Với sự hiện diện gần như “phổ cập” trong cuộc sống của chiếc điện thoại thông minh, việc nắm bắt thông tin với nhiều người là quá dễ dàng, mọi lúc mọi nơi. Rất nhiều người không giấu diếm họ đã bị những thông tin mạng chi phối.
Từ làm ăn, giải trí cho đến bàn luận, tranh cãi. Một bà mẹ dù lạc hậu quê mùa đến mấy cũng có thể biết được các thông tin trên mạng về kỳ thi tuyển sinh của con mình, từ tỷ lệ chọi cho đến điểm chuẩn qua các năm… Có thể bà mẹ ấy biết cách truy cập internet, nhưng cũng có khi thông tin ấy đến từ con cái, bạn bè.
Ở các trường phổ thông, vào mùa tuyển sinh các thầy cô giáo cũng hướng dẫn cho phụ huynh truy cập mạng để biết thông tin trường dự định thi, chỉ tiêu bao nhiêu, điểm chuẩn, ngành nào phù hợp với con… Thông tin giờ đây là một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
- Xem thêm: Chuyện… chơi
Chiếc điện thoại hay máy tính bảng đã chi phối cuộc sống của nhiều người. Ngồi cà phê với nhau mà có khi ai cũng chăm chú vào màn hình máy tính bảng hay điện thoại di động, không chỉ để tìm kiếm thông tin mà còn tham gia vào các trang mạng xã hội.
Một khi đã đưa thông tin lên đó rồi phải “canh chừng” xem có ai tham gia bình luận gì, đếm xem bao nhiêu cái “like”. Con người vô tình như được trẻ lại bởi những điều hết sức “ngây ngô” là càng nhiều “like” càng sướng!
Con người tham gia vào mối quan hệ chung rộng lớn, một người kết bạn cả nửa vạn người. Cuốn trong vòng xoáy đó, người già thấy mình yêu đời hơn bởi những lời khen hay “like”. Viết một “note” rồi ngồi chờ sự phản hồi sẽ cảm thấy ngày trôi qua nhanh, vui, thêm phần lạc quan nếu có nhiều người hâm mộ.
Tuy nhiên quanh lời bình luận hoặc bấm “like” có khá nhiều chuyện đem ra tranh cãi ngoài đời thực. Người cho rằng cứ bấm “like” cho người ta vui, có mất gì đâu, không khen đôi khi còn bị thù. Người nói, không được, phải thích, phải hay mới “like”, bởi sẽ có người hoài nghi, cảnh giác, biết đâu người ta “like” đểu, kiểu “khen cho nó chết”!
Ăn theo “like”, nhiều thứ ra đời. Càng nhiều “like” càng “hot”. Bình luận chửi cũng được mà khen cũng tốt vì chứng tỏ rằng có nhiều người quan tâm… Vậy con người sống bằng gì, đời thực hay niềm tin ảo?
Nhớ lại, trước khi Facebook nở rộ như bây giờ thì những trang như Yahoo!, blogspot, vnweblog… người tham gia chỉ gói gọn trong cộng đồng mạng cùng quan tâm, cùng đọc. Họ cho rằng như thế mới ấm áp.
Thế nhưng, những trang ấy giờ đây đã bị Facebook đánh bại. Nhiều ông bố bà mẹ cho biết họ lập Facebook chỉ vì con cái ở xa, lên Facebook coi hình con cháu… Từ chỉ coi hình con cháu trong gia đình dần dà mở rộng hơn coi hình ảnh, theo dõi tin tức của bạn bè con cái (vì có hình con mình trong đó, chẳng hạn), rồi từ đó tìm ra được bạn bè từ thời phổ thông, đại học…
Cuối cùng, kết bạn, chấp nhận kết bạn. Từ vài thành viên trong gia đình dần dà cả trăm, cả ngàn bạn bè lúc nào không hay.
Con người là tổng hòa mọi mối quan hệ từ đơn giản đến phức tạp, Facebook giờ đây không còn là ảo nữa mà là thật. Trên đó cũng đủ thứ tham, sân, si. Từ một bình luận có thể xé ra to ngoài đời thực. Mâu thuẫn mạng mang ra xử ngoài đời là điều có thật!
- Xem thêm: Google trước khi đăng
Giờ đây, dường như đã tồn tại song song hai cuộc sống thực và ảo. Con người (bằng xương bằng thịt) là thật và cái nick trên mạng cũng là thật. Một người có hai, ba tên cũng là thật. Họ hóa thân thành vài nhân cách cũng là thật.
Chính bởi sự phức tạp của từ “ảo” mà con người cần phải cảnh giác hơn. Không phải sân chơi nào cũng vui vẻ. Đã là sân chơi thì không loại trừ bất hòa. Cần biết chọn lọc để mang lại mục đích vui là chính.
Bởi thế, “like” hay bình luận cũng cần phải cân nhắc. “Like” chân tình, không “like” đểu. Cuộc chơi nào cũng cần phải “fair play” là thế, không loại trừ cuộc chơi mạng khi mà giờ đây câu nói cửa miệng của rất nhiều người là “chụp hình đưa lên Facebook, giựt status cho nó chết”…
Cách chơi thế nào, thể hiện ra làm sao cho thấy được tâm tính của người chơi qua thời gian. Mạng cũng là đời, “nickname” là bộ mặt. Quan trọng là cách chơi và chọn lọc bạn chơi!