Với mức giá đạt được là 45,8 triệu USD tại một phiên đấu giá của nhà Christie’s London cuối tháng 6-2017, bức tranh sơn dầu Địa ngục của Chim – tác phẩm của họa sĩ Max Beckmann đã dẫn đầu phiên đấu giá nói trên, cũng là giá kỷ lục đối với tranh của một bậc thầy khuynh hướng Biểu hiện Đức.
Max Beckmann (1884-1950) là một nghệ sĩ đa tài: không chỉ vẽ tranh, ông còn làm tượng, làm đồ họa và viết văn. Dù được các nhà sử học nghệ thuật coi là một họa sĩ thuộc trường phái Biểu hiện, song sinh thời ông đã chối bỏ điều đó, thậm chí không thừa nhận cả trào lưu Biểu hiện. Những năm 1920, ông gắn bó với phong trào nghệ thuật Đối tượng Mới (Neue Sachlichkeit), một nhánh ly khai của trào lưu Biểu hiện Đức. Trong sự nghiệp nghệ thuật của Max Beckmann, mảng tranh tự họa rất quan trọng. Ông vẽ chân dung tự họa suốt đời mình, với số lượng và sự mãnh liệt trong thể hiện có thể so sánh với hai thiên tài Rembrandt và Picasso. Đọc nhiều sách triết học và văn học, Beckmann còn suy ngẫm về tính chất bí nhiệm và minh triết thiêng liêng khi khảo sát về “Bản ngã”. Là một họa sĩ – nhà tư tưởng, ông không ngừng tìm kiếm những chiều kích tâm linh ẩn giấu trong các chủ đề hội họa của mình.
Beckmann gặt hái thành công lớn cùng các vinh dự nghề nghiệp vào thời kỳ Cộng hòa Weimar (1918-1933) tại nước Đức(*). Năm 1925, ông được mời giảng dạy một lớp cao học hội họa tại Học viện Mỹ thuật Städelschule ở Frankfurt. Nhưng khi Adolf Hitler lên nắm quyền cai trị nước Đức vào năm 1933 thì số phận của Beckmann thay đổi hẳn. Quốc xã Đức vốn căm ghét nghệ thuật mới mà Beckmann là một đại diện tiêu biểu lúc bấy giờ nên ông không còn được dạy học ở Frankfurt. Chưa hết, năm 1937 chính quyền phát xít còn tịch thu hơn 500 tác phẩm của Beckmann trong các bảo tàng ở Đức và đưa một số ra trưng bày trong một cuộc triển lãm mà chúng gọi là “Nghệ thuật suy đồi”, tổ chức tại Munich. Đúng vào ngày Hitler đọc thông điệp về “nghệ thuật suy đồi” trên radio, Beckmann rời nước Đức cùng vợ ông để sang Hà Lan lánh nạn. Nhưng rồi phát xít Đức chiếm Hà Lan trong khi trước đó Beckmann đã không được cấp visa sang Mỹ lánh nạn. Năm 1944, bọn quốc xã còn định bắt ông vào lính để ra mặt trận dù họa sĩ lúc đó đã 60 tuổi và đang mắc bệnh tim. Những năm tháng sống lưu đày và ẩn dật trong xưởng vẽ tại Amsterdam, Beckmann còn vẽ được nhiều tác phẩm dữ dội và mạnh mẽ về nội dung hơn cả thời gian sống ở Frankfurt, trong đó có nhiều tranh bộ ba khổ lớn có thể coi là những bản tổng kết cuộc đời nghệ thuật đầy biến động của ông. Sau chiến tranh, Beckmann sang Mỹ sống những năm cuối đời, dạy học tại Trường Đại học Washington ở St. Louis và tại Bảo tàng Brooklyn.
Theo nhà sử học nghệ thuật Stephan Lackner, tác phẩm Địa ngục của Chim là một “câu chuyện ngụ ngôn về thời kỳ bọn quốc xã cai trị nước Đức”. Được vẽ năm 1938, bức tranh là sự tấn công trực diện vào chế độ phát xít đang cầm quyền và được coi là lời đáp cũng là sự nối tiếp kiệt tác Guernica của Picasso (được vẽ chỉ nửa tháng sau ngày 26-4-1937, khi máy bay phát xít Đức và Ý ném bom hủy diệt thành phố thuộc xứ Basque trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha). Địa ngục của Chim đã qua tay nhiều nhà sưu tập cho đến năm 1983 thì thuộc sở hữu của nhà sưu tập Richard Feigen, được ông lưu giữ trong một căn hộ sang trọng ở New York, sau đó cho nhiều bảo tàng mượn trưng bày. Sau cuộc đấu giá tại nhà Christie’s London, nay tác phẩm thuộc về bộ sưu tập của ông chủ gallery Larry Gagosian.
(*) Tên gọi chính phủ của nước Đức những năm 1918-1933, khi lần đầu tiên Đức có một thể chế dân chủ đại nghị. Sở dĩ có tên như thế vì quốc hội của chế độ này hội họp và viết bản hiến chương tại thành phố Weimar
- Lê Bản
Xem thêm:
- Thị trường tranh Việt đang khởi sắc
- Tranh Gauguin không còn giá cao nhất
- Thị trường mỹ thuật đang chờ cú hích từ e-commerce