Trong cuộc họp trực tuyến với các nhà đầu tư đầu tuần này, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank cho biết, dù Việt Nam đang đứng ở nhóm quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt nhất, dỡ bỏ giãn cách xã hội sớm nhất thế giới, song khả năng sang năm 2021, kinh tế mới tăng trưởng trở lại. Chính vì vậy, VPBank đã giảm bớt một số chỉ tiêu tham vọng, lựa chọn phương án tăng trưởng thận trọng.
Theo đó, ngân hàng hạn chế cho vay mới, tập trung bán chéo cho khách hàng hiện hữu, kiểm soát danh mục tín dụng, đẩy mạnh thu hồi nợ, áp dụng chính sách dự phòng khắc nghiệt và kiểm soát chặt chi phí hoạt động.
“Trong quí 1-2020, nhờ tối ưu hóa chi phí, VPBank đã đạt được kết quả kinh doanh tích cực. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thời gian tới chúng tôi sẽ chỉ tập trung tăng trưởng một số ngành cụ thể. Nợ xấu năm nay có thể tăng thêm một chút song tình hình kinh doanh 6 tháng cuối năm sẽ khả quan hơn. Do đó, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2020 của ngân hàng mẹ vẫn tăng thêm hơn 1.000 tỉ đồng so với năm ngoái”, ông Vinh nói. Tổng Giám đốc VPBank cũng cho biết ông mong đợi điều tốt nhất sẽ đến, nhưng VPBank “luôn phải chuẩn bị kịch bản cho điều xấu nhất.”
Có thể thấy các biện pháp thận trọng ưu tiên đảm bảo thanh khoản, tạo động lực tăng trưởng hợp lý đã được VPBank thực hiện rất sớm ngày từ quý 1 năm nay. Các biện pháp đó bao gồm kiểm soát chi phí vốn, trong đó có việc giảm chi phí huy động vốn, tối ưu hóa chi phí hoạt động và đẩy mạnh thu nhập ngoài lãi.
Theo bà Lê Hoàng Khánh An, Giám đốc Khối Tài chính VPBank, tác động từ dịch Covid-19 đã gây áp lực về thu nhập lãi thuần cho VPBank. Tuy nhiên, để bù đắp, VPBank cũng tìm nhiều giải pháp để giảm chi phí vốn bằng cách tăng thêm nguồn vốn dài hạn. Cuối tháng 3-2020, VPBank đã nhận được một khoản vay hơn 200 triệu đô la Mỹ trong 3 năm từ IFC, đây là nguồn vốn rất hữu ích cho VPBank giai đoạn này.
Về chi phí hoạt động, trong quý 1-2020, chi phí hoạt động của VPBank thấp hơn rất nhiều mức độ tăng của tổng thu nhập hoạt động. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm từ 33,9% cuối năm 2019 xuống còn 33,1% cuối tháng 3-2020.
Bên cạnh đó, chiến lược chuyển dịch từ ngân hàng cho vay sang ngân hàng đa năng mấy năm gần đây của VPBank cũng đang phát huy hiệu quả. Cơ cấu nguồn thu ngoài lãi, đặc biệt từ phí của VPBank tăng rất mạnh những năm gần đây, nhất là thu từ phí dịch vụ thanh toán, bảo hiểm, tài trợ thương mại, tư vấn trái phiếu… Quý 1-2020, VPBank (ngân hàng mẹ) ghi nhận lãi thuần từ dịch vụ tăng gần 50%, lãi từ chứng khoán tăng 4 lần. Các khoản thu ngoài lãi tăng mạnh đã giúp lợi nhuận trước thuế quý 1-2020 của ngân hàng mẹ VPBank đạt hơn 2.000 tỉ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2019.
Song song với việc đảm bảo an toàn hệ thống, VPBank thời gian qua cũng đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, bao gồm các biện pháp hỗ trợ thông qua hoạt động tái cấu trúc lại các khoản nợ. Trong đó, nhóm khách hàng được tái cấu trúc nợ chủ yếu là khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Sau các bước sàng lọc, 95% khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 gửi đề nghị được cơ cấu nợ lên ngân hàng đều được chấp thuận, tỷ lệ từ chối chỉ 5%”, ông Dmytro Kolechko, Giám đốc Khối Quản trị rủi ro VPBank, cho biết.
Như vậy, chỉ hơn một tháng sau khi NHNN ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, VPBank đã cơ cấu nợ được số lượng khách hàng rất lớn.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, tái cấu trúc nợ trực tuyến giúp khách hàng có các khoản vay nhỏ được nhanh chóng cấu trúc lại nợ mà không cần phải đến ngân hàng là lý do khiến VPBank xử lý được lượng hồ sơ tái cấu trúc khổng lồ trong thời gian ngắn.
Theo ông Kolechko, trong tháng 4-2020, số lượng khách hàng bị chuyển nhóm nợ cao hơn bình thường, song vẫn trong mức kiểm soát.
Ngoài cơ cấu nợ, VPBank còn tổ chức các khóa học trực tuyến (online) miễn phí về chuyển đổi mô hình bán hàng truyền thống sang online (Học viện tiểu thương). Các hỗ trợ phi tài chính này sẽ giúp khách hàng của VPBank duy trì kinh doanh trong mùa dịch và thích ứng tốt hơn với nền kinh tế số.