Từ lâu ám ảnh thành công đã trở thành một thứ văn hóa nơi các xã hội lấy bằng cấp, chức vụ và sự thành đạt làm thước đo giá trị. Văn hóa này hiện rõ nét nơi các nước Đông Á và Đông Nam Á, từ Nhật Bản, Hàn Quốc đến Việt Nam. Trong khi loại giá trị này thúc đẩy sự cạnh tranh thì nó cũng để lộ ra những mặt trái không thể sửa chữa được, đặc biệt làm gia tăng số người tự tử hàng năm.
Cùng với hoàn cảnh cùng cực và nợ nần chống chất thì tâm lý ‘không thể chấp nhận thất bại’ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tự tử, dù là trong tình yêu, thi cử, việc làm hay cả sự nổi tiếng. Tình trạng này đạt đến mức tới hạn khi con người không thể dứt bỏ quan niệm “một lần thất bại là cả đời thất bại”. Một định kiến rất nguy hiểm mà nay các tổ chức và chính phủ đang tìm cách để giảm sức ép thành công.
Câu chuyện Hàn Quốc
Trong khi văn hóa ám ảnh thành công buộc mọi người lao vào công việc thì Park Cho-bin, một thiếu nữ Hàn Quốc 21 tuổi, làm việc trong chuyên ngành xử lý dữ liệu, làm điều ngược lại là nộp đơn xin một chỗ tại Làng Không Buồn Phiền (Don’t Worry Village). Ngôi làng do Hong Dong-woo lập tại thành phố Mokpo nằm trên bờ biển phía Tây Nam trở thành nơi trú ẩn cho những người trẻ tìm ra bước tiếp theo của họ. Với một khoản phí nhỏ, những người tham dự có thể sống ở đó trong 6 tuần để khám phá những sở thích khác nhau, làm quen với những người mới và thư giãn ở vùng nông thôn.
Cũng như những người trẻ Hàn Quốc khác, Park mang sẵn định kiến rằng thất bại một lần là cả đời thất bại, và việc cô nộp đơn vào Làng Không Buồn Phiền là một chọn lựa sau 3 đêm trằn trọc. Sự khao khát thành công đã thúc đẩy Hàn Quốc phát triển trong nhiều thập kỷ, trở thành một cường quốc kinh tế. Lee Jae-yeol, nhà xã hội học tại Đại học Quốc gia Seoul, cho rằng: “Hàn Quốc đã trở thành một xã hội chỉ coi trọng thành công và thành tựu kinh tế” để giải thích lý do đằng sau sự bất hạnh và tỷ lệ tự tử cao của nước này. Ý tưởng chấp nhận thất bại sẽ là một cuộc cách mạng lớn nơi những quốc gia mà áp lực thành công đã bắt đầu từ thời học sinh.
Áp lực trên ghế nhà trường xuất hiện nơi các xã hội trọng bằng cấp như Việt Nam. Nhưng trong khi số người không tìm được việc làm đúng ngành nghề sau khi ra trường ở nước ta trên dưới 70% thì số người trẻ thất nghiệp ở Hàn Quốc cũng lên tới 10%, cho dù nền kinh tế tại đây đã phát triển từ hàng chục năm qua và giáo dục luôn tìm cách bắt kịp nhu cầu đào tạo thực tế. Không tìm được việc làm trong các đại công ty như Samsung hay Lotte, những người trẻ này phải chấp nhận việc làm hợp đồng hay bán thời gian, và họ bắt đầu cảm nhận sự thất bại, một thứ mặc cảm rất nguy hiểm của văn hóa ám ảnh thành công.
Tỷ lệ tự tử ở mức cao
Cho dù tỷ lệ tự tử đã giảm kể từ năm 2011, nhưng báo cáo của Chính phủ Hàn Quốc đang cho thấy nó tăng trở lại, đạt mức 24,7 người trong số 100.000 dân trong năm 2018, khiến Hàn Quốc trở thành một trong các nước có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới. Tự tử trở thành nguyên nhân hàng đầu của những cái chết đối với lứa tuổi từ 10 đến 39, đây chính là lứa tuổi không thể chấp nhận thất bại, và những cái chết như của ngôi sao K-pop Sulli luôn làm cho mọi người bàng hoàng. Trước sự kiện này, Yun Tae-woong, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đã phải thốt lên “xã hội cần được cứu chữa”. Tình trạng tự tử tại Việt Nam cũng đang có chiều hướng gia tăng sau khi đã đứng yên ở mức 6,70/100.000 giữa các năm 2000-2005, đã nhảy lên đến 7,30 người trong năm 2016, trở thành một nước đáng báo động ở khu vực Đông Nam Á, tuy thấp hơn Malaysia, Singapore và Thái Lan.
- Xem thêm: Để biến ước mơ thành hiện thực
Nhật Bản, một nước chuộng bằng cấp, chức vụ và thành đạt khác, cũng đã nhảy lên hàng đầu các nước có tỷ lệ tự tử cao. Theo thông tấn xã Nikkei của nước này, số người tự tử ở Nhật Bản hiện ở mức 16,16 người trên 100.000 dân, sau mức 25,8 người của Hàn Quốc và 19,3 người của Nga. Không như với Hàn Quốc hay Nga, ám ảnh thất bại nơi một xã hội đã công nghiệp hóa như Nhật Bản là điều đáng ngạc nhiên, và người ta thấy khi một chu kỳ suy thoái kinh tế diễn ra thì tỷ lệ tự tử tại nước này lại tăng cao. Thống kê trong năm 2017 cho thấy số người tự tử tại Nhật cao gấp 6 lần người chết vì tai nạn giao thông.
Ở Đông Nam Á, mặc dầu nhiều nước không có số liệu chính thức, người ta vẫn nhận ra sự gia tăng tỷ lệ tự tử trong những năm gần đây. Cơ quan phụ trách sức khỏe tâm thần Thái Lan cho biết cứ mỗi giờ có tới 6 người định tự tử, tương đương với 53.000 người mỗi năm. Tỷ lệ tự tử ở Thái Lan cao nhất trong khoảng 30-59 tuổi, ở Myanmar từ 25-40. Đông Nam Á là một khu vực đang phát triển, một mặt bắt đầu hình thành văn hóa ám ảnh thành công dẫn đến tỷ lệ tự tử ở mức cao trong lứa tuổi 15-29, mặt khác việc xáo trộn xã hội làm tỷ lệ tự tử nơi những người già ở lứa tuổi 60-65 đạt mức 10/100.000 người mà nguyên nhân chính là họ cảm thấy bị bỏ rơi.
Tìm kiếm những giải pháp
Ý tưởng bao hàm, nắm bắt hay chấp nhận thất bại tạo nên sức hút nơi những quốc gia đang tìm cách làm giảm sức ép ám ảnh thành công. Năm 2018, Hàn Quốc tổ chức cuộc “Triển lãm Thất Bại” đầu tiên tại Seoul theo mẫu hình Ngày Quốc Tế Thất Bại tổ chức lần đầu tại Phần Lan năm 2010 và Bảo Tàng Thất Bại khai trương năm 2017 tại Thụy Điển. Mục đích của các sự kiện này là làm thay đổi thái độ của công chúng đối với thành công và thất bại. Tổng thống Moon Jae-in, người ủng hộ cuộc sống với tốc độ chậm hơn đã đến thăm và thừa nhận những khó khăn phải mà các chủ doanh nghiệp nhỏ và người tìm việc phải đối mặt. Ông viết trong sổ lưu niệm: “Tất cả cùng nhau vượt qua thời buổi khó khăn này”.
Cuộc Triển Lãm Thất Bại lần thứ hai tổ chức trong tháng 9 năm nay với khẩu hiệu #FailBetter (thất bại tốt hơn). Tại đây người ta đã thấy những thành quả tích cực chỉ sau một năm cố gắng làm thay đổi thái độ công chúng. Những doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn hay trên bờ vực phá sản có thể tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ của chính phủ. Một nhóm các gian hàng bán lẻ sản phẩm từ các doanh nhân, những người đã thất bại trong các dự án kinh doanh trước đó, đã khởi động lại từ đầu. Trong số đó có Han Dong-seok, Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà sản xuất cricket Jeju, chuyên bán trứng từ những con gà được nuôi bằng dế. Trước đó Han đã thất bại khi thành lập công ty sản xuất mực in tái chế.
Ám ảnh thành công tác động lên doanh nghiệp, và rồi doanh nghiệp tác động lên nhân viên, dẫn đến những cái tự tử do phải làm việc quá sức, gọi là “karoshi”. Đó là một thực trạng không thể ngờ, nhưng lại là một thực tế điển hình tại Nhật Bản. Đau thương nhất được báo chí phanh phui có lẽ là trường hợp của Matsuri Takahashi, 24 tuổi, ở Dentsu. Cô đã tự kết liễu đời mình vào năm 2015 do trầm cảm vì phải làm việc quá sức. Nhật Bản có mức tự tử cao nhất trong các nước đã công nghiệp hóa, và cho dù đã giảm bớt 38% so với đỉnh cao năm 2003, số người tự tử năm 2018 cũng lên tới 21.321 trường hợp. Đứng trước thực tế đáng buồn này, đã có rất nhiều lới kêu gọi các chủ doanh nghiệp phải giải quyết vấn đề làm việc quá sức.
- Xem thêm: Chuyện về một con nhện
Cùng lúc này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lưu ý các quốc gia phải kịp thời xử lý trầm cảm, bởi có đến 90% vụ tự tử bắt đầu bằng trầm cảm. Tại Đông Nam Á, ảnh hưởng của văn hóa ám ảnh thành công đang mạnh lên và các quốc gia đang dồn nổ lực giải quyết vấn đề trầm cảm. Malaysia gần đây bị sốc về tin một thiếu nữ tự tử sau khi tiếp xúc với người có ý định tự tử trên Instagram. Các nghiên cứu nay phát hiện ra rằng những người trầm cảm hay tiếp xúc đồng cảm với những người có ý định tự tử qua mạng, và từ đó các vụ tự tử cứ gia tăng mà ngay chính gia đình cũng không ngờ. Để đối phó với tình trạng tự tử lan truyền qua mạng, các quốc gia Đông Nam Á nay chú ý thiết lập và nhân rộng các tổ chức tư vấn sức khỏe tinh thần.