Sau gần 30 năm đổi mới (1986-2016), cùng với sự phát triển của đất nước, mỹ thuật đương đại Việt Nam đã có nhiều thành tựu trên tiến trình hòa nhập với khu vực và quốc tế. Triển lãm “Mở cửa – Mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới” được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, từ 21 đến 28-9-2016) nhằm nhìn nhận, đánh giá sự phát triển và đổi mới của mỹ thuật Việt Nam trong ba thập niên qua.
Triển lãm giới thiệu tác phẩm hội họa, điêu khắc, sắp đặt và các loại hình đương đại khác của 50 tác giả tiêu biểu, thuộc nhiều thế hệ, là những nghệ sĩ tạo hình đã góp phần tạo nên diện mạo của mỹ thuật đương đại Việt Nam, đồng thời giúp công chúng có cái nhìn khái quát về đời sống mỹ thuật Việt Nam qua 30 năm đổi mới.
Khác với các sự kiện mỹ thuật trước đây, triển lãm “Mở cửa” có sự đổi mới từ phương thức tổ chức đến tiêu chí chọn tác giả, tác phẩm tham dự: không thành lập hội đồng nghệ thuật, thay vào đó công tác giám tuyển, lựa chọn nghệ sĩ tham gia triển lãm do ông Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm), nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình (Trưởng ban biên tập tạp chí Mỹ thuật) và họa sĩ Phạm Hà Hải (chuyên viên phòng Mỹ thuật ứng dụng và Triển lãm) thực hiện. Nhóm giám tuyển đã đến gặp từng nghệ sĩ để trao đổi về tác phẩm, quá trình sáng tác và hoạt động nghệ thuật…
Các tác giả được chọn theo các tiêu chí: có tư duy sáng tạo mới, thể hiện được dấu ấn và bản sắc cá nhân. Trong số 50 tác giả, có thể kể những gương mặt trội bật như: Trần Lưu Hậu, Đỗ Sơn, Vũ Dân Tân, Thành Chương, Nguyễn Bảo Toàn, Phạm Luận, Lê Anh Vân, Đào Châu Hải, Phan Cẩm Thượng, Trần Trọng Vũ, Đặng Xuân Hòa, Hà Trí Hiếu, Trần Lương, Đỗ Minh Tâm, Trương Tân… (Hà Nội); Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Quân, Nguyễn Tấn Cương, Đỗ Hoàng Tường, Hứa Thanh Bình, Nguyễn Trung Tín, Phan Phương Đông, Trần Văn Thảo, Nguyễn Hải Nguyễn… (TP. Hồ Chí Minh) cùng nhiều nghệ sĩ trẻ đáng chú ý như Đinh Ý Nhi, Lý Trần Quỳnh Giang, Ly Hoàng Ly, Thái Nhật Minh… Người cao tuổi nhất trong danh sách này là Trần Lưu Hậu (1928), trẻ nhất là Thái Nhật Minh (1984).
Mặt khác, các nghệ sĩ được quyền tự chọn tác phẩm tiêu biểu nhất của mình để đưa tới triển lãm. Trong số các tác phẩm có mặt tại sự kiện mỹ thuật được coi là đình đám (và cũng sẽ gây nhiều tranh cãi) nhất của năm 2016; có 16 tác phẩm được sáng tác trong 16 năm trở lại đây, 25 tác phẩm ra đời trong năm 2016, các tác phẩm còn lại được thực hiện trước năm 2000. Được biết, trong khuôn khổ triển lãm, các nghệ sĩ sẽ có các chuyến tham quan, giao lưu tại đình làng Hạ Hiệp (huyện Phúc Thọ, Vĩnh Phúc), chùa Thầy (huyện Quốc Oai, Hà Nội) và Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (Hòa Bình). Một cuốn sách ảnh về mỹ thuật 30 năm đổi mới sẽ được xuất bản sau khi triển lãm kết thúc (dự kiến vào quý IV-2016).Trong ấn phẩm này, mỗi nghệ sĩ được giới thiệu ba tác phẩm thể hiện rõ sự nghiệp sáng tác của mình. Đây cũng là cách làm nhằm vinh danh sự nghiệp, phong cách của các tác giả thời kỳ đổi mới.
- Phạm Đán Bình