Mô hình trường không vì lợi nhuận (KVLN) mới xuất hiện ở Việt Nam trong vài năm gần đây và hiện đang được bàn thảo trong dự thảo Luật Giáo dục Đại học để trình Quốc hội. Về mặt tinh thần mô hình này là đáng trân trọng, nhưng nếu không giải quyết được bài toán sở hữu và cấu trúc (pháp lý) thì chỉ mang tính “nửa mùa”, thiếu bền vững lâu dài.
Những trình bày về khái niệm, cấu trúc và mục tiêu của loại hình trường KVLN sau đây giúp cho bạn đọc hiểu rõ hơn về nó. Còn có ứng dụng được hay không sẽ tùy vào điều kiện cụ thể. Tuy nhiên, tôi tin đây là mô hình trường có thể giúp cho giáo dục đại học Việt Nam phát triển mạnh trong thời gian tới, nếu chúng ta hiểu đúng bản chất và cùng chịu khó đầu tư.
Thế nào là trường phi lợi nhuận?
Về cơ bản, trường phi lợi nhuận không có chủ sở hữu cá nhân (không có cổ đông và chia cổ tức cho cá nhân hay tổ chức nào). Trường có tính minh bạch cao và phải giải trình cho xã hội theo định kỳ, điển hình trường phải công khai và báo cáo hoạt động tài chính hằng năm, công bố trước công chúng và nộp báo cáo cho cơ quan chức năng.
- Xem thêm: Giáo dục – hôm nay và ngày mai
Trường không có chủ sở hữu cá nhân, nhưng có sở hữu tổ chức trường theo luật. Hội đồng quản trị (HĐQT) là bộ phận có quyền hành và trách nhiệm cao nhất của tổ chức trường, quyết định các chính sách, phê duyệt các công việc chính của trường. HĐQT thuê hiệu trưởng điều hành và quản lý trường, đồng thời phân chia công việc và trách nhiệm cho các tiểu ban chuyên môn.
Một số trường có thêm Hội đồng tín thác (Board of Trustee) để gây quỹ, kiểm soát và giám sát tài chính, tài sản của tổ chức trường. Họ làm việc thường xuyên với HĐQT, nhưng không xen vào các quyết định, chính sách, quản lý trường, ngoại trừ liên quan đến tài sản của trường.
Hầu hết các đại học phi lợi nhuận của Hoa Kỳ và một số nước đã có ít nhất 50 năm tuổi, nên HĐQT trường mang tính thừa kế nhiều hơn là sáng lập. Người hoặc nhóm sáng lập trường thường là HĐQT đầu tiên, sau đó chuyển giao qua nhiều thế hệ.
HĐQT tự chịu trách nhiệm về nội quy hoạt động và các quy định cho chính họ và cho hoạt động của trường nói chung. Mỗi trường có thể khác nhau ít nhiều trong quy chế hoạt động. Vi phạm các quy định (nội quy) nội bộ có thể xem như là phạm luật. Ví dụ như HĐQT trường có 20 người, nhiệm kỳ bốn năm, mỗi năm bầu lại năm người thì tính thừa kế và liên tục rất cao.
Những người có uy tín lớn trong cộng đồng giáo dục và chính trị, xã hội có thể tự ứng cử hay được đề cử vào HĐQT. Ngoài chủ tịch HĐQT, thành viên của HĐQT thường chỉ nhận phí công tác, không nhận lương. Nội quy hoạt động của tổ chức trường cấm xung đột, mâu thuẫn quyền lợi cá nhân với hoạt động trường. Trường càng danh giá thì việc chọn lựa ứng viên HĐQT càng khó và gắt gao, vì họ sẽ giúp cho trường rất nhiều về uy tín, chuyên môn và liên hệ cộng đồng.
Làm thế nào để xây dựng một đại học phi lợi nhuận theo mô hình trên?
Trước tiên phải có luật cho mô hình trường phi lợi nhuận và phải đồng bộ với các luật khác như Luật Thuế, Luật Đầu tư,… Thực tế cho thấy, việc thành lập một tổ chức trường theo mô hình phi lợi nhuận hoàn toàn không khó. Tài chính hoạt động trường có thể đến từ nhiều nguồn đóng góp từ xã hội và tín dụng. Quan trọng là tổ chức trường có kế hoạch hoạt động hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu và tạo niềm tin lâu dài cho người học.
Nguồn thu chính cho trường gồm: học phí, đóng góp của xã hội (gồm cựu học sinh, sinh viên), hợp đồng với chính phủ và các doanh nghiệp, nguồn thu từ các hoạt động đầu tư. Trường càng nổi tiếng càng thuận lợi việc gây quỹ và có được hợp đồng. Trường tự cân đối chi thu. Tài sản được quyền thế chấp như doanh nghiệp, nhưng không liên đới đến trách nhiệm cá nhân của thành viên HĐQT, ngoại trừ vi phạm điều luật.
Theo mô hình trường phi lợi nhuận của Mỹ và các nước phát triển thì trường phi lợi nhuận có quy chế được miễn thuế theo luật. Theo đó, (1) Trường không trả thuế doanh nghiệp và các loại thuế khác (vì hoạt động xã hội, không có cổ đông hay chia cổ tức); tuy nhiên, nếu tổ chức trường hoạt động kinh doanh ngoài mục đích giáo dục của trường, phần lợi nhuận có thể phải trả thuế, cho dù nguồn thu cũng sẽ đổ về cho hoạt động trường. (2) Phần đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cho trường sẽ được miễn trừ thuế.
Thường thì các cựu sinh viên thành danh của trường đóng góp rất nhiều. (3) Các trường nổi tiếng thường nhận nhiều hợp đồng lớn từ chính phủ, doanh nghiệp từ các hoạt động nghiên cứu, tư vấn, dự án… giúp làm tăng giá trị và hoạt động của trường và tính cộng đồng, gắn kết với xã hội. (4) Học phí thu ở các đại học phi lợi nhuận cao hơn trường công và trường lợi nhuận, vì chi phí hoạt động và đầu tư cao hơn. Xã hội thường đánh giá phần lớn loại trường này có chất lượng và đẳng cấp hơn. Trường phi lợi nhuận cũng có khả năng cấp nhiều học bổng cho sinh viên nghèo, học giỏi để tăng khả năng cạnh tranh của sinh viên trong trường.
Áp dụng mô hình trường phi lợi nhuận tại Việt Nam
Mô hình trường phi lợi nhuận như trên đã vận hành và phát triển rất tốt ở nhiều nước, nhưng vẫn còn xa lạ đối với Việt Nam. Còn nhớ, mô hình trường dân lập, tư thục khi mới xuất hiện ở nước ta cách đây hơn 25 năm cũng đã gây không ít tranh cãi. Đề xuất mô hình trường phi lợi nhuận ở thời điểm này chắc hẳn cũng sẽ không tránh khỏi những quan điểm trái chiều.
Cách đây năm, bảy năm, khi tôi bắt đầu nói về mô hình trường đại học phi lợi nhuận, đã có nhiều ý kiến không đồng tình, thậm chí bi quan. Không ít người cho rằng trong điều kiện đất nước chưa phát triển, tính sở hữu trong xã hội còn cao sẽ khó thực hiện mô hình này.
Vấn đề quan trọng ở đây không phải là điều kiện đất nước hay tính sở hữu, mà là bài toán sở hữu và cấu trúc (pháp lý) của loại hình trường phi lợi nhuận. Vì không có một cá nhân hay tổ chức nào muốn đóng góp tài chính, vật chất hay công sức vào một tổ chức trường mà biết rằng nó thuộc quyền sở hữu của nhóm, người khác. Tuy mục đích ban đầu có thể là phục vụ cho giáo dục, nhưng lâu dài sở hữu trường vẫn là sở hữu cá nhân.
Tôi đề xuất đưa mô hình phi lợi nhuận cho trường các cấp chứ không riêng đại học vào Luật Giáo dục lần này nhằm mở ra một mô hình trường mới xã hội quan tâm đầu tư trong tương lai. Vài năm nữa khi loại hình trường này xuất hiện tại Việt Nam, lúc đó nếu chúng ta vẫn còn loay hoay chuyện xây dựng cơ chế và pháp lý e là quá muộn và có thể làm mất đi cơ hội tốt cho ngành giáo dục.
Ông Trần Đức Cảnh, nguyên là thành viên Hội đồng Liên trường đại học vùng Đông Bắc bang Massachusetts. Hiện ông là Ủy viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia và Phát triển Nguồn nhân lực (nhiệm kỳ 2016-2021).
Ở Mỹ có 4.500 trường cao đẳng và đại học, trong đó có trên 600 trường đại học lớn nhỏ theo mô hình trường phi lợi nhuận và đóng vai trò rất lớn cho nền giáo dục đại học Hoa Kỳ và thế giới. Không có trường nào trong số 500 trường hàng đầu của Mỹ là trường vì lợi nhuận cả.
Năm trường phi lợi nhuận hàng đầu của Mỹ có nguồn tiền đóng góp từ cựu sinh viên, xã hội và đầu tư sinh lời bao gồm: ĐH Harvard (36 tỉ USD), ĐH Yale (27,1 tỉ USD), ĐH Stanford (24,7 tỉ USD), ĐH Princeton (23,8 tỉ USD), ĐH MIT (14,9 tỉ USD). Tài sản và cơ sở vật chất của trường cao hơn gấp nhiều lần so với số tiền đóng góp.