Đó là tên gọi triển lãm cá nhân đầu tiên ở quê nhà của họa sĩ trẻ Nguyễn Khắc Chinh, người đã có một tiểu sử nghệ thuật khá đầy đặn bắt đầu từ khi còn là sinh viên mỹ thuật. “Cuộc sống của ma-nơ-canh” được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, từ 9-9 đến 14-9-2014).
Nguyễn Khắc Chinh sinh năm 1984, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2006, đã có tranh tham gia nhiều triển lãm thời còn đi học, sau khi ra trường gần như năm nào anh cũng có tranh dự vài cuộc triển lãm nhóm. Năm 2012, triển lãm cá nhân đầu tiên của anh lại diễn ra tại Singapore. Trong triển lãm “Cuộc sống của ma-nơ-canh”, Nguyễn Khắc Chinh đưa ra 22 bức tranh sơn dầu và acrylic trên toan với khổ lớn (155 x 155cm, 130 x 168cm, 176 x 215cm) đậm tính tự sự, như một cách bày tỏ những khát vọng mà anh muốn qua đó định hình một phong cách nghệ thuật.
Dễ nhận thấy ở những tác phẩm Cuộc sống của ma-nơ-canh 1, Tìm kiếm gương mặt thật 3, Để thời gian trôi, Chuyện nhỏ chuyện to, Ca nương, Ngắm hoa, Đọc báo buổi sáng, Thiền, Tâm sự… khuôn mặt nhân vật trong tranh đều có điểm chung là vô cảm, vô hồn; tác giả chỉ cho họ “nói” bằng ánh mắt, cử chỉ, tư thế và bằng cả đôi bàn tay. Ý tưởng của loạt tranh này được Nguyễn Khắc Chinh ấp ủ từ hơn hai năm nay, khi bất chợt “gặp” một ma-nơ-canh to bằng người thật trong shop thời trang trên phố Hà Nội để rồi một suy nghĩ vụt đến: giữa con người thực với “con người” ma-nơ-canh có mối liên hệ nào chăng? Liệu có phải cuộc sống thiếu cảm xúc trong thời buổi công nghệ và nháo nhào kiếm tiền như hiện nay đã biến nhiều người trở thành những ma-nơ-canh vô cảm, vô hồn? Nói cách khác, phải chăng con người đã và đang dần dà bị ma-nơ-canh hóa, để từ đó ứng xử với nhau, cách xử thế với cuộc sống hiện tại, tương lai và cả quá khứ cũng trở nên vô cảm, vô hồn?
Từ những suy nghĩ ấy, Nguyễn Khắc Chinh đã vẽ một loạt tranh với rất nhiều khuôn mặt phi thực và với “sự tiết chế và kiểm soát liên tục diễn ra trên một hình thể hay nhóm hình thể được tác giả mô tả bằng trạng thái hoài nghi, gây cho người xem cảm giác bức bối khó tả” (nhận định của họa sĩ Vũ Lâm). Ở loạt tranh mới này, cảm xúc của người nghệ sĩ được biểu lộ lên bề mặt tranh trong sắc thái cá nhân nhất, tinh khiết nhất. Các tác phẩm được anh vẽ hết sức cẩn trọng, kỹ lưỡng từng đường nét, từng nhát cọ cho tới cách phối màu… nhưng không vì thế mà tranh cứng nhắc, và khi ngắm nhìn từng tác phẩm, những khuôn mặt vô hồn, vô cảm ấy lại đầy sức ám ảnh, khơi gợi trí tưởng tượng, khiến người xem thầm hỏi chính mình rằng có khi nào đã từng sống, từng xử thế như là bọn ma-nơ-canh.
Những năm qua, Nguyễn Khắc Chinh đã trải nghiệm nhiều loại hình nghệ thuật đương đại và chỉ khoảng hơn hai năm nay anh mới hoàn toàn chú tâm vào hội họa. “Quá trình học tập, làm việc, triển lãm, hoạt động nghệ thuật dưới nhiều hình thức khác nhau như sắp đặt, trình diễn, video art… và vẽ với các chất liệu khác nhau như sơn dầu, sơn mài… đã cho tôi nhiều kinh nghiệm về nghệ thuật, là con đường để tôi khám phá bản thân đồng thời dẫn dắt tôi vào thế giới hội họa rộng lớn, mông lung, bí ẩn nhưng vô cùng hấp dẫn bởi vẻ đẹp chất liệu, màu sắc và những cảm xúc được thăng hoa, cho tôi thỏa sức thể hiện… Riêng triển lãm này cho tôi thấy rõ hơn con đường mình sẽ đi ở phía trước…”, họa sĩ cho biết.
- Diễm Anh