Lụt do mưa to, triều cường, bão tố hay những hiện tượng thiên nhiên tương tự vẫn là sức mạnh kinh hoàng mà con người không thể kiểm soát. Tuy vậy, đôi khi chính con người lại là nguyên do gây nạn lụt kỳ lạ vì thức uống có sức tàn phá đáng sợ không kém.
Khi London chìm trong biển bia
Những trận mưa to thường xuyên đổ xuống thủ đô nước Anh nên chẳng có gì lạ nếu thành phố này bị ngập vào một ngày nào đó. Nhưng vào ngày thứ hai 17.10.1814, London bị ngập chẳng phải do một hiện tượng khí tượng, mà do bia. Thoạt nghe, ta bật cười bởi không ít người từng mơ một hồ bia ngon ở cạnh bên để tha hồ uống. Nhưng trận lụt kỳ quặc ấy đã khiến 9 người chết!
Meux’s Brewery Co Ltd là nhà máy bia duy nhất trên thế giới vào thời ấy, được thành lập năm 1764 dưới tên ban đầu là Horseshoe Brewery (Hãng bia Móng ngựa). Nhà máy bia này được Henry Meux mua lại vào năm 1809 và đổi tên như trên, sau đó được nhiều hãng bia địa phương mua lại. Tại địa điểm nằm giữa đường Tottenham Court và đường Oxford ấy, nhiều loại bia được sản xuất với sản lượng khổng lồ, hơn 103.502 thùng mỗi năm. Thùng ủ chính cao hơn 6m, chứa 610.000 lít bia. Một thành tích đáng nể vào đầu thế kỷ 19.
Vào cái ngày thứ hai đáng nhớ ấy, vào khoảng 18 giờ, một trong số các đai kim loại siết gỗ thùng bị đứt rời, gây tiếng nổ vang trời, phóng thích bia lên men đã nhiều tháng chứa trong thùng. Con sóng lớn thoát ra gây một phản ứng dây chuyền trong nhà máy bia. Hiệu ứng domino này gây một trạn hồng thủy bia lên đến 1.470.000 lít, phá vỡ các bức tường của nhà máy, rồi tràn vào đường phố London. Rủi thay, vùng phụ cận lại là một khu phố ổ chuột, dân nghèo sống chen chúc trong các tầng hầm. Sóng thần bia cuốn trôi nhiều ngôi nhà, trong đó có cả một quán bia, khiến cô hầu bàn 14 tuổi thiệt mạng cùng nhiều khách.
Một số kẻ ranh mãnh, không muốn thứ bia ngon ấy trôi hết xuống cống, dùng xô, nồi để hớt chất lỏng vàng trong ấy. Một cuộc náo loạn nổ ra sau đó, nhiều nạn nhân bị thương do bia được chuyển đến bệnh viện.
Tổng kết, 9 người thiệt mạng do lụt bia, đa số do chết đuối, một số khác do thương tích nặng và một người chết vài ngày sau đó do ngộ độc cồn. Người này được xem như “anh hùng” khi cố chặn dòng bia cuồn cuộc bằng cách nốc bia càng nhiều càng tốt.
- Xem thêm: Vật lạ từ trời rơi xuống
Hãng bia bị đưa ra xét xử trước tòa, nhưng tai họa ấy được quan tòa xem như “một trường hợp bất khả kháng”, không nêu tên ai phải chịu trách nhiệm. Các nạn nhân được xem như bị chết do tai nạn. Sau sự cố, nhà máy bia tiếp tục sản xuất, tuy vậy, nhà máy phải đối mặt với vô vàn khó khăn do tổn thất tài chính sau tai nạn
Nhà máy bia Meux bị phá hủy vào năm 1922. Hiện nay, nằm trên một phần đất của nhà máy bia cũ là Nhà hát Diminion.
Sóng thần xi rô ở Boston (Mỹ)
Vào ngày 15.1.1919, tại vùng ngoại ô Boston (Mỹ), một bồn khổng lồ chưá nước đường phát nổ, khiến một dòng thác chất lỏng nhầy nhớt trào ra, cuồn cuộn chảy tràn một khu phố. Hệ quả của trận lụt nước đường này: 21 người chết, 150 người bị thương và những tổn thất to lớn về vật chất.
Thứ chất lỏng gây họa khôn lường ấy là chất cặn màu nâu còn lại sau khi trích đường củ cải. Chất nhầy và dính trên là một sản phẩm thông dụng vào thời ấy, được dùng trong chế biến các món tráng miệng, kẹo, mứt, nhất là trong sản xuất công nghiệp rượu mùi và rượu mạnh sau khi lên men. Bồn cao 15m, đường kính 27m, với sức chứa tối đa 8.700.000 lít xi rô thình lình đổ sụp.
Dưới sức ép, các đinh tán bằng kim loại văng ra, gây tiếng nổ như súng tiểu liên và đất rung lên như có một đòan xe lửa chạy qua. Một con sóng lớn hình thành, cao 2,5m đến 4,5m, nhớt và dính như keo. Sóng hung bạo tràn với vận tốc 56km/giờ, làm gãy xà của nhà ga đối diện và nhấc cả một tàu hỏa khỏi đường ray. Khối nhớt đục ngầu ấy nhấn chìm mọi thứ trên đường đi của nó : các tòa nhà bị nhổ bật khỏi móng rồi vỡ tan, các khối nhà lân cận bị ngập đến 1m.
Phải mất 87.000 giờ làm việc để dọn dẹp thành phố, còn nước trong cảng vẫn bị nhuộm nâu cho đến mùa hè. Cái mùi khó tả vẫn tồn tại dai dẳng ở phố trong nhiều năm.
Rượu vang tràn ngập thành phố Sète (Pháp)
Đêm 3.8.2016, một thác rượu vang đỏ tràn vào vùng phụ cận cảng Orient và đại lộ Maréchal Juin, làm ngập đường phố, nhất là các bãi đậu xe ngầm và hầm nhà dân. Xấp xỉ 50.000 lít rươụ vang thoát khỏi 5 thùng ủ của công ty Biron chuyên bán sỉ rượu vang. Phải mất một tiếng đồng hồ để hút sạch rượu tràn này. Nguyên do có thể là một hành động phá hoại.
Khi bể chứa rượu vang phát nổ
Bạn thường mơ được tắm rượu vang? Nhưng đó lại là cơn ác mộng đối với một nhà sản xuất rượu vang trắng ở Conegliano (miền Bắc nước Ý) khi suối rượu tràn ra đường vào tháng 9.2018. Một tổn thất đáng kể đối với công ty L’enoteca Zanardo Giussano khi mất hơn 30.000 lít rượu vang trắng. Theo điều tra sơ bộ, nguyên do có thể do sai lầm trong vận hành.
- Xem thêm: Những cái… nhất trên Trái Đất?
“Dạ tiệc bọt” cho toàn thành phố Novomoskovsk (Nga)
Ngoài bia, rượu vang gây lụt, thành phố cũng có thể bị tràn ngập bởi một sản phẩm thông dụng khác là bọt của gel tắm. Cuối tháng 7.2013, các đường phố ở Novomoskovsk, thành phố trong vùng Tula của Nga, bị ngập dưới một lớp bọt dày. Những hệ thống lọc nước của thành phố bị phủ lớp bọt cao đến 5m.
Đường phố trắng xóa cứ như tuyết rơi giữa mùa hè. Sự cố rò rỉ ở nhà máy Aerozol khiến khoảng 7m3 gel tắm tạo bọt chảy vào các cống. Chất này không độc, nhưng toát mùi nồng khó chịu. Các phương tiện truyền thông địa phương đùa rằng nhà máy đã đãi cư dân thành phố một dạ tiệc bọt.