“Thay đổi thế giới” là một câu cửa miệng khá phổ biến hiện nay, nhất là trong cộng đồng khởi nghiệp nhưng thay đổi bắt đầu từ đâu thì nhiều người trẻ lại khá mù mờ. Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE cho rằng khi mỗi người tự thay đổi, tự làm đúng và làm tốt “công việc” của mình, thì xã hội sẽ thay đổi theo. Quan điểm này cũng tương đồng với tuyên ngôn của bậc hiền triết Mahatma Gandhi: “You must be the change you wish to see in the world” (tạm dịch “Chính bạn phải là sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trong cuộc đời”). Như vậy, hành trình “tự lực khai hóa” (theo cách nói của cụ Phan Châu Trinh) của mỗi người chính là con đường tốt nhất để hoàn thiện mình, đồng thời cũng góp phần đổi thay xã hội. Những ai vẫn chưa thật sự chắc chắn về hành trình “tự lực khai hóa” thì cuốn sách nhỏ Đúng việc – Một góc nhìn về câu chuyện khai minh của ông Giản Tư Trung sẽ cho lời hướng dẫn cặn kẽ và sâu sắc.
Tác giả cho rằng “công việc” quan trọng của mỗi người chính là “nghề làm người”. Ai sinh ra trên cõi đời này cũng mặc nhiên là con người nhưng “Thế nào là người?” và “Làm người là làm gì?” là những câu hỏi hóc búa mà ngay cả các triết gia lẫn các nhà tư tưởng cũng chưa thể có câu trả lời thuyết phục. Dù chưa có một định nghĩa hoàn hảo về “con người” nhưng chúng ta phải luôn chiêm nghiệm, suy nghĩ về câu trả lời cho câu hỏi: “Thế nào là con người?”, từ đó chúng ta mới dần trở nên “người” hơn. Ông Giản Tư Trung cho rằng có hai loại năng lực tạm gọi tên là “năng lực khai phóng” (cái đầu sáng) và “năng lực khai tâm” (trái tim nóng) làm nên con người. Như vậy, ngoài cái đầu “khai phóng”, con người còn cần một trái tim “có hồn”, một trái tim biết rung trước cái đẹp, biết thổn thức trước nỗi đau, biết phẫn nộ trước cái sai, cái xấu và cái ác, một trái tim tràn đầy tình thương yêu và lòng trắc ẩn…
Ngoài ra, “nghề làm người” còn được chi tiết hóa bằng nhiều mảng việc nữa, mà trong “làm dân” và “làm việc” là hai phần việc quan trọng không kém. Đó cũng là lý do vì sao mà ba chương chính của cuốn sách sẽ xoay quanh những câu chuyện “đúng việc” về “làm người”, “làm dân” và “làm việc”. Tác giả còn dành riêng một chương thứ tư để bàn về việc “làm giáo dục”, không chỉ do đó là công việc hay mối quan tâm của riêng của một người ở cương vị là hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE mà còn bởi vì tính ảnh hưởng sâu sắc của giáo dục đến con người. Con người sẽ làm người, làm dân hay làm việc ra sao, đều là hệ quả của nền giáo dục mà họ được thụ hưởng hay bị “nhào nặn”.
Có thể nói, cuốn sách là cái nhìn thấu đáo của tác giả vào chính mình và thế giới xung quanh. Trong những câu chuyện chung mang tên “Đúng việc”, người đọc sẽ tìm thấy những câu chuyện riêng của chính mình. Dù lạm bàn về “đúng việc”, “sai việc” nhưng người đọc không có cảm giác mình đang được “dạy đời” mà như đang trò chuyện chân tình với một người thầy làm giáo dục có sự đồng cảm và giàu thiện chí. Những câu chuyện giản dị của tác giả cũng cho người đọc niềm tin rằng người gieo nhân lành sẽ gặp quả ngọt, sống tử tế thì sẽ gặt hái những điều tốt đẹp, nếu nỗ lực thay đổi chính mình thì sự thay đổi nhất định sẽ đến…
Đúng việc – Một góc nhìn về câu chuyện khai minh do Nhà xuất bản Tri Thức xuất bản, giá bán 85.000 đồng. Những ai đang tìm kiếm tự do, quyền tự trị để được lựa chọn những công việc mình thích, làm bất cứ điều gì mình muốn thì cuốn sách này là một người bạn đồng hành trên hành trình khai hóa.
- Thanh Nhã