Sẽ chẳng ai trả lời cho bạn cơ thể của bạn bị vấn đề gì – cho đến khi bạn thực sự đi tìm kiếm câu trả lời đó.
Khi tôi trả lời với đồng nghiệp của mình, tôi điều chỉnh lại công việc vì không thể chấp nhận cơ thể mình bị tổn hại: có bạn đã nói đùa rằng “nhà giàu dẫm phải gai mùng tơi à?”
Đó là cách người ta cười cợt khi bạn yếu đuối. Đó cũng là lý do bạn từ chối nhìn vào phần khổ sở nhất của cơ thể và tâm lý mình. Bạn không đủ can đảm thú thật rằng mình sợ phải đi tường thuật vụ này vì có thể sẽ có xô xát. Bạn sợ phải đối mặt với sự thật rằng bạn sẽ thua người đồng nghiệp ấy trong một vụ đầy mâu thuẫn và tổn hại danh dự.
Nên bạn cắn răng làm.
Bạn tôi thường đùa, tụi mày quan tâm tới việc đi cạo lông mày với spa còn hơn cả coi xem tâm lý tụi mày bị cái gì. Câu nói đó đã thay đổi cách tôi nhìn nhận về sức khỏe tâm thần của mình. Tại sao mình sẵn sàng bỏ tiền đi nhậu vậy? Tại sao mình hào phóng vậy mỗi khi đi chơi? Tại sao bạn nhiệt tình bỏ vài triệu đồng đi spa vậy? – Mà không thật lòng dành thời gian đọc kỹ thông tin về nơi điều trị tâm lý hay tìm hiểu vấn đề đang xảy ra với cơ thể và tinh thần mình?
Tôi đã đọc rất nhiều forum về sức khỏe tâm thần, mà người comment thường là “em thấy mình bị vậy, em nên làm gì hả anh” hay “anh biết làm sao để bớt buồn không?” – Hóa ra, ta đang đối đãi với sức khỏe tâm thần của mình bằng cách lên mạng đọc Facebook và truyền nhau bí kíp trị bệnh.
Có thể chúng ta sợ bị gọi tên là đồ yếu đuối. Hay chúng ta ngại phải lê thân đến một phòng trị liệu.
Có thể như tôi – bạn sẽ bị nói vào mặt là “nhà giàu dẫm phải gai mùng tơi à?”
– Có thể bạn không lường được những áp lực tâm lý và tinh thần bạn đang chịu ngày hôm nay hoàn toàn khác với cha mẹ bạn 20 năm trước – hoặc 20 năm trước họ đã từng phớt lờ không biết gọi nó là gì và cắn răng vượt qua trong khổ sở.
Hồi đó tôi được gặp một nhà tâm lý học dành cho nhà báo, bà bảo tôi: “hãy can đảm. Can đảm nói với đồng nghiệp mình là mình sợ nếu mình sợ. Hãy can đảm trấn an đồng nghiệp mình nếu bạn biết họ sắp gặp phải tình huống như bạn gặp. Ở cả hai trường hợp, hãy thành thật và tôn trọng nhau. Chẳng ai có thể thắng thua hay thăng tiến từ việc thấy người khác yếu đuối hơn mình.”
Bà đã cho tôi một trục cảm nhận khác của vấn đề. Tôi đã nghe những đồng nghiệp nam ca ngợi sự hùng dũng liều mạng của đàn anh nào đó, khi họ cười vào mặt những người yếu đuối là chết nhát. Họ đã đẩy vấn đề căng thẳng nghề nghiệp thành tội lỗi. Và kẻ “phạm tội”, phải “giấu mình” bằng những cú gồng mình can đảm (hay hi sinh vì một bài báo) để được gọi tên là anh dũng.
Khi bạn đau đớn và bất ổn, hãy thành tâm tìm hiểu và dành thời gian khám phá mình phải làm gì để trở lại khỏe mạnh và an nhiên. Có thể bạn sẽ tự hỏi – tại sao ta sẵn sàng chi nhiều tiền mua mỹ phẩm hay túi xách vậy, mà không dành công sức và thời gian để tìm hiểu điều gì đang xảy ra với tinh thần của mình?
Chẳng bao giờ là quá muộn – nhưng đừng hờ hững khi cần phải chăm sóc tâm hồn mình, bạn ạ.