Quỹ tối cao Na Uy lớn nhất thế giới (vốn cuối năm 2014 là 745,1 tỉ euro) chủ động nâng cấp hình ảnh trách nhiệm của mình bằng việc ấn định mức trần lương giám đốc cũng như minh bạch hóa tài chính các doanh nghiệp. Hội đồng quản trị từng doanh nghiệp phải tiết lộ mức lương toàn bộ tổng giám đốc cho năm tới.
Khi mà các tổng giám đốc được nâng lương không giới hạn thì đây là một quyết định đặc biệt quan trọng, bởi Quỹ tối cao Na Uy là vốn của 9.000 doanh nghiệp khắp thế giới, chiếm 1,3% tích lũy vốn toàn cầu.
Manon Aubri, phát ngôn viên Tổ chức chống nghèo đói thế giới Oxfam, hồ hởi: “Đây là một tin tốt lành, là đòn bẩy tác động mạnh lên hành vi, cách xử sự của các doanh nghiệp”.
Ở Pháp, nguyên tắc Nói về lương (Say on pay) lần đầu tiên được vào luật. Từ nay, hội nghị toàn thể các cổ đông phải bỏ phiếu về lương bổng như một quy định bắt buộc theo luật có hiệu lực từ tháng 3-2017. Năm ngoái, các cổ đông bỏ phiếu hạ lương tổng giám đốc Renault là Carlos Ghosn, tổng giám đốc Astom là Patrick Kron, nhưng hội đồng điều hành không chấp nhận, không thực thi, chỉ coi đó là một kiến nghị.
Quỹ Na Uy ngày càng tăng cường trách nhiệm quản lý các công ty mà mình có cổ phần. Theo Finance Times, năm ngoái, Quỹ Na Uy bỏ phiếu phản đối chính sách lương các lãnh đạo Alphabet (Google), Goldman Sachs, JP Morgan, Sanofi.
Quỹ Na Uy còn tăng cường hình ảnh nhà đầu tư có trách nhiệm. Trong cuộc bỏ phiếu ở quốc hội, quỹ này từ chối đầu tư vào các công ty khai thác mỏ, nhiệt điện than – ô nhiễm môi trường. Quỹ cũng không cho phép đầu tư vào những ngành phi nhân bản – sản xuất vũ khí, thuốc lá.
- Lê Lành theo Finance Times