Ngô Trí Long cho rằng, vụ thoái vốn DNNN này cũng làm dấy lên dư luận về tính nhất quán của quá trình thực hiện mục tiêu chính sách về bảo vệ ngành nghề kinh doanh chính, bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp cổ phần hóa.
Nhà nước cần “cổ phần vàng”, nhà đầu tư cần thông tin minh bạch
Trong các biện pháp giữ thương hiệu Việt, một trong các nội dung đang tranh luận liên quan đến thoái/bán vốn nhà nước là việc Nhà nước có thể nắm giữ “cổ phần vàng” thay vì nắm lượng vốn lớn để có quyền phủ quyết. Bởi, người nắm “cổ phần vàng” có thể không cần cổ tức, nhưng muốn thay đổi thương hiệu phải được người nắm giữ “cổ phần vàng” đồng ý. Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung cho rằng, để giữ thương hiệu rất cần loại cổ phiếu vàng này và Nhà nước phải là người sở hữu, tiếc là ở Việt Nam chưa có những quy định về loại cổ phần trên. Vì thế, trong thời gian tới, nếu xây dựng Luật Cổ phần hóa, cần bổ sung thêm nội dung về cổ phần vàng.
Theo ông Vương Tuấn Dương, thực tế cho thấy doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn sau cổ phần hóa, do vậy, đã đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế và cả ngân sách nhà nước. Khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì các đợt thoái vốn nhà nước tiếp theo sẽ có giá trị cao hơn, giúp đem lại nguồn thu lớn hơn cho ngân sách. Bên cạnh đó, chương trình cổ phần hóa cũng giúp thị trường vốn có thêm nhiều công ty niêm yết, từ đó phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Các doanh nghiệp trên thị trường nhờ đó có thể gọi vốn thuận lợi hơn thông qua phát hành cổ phiếu, giảm phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, giúp cơ cấu vốn tổng thể của nền kinh tế cân bằng hơn.
Chính vì vậy, dù điều kiện thị trường có thay đổi, Chính phủ vẫn cần có biện pháp đảm bảo tiến độ chương trình cổ phần hóa, tránh để các biến động tăng, giảm của thị trường làm ảnh hưởng quá lớn đến số lượng các doanh nghiệp được cổ phần hóa. Đặc biệt, đối với các thương vụ lớn thì Chính phủ cần lên kế hoạch kỹ càng từ trước và thực hiện dần từng bước, tránh gây ra tình trạng thị trường không hấp thụ kịp.
Liên quan đến việc minh bạch hóa thông tin, bảo đảm cho công chúng và thị trường có được thông tin đầy đủ, kịp thời, ông Vương Tuấn Dương đề xuất: “Theo định kỳ sáu tháng, hoặc ít nhất là hằng năm, Chính phủ nên cung cấp cho báo chí, cộng đồng nhà đầu tư những thông tin cơ bản về: kế hoạch cổ phần hóa/thoái vốn cho giai đoạn vừa qua; những thành quả đạt được và các biện pháp khắc phục khi không đạt kế hoạch”.