Từ năm 1950 tới nay, hàng tỉ tấn rác chất dẻo polymère tích tụ khắp hành tinh này. Tờ Advenced Science của Mỹ cho biết, đến nay vẫn chưa có được một giải pháp tái chế nào hoàn hảo. Trong khi đó, polymère cứ ngày một nhiều lên vô kể – từ 1 triệu tấn lên 400 triệu tấn/năm trong vòng 65 năm. Tổng sản lượng vật liệu bằng polymère trên thế giới hiện nay đứng hàng thứ ba, sau ciment, thép. Mà chỉ sau bốn năm là một nửa số vật liệu này đã thành rác thải.
Các nhà khoa học tại hai trường đại học Georgia và Califonia (Mỹ) cho biết từ năm 1950 đến 2015 thế giới sản xuất tổng cộng 8,3 tỉ tấn nhựa polymère, 6,3 tỉ tấn trong số đó đã thành rác. Nhưng chỉ tái chế 9%, đốt thành tro 12%, 79% còn lại vứt bỏ bừa bãi trong thiên nhiên. Đại dương đã thành thùng rác đồ nhựa. Riêng năm 2010, có 8 triệu tấn rác nhựa quăng ra biển, đe dọa toàn bộ động vật biển.
Các nhà nghiên cứu dự tính cứ nhịp độ này, rác nhựa polymère năm 2050 lên tới 12 tỉ tấn. Nữ giáo sư Janna Jambeck cảnh báo: “Chất dẻo polymère không tự phân hủy sinh học, nghĩa là chúng tồn tại trong thiên nhiên nghìn năm. Bởi vậy cần có giải pháp xử lý rốt ráo rác vật liệu polymère đã qua sử dụng”.
Chất dẻo polymère có những đặc trưng mà các vật liệu khác không thể có. Giáo sư Roland Geyer khuyến cáo không thể loại trừ nhựa ra khỏi đời sống kinh tế, vấn đề là sử dụng tối ưu chúng. Một nửa sản lượng nhiều loại nhựa chỉ dùng làm bao bì, một sớm một chiều đã là rác. Năm 2016, các siêu thị Pháp đồng loạt bãi bỏ túi nhựa. Giải pháp tối ưu sử dụng vật liệu nhựa trong tầm ngắm hiện nay của các nhà khoa học là tái chế. Châu Âu hiện dẫn đầu tái chế 30% rác chất dẻo. Chỉ số này ở Mỹ chỉ là 9%.
- Lê Lành theo Advanced Science