Một con nhện vừa tìm thấy một chỗ ở mới tuyệt vời. Đó là dưới mái hiên của một ngôi nhà cũ kỹ và nó cho là chẳng có kẻ cạnh tranh nào đã để mắt tới vị trí ấy trước nó.
Nhện bắt đầu dệt tổ ấm mới cho mình. Nó hối hả làm việc sao cho mau chóng có chỗ trú ẩn lý tưởng nhất. Trong lúc miệt mài dệt màng, nhện ta thả hồn tưởng tượng đến những bữa ăn sắp sửa có được do màng nhện bẫy được những con mồi ngon lành. Rồi cơ ngơi mới cũng xong. Đúng như nhện tiên đoán, đám côn trùng đâm đầu vào mạng, làm cho “chiến lợi phẩm” của nó đầy lên nhanh chóng. Việc còn lại vô cùng đơn giản: chỉ việc tiêm một chút nọc vào từng con mồi để chúng bị tê liệt là “hàng” đầy kho lương thực, đủ ăn vài tuần.
Tuy nhiên, nhện ta hơi chủ quan. Nó không biết trước khi nó dọn về mái hiên ấy thì có mấy con nhện khác đã cư trú ở đó rồi. Đã vậy, nó còn bất cẩn ở chỗ dệt mạng xen kẽ với màng nhện khác đang có sẵn. Thế là đám nhện cũ ra sức phá mạng nhện mới và tất nhiên, nhân vật chính trong chuyện này cũng ra sức phá các màng nhện không phải của mình. Đã tưởng một mình một chợ, nay nhện ta phải chuyển sang cảnh phải luôn lo phòng thủ và phản công.
- Xem thêm: Nghệ thuật hợp tác
Nó dùng chiến lược lấn dần sang các tổ khác, mỗi lúc dệt lấn một chút và mạng của nó phủ sang các mạng khác. Kết quả là đã có con nhện cạnh tranh không nổi nên bỏ đi. Cho đến một ngày, nhện ta hoàn toàn “hùng cứ một phương”, chiếm giữ phần mái hiên đó. Mạng của nó trông rất hoành tráng, phủ kín trên mọi màng nhện khác. Khỏi phải nói, kho lương thực của nó lớn nhanh như thế nào.
Thế rồi sự cố xảy ra: khi con nhện chuyển không xuể các con mồi về nơi tích trữ lương thực thì màng nhện bị kéo thụng xuống thấy rõ. Con mồi càng béo tốt thì sức kéo càng lớn. Một mình “đơn thương độc mã”, vừa phải tiêm nọc độc làm tê liệt con mồi, vừa phải chuyển lương thực về một nơi, nhện ta quá mệt. Rồi sau đó mạng nhện cứ bị đứt từng đoạn và càng lúc đứt càng nhiều, đến mức nhện không thể cứu vãn được mạng nữa. Đến lúc đó, nhện buộc lòng phải rời bỏ tổ ấm và kho lương thực đầy ứ của mình, lang thang đi tìm nơi định cư mới.
Tác giả của câu chuyện ngụ ngôn nói trên rút ra bài học: Con nhện là nạn nhân của chính sự thành công theo lối làm việc bất cẩn của nó. Còn có rất nhiều bài học khác được rút ra nữa. Chẳng hạn: Nếu trong cùng một doanh nghiệp mà mọi người không miệt mài “dệt” tác động của mình ra xung quanh thì doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại lớn. Nhưng nếu ai cũng chỉ “dệt” cho riêng mình mà không chú trọng đến sự phối hợp với người khác thì rất có thể kết cục là chính mình sẽ phải “bao sân” giống như chú nhện cô đơn trong câu chuyện trên.