Sau tám năm dài, kể từ lần triển lãm chung với họa sĩ Trịnh Thanh Tùng vào mùa hè 2006, đến nay họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi mới trở lại với sinh hoạt mỹ thuật tại TP. Hồ Chí Minh, và vẫn ở địa chỉ mỹ thuật ngày ấy: gallery Tự Do (53 Hồ Tùng Mậu, Q.1, từ 6-9 đến 26-9-2014).
Với tên gọi “Cảm xúc đại ngàn”, đây cũng là triển lãm cá nhân đầu tiên của Nguyễn Trọng Khôi tại Sài Gòn sau 1975. Lẽ ra triển lãm đã có thể thực hiện được trong chuyến về thăm quê nhà của anh vào năm ngoái, nhưng do một số trục trặc về địa điểm trưng bày nên phải dời lại, tuy nhiên khoảng thời gian nối dài ấy đã giúp anh có thêm nhiều tác phẩm đẹp cho triển lãm năm nay.
Từ “Bí ẩn đại ngàn” đến “Cảm xúc đại ngàn”
Thật ra, loạt tranh mới trong triển lãm “Cảm xúc đại ngàn” (Sylvan Sentiments) này đã được tác giả thai nghén từ vài năm trước, đó là khi người viết bài này có dịp đến Boston, nơi Nguyễn Trọng Khôi và gia đình anh sinh sống đã nhiều năm sau khi anh sang Mỹ định cư năm 1988. Ngày ấy, vào giữa mùa thu rực rỡ của vùng New England, Nguyễn Trọng Khôi đang có triển lãm cá nhân của anh tại gallery Pierce trong thư viện của thành phố Lexington không xa Boston, cũng thuộc bang Massachusetts. Trong triển lãm có tên “Thanh âm của im lặng” (The Sound of Silence) ấy, hầu hết là tranh tĩnh vật. Thế nhưng trong tầng hầm của ngôi nhà – cũng là xưởng vẽ của anh – đã thấy một vài bức tranh dù còn dang dở nhưng cái không khí trong tranh khác hẳn với những gì anh đã vẽ trước đó: bí ẩn và nhuộm màu mặc khải. Nguyễn Trọng Khôi chỉ hé lộ đôi nét về dự án hội họa mà ban đầu anh đặt tên là “Bí ẩn đại ngàn” (Mystery of Mountain), lấy cảm hứng từ thiên nhiên, cuộc sống và những huyền thoại Tây Nguyên.
Nếu như bối cảnh cuộc sống và con người trong “Bí ẩn đại ngàn” chỉ là miền đất Tây Nguyên, dù thật hùng vĩ và đầy ắp những huyền thoại được lưu truyền qua các trường ca lồng lộng nắng, gió và núi rừng nhưng vẫn còn giới hạn về không gian thì trong “Cảm xúc đại ngàn” của ngày hôm nay, bối cảnh đã mở rộng tới vô cùng, đồng thời những cảm xúc của tác giả khi vẽ loạt tranh này cũng vươn tới cõi thênh thang của đại ngàn, của đất trời màu nhiệm. Trong đề từ triển lãm, tác giả đã viết như sau: “Hiện nay nền văn minh đô thị đã ngày càng phát triển lớn mạnh, đồng thời những tiêu cực xã hội cũng phát triển song song. Những tệ nạn xã hội ngày một tăng. Những đau khổ không còn của riêng ai mà đã bao trùm khắp nơi khiến cuộc sống con người trở nên rẻ rúng, tầm thường, không lối thoát”. Tuy nhiên ông không có tham vọng rằng những gì mình vẽ sẽ là lời cảnh báo hay thông điệp gì lớn lao mà đơn giản chỉ nhằm mời gọi người xem đến với “một không gian yên bình, không có những bất trắc, những tranh chấp hay mặc cảm”, đó là không gian mà chúng ta không phải chịu bất kỳ áp lực nào bởi những quy chiếu hay bị giám sát bởi những cái nhìn đố kỵ, phân chia đẳng cấp. Ở đó, “mọi điều diễn ra theo tự nhiên và chúng ta sẽ dễ dàng bằng lòng với sự công bình của tự nhiên, mọi nỗi buồn vui đều theo mạch thiên nhiên”. Trong cõi đại ngàn được Nguyễn Trọng Khôi mô tả trong tranh là “đầy ắp những chuyển động bí ẩn giữa ánh sáng và bóng tối”, con người – một nhân tố của thiên nhiên – cũng chất chứa những điều bí ẩn như thiên nhiên.
Trở lại với thiên nhiên và hòa nhập vào đại ngàn thời hồng hoang, người nghệ sĩ được “chiêm ngưỡng, khám phá những bí ẩn của một không gian đầy ẩn dụ”. Sống trong giấc mơ đại ngàn ấy, ông có được những cảm nhận tinh khôi, mới mẻ về quan niệm sống: “Tôi muốn chối bỏ những văn minh vật chất và những hệ lụy của nó, chối bỏ một nền công nghệ vô cảm để trở lại với bản thiện của vạn vật, với sự bình an đầy màu nhiệm của vạn vật”.
Mơ ước của người nghệ sĩ
Hơn 20 tác phẩm sơn dầu khổ vừa và nhỏ cũng đủ cho một phòng tranh được nhiều bè bạn trong giới mỹ thuật cũng như thân hữu văn nghệ của tác giả chờ đợi lâu nay. Buổi khai mạc sáng 6-9 vừa qua cũng là ngày hội ngộ bằng hữu xa gần, tràn ngập niềm vui và tiếng cười. Một số tác phẩm đã được giới sưu tập gắn nơ đỏ (ngay trong buổi khai mạc, ông Huỳnh Thiện – một nhà sưu tập khá hiếm hoi trong giới doanh nhân ở TP. Hồ Chí Minh đã chọn bức Chập choạng tối được tác giả in trên thiệp mời triển lãm).
Là bạn thân lâu năm của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi nhưng không vì thế mà các tên tuổi như nhà thơ Nguyễn Duy, nhà văn Ngụy Ngữ, nhà điện ảnh Quách Mạnh Kha, nhà thơ Hoàng Yên Di… “tâng bốc” bạn mình. Họ đều khẳng định giá trị nghệ thuật của nhiều tác phẩm trong loạt tranh mới này của Nguyễn Trọng Khôi, như: Lời tổ tiên gọi, Núi trắng, Chim bluejay, Ngủ muộn, Bình minh, Nơi yên tĩnh, Trâu… và những tranh vẽ ngựa Chập choạng tối, Ngày xưa như thế, Cánh đồng bạch mã, Thung luäng bạch mã. Điều đáng tiếc là có vài bức khỏa thân đã bị “ách” (không được treo) mà theo lời tác giả thiếu vắng những tranh đó khiến chủ đề “Cảm xúc đại ngàn” không được thể hiện trọn vẹn.
Ngoài ra, họa sĩ còn một nỗi tiếc nuối, rằng giá như ông có thể vẽ loạt tranh này với khổ thật lớn thì hiệu quả thị giác còn được nhân rộng hơn nhiều: “Thử tưởng tượng những bức như Kẻ tiên tri, Núi trắng, Chập choạng tối, Cánh đồng bạch mã, Trâu… có kích thước gấp vài lần như hiện nay thì tranh sẽ khác hẳn…, thế nhưng trong xưởng vẽ khiêm tốn của mình ở Boston thì điều đó là không thể”. Nhưng người nghệ sĩ tin rằng sẽ có một ngày ông làm được điều mình mong ước. Ngay trong lần về triển lãm này, Nguyễn Trọng Khôi sẽ dành vài ngày ra Hà Nội theo lời mời của một họa sĩ nổi tiếng để theo như ông dự tính: “Mình sẽ tìm một nơi làm triển lãm cá nhân tại Hà Nội vào năm tới và sẽ bày toàn tranh trừu tượng”.
Thơ mừng Nguyễn Trọng Khôi với “Cảm xúc đại ngàn”
Ngựa là ngựa trắng như mây
nỗi hoang vu có buồn đầy núi non
từ em bỏ suối xa ngàn
người mang thân gởi dặm tràng mù xa
cánh chim bay buổi chiều tà
ôi sao mà nhớ la đà rượu say
nhìn tranh thấy bạn tôi bày
đại ngàn cảm xúc mai này cuộc chơi
Sài Gòn chốn chúng ta xưa
sáng cà phê ở lề đường Đakao
bạn về, tháng Chín hanh hao
mai khai mạc, chiều bên đây nắng đầy
gởi về mừng bạn chi đây
trong ta chỉ một thật thà tình thân
đại ngàn, mây trắng phù vân…
Đinh Cường
(Virginia, 5-9-2014)
- Nguyệt Cầm