Các hãng taxi truyền thống gần ba năm nay kiên trì khiếu nại với nhiều cấp chính quyền từ địa phương, đến các bộ và mới đây Hiệp hội Taxi Hà Nội đã gửi thư lên Thủ tướng chính phủ kiến nghị ngưng hẳn hoạt động của hai hãng Uber và Grab trong tháng 9 về điều mà theo họ là sự cạnh tranh không lành mạnh, đưa cước vận chuyển thấp đến mức đe dọa sự tồn tại của Vinasun, Mai Linh cũng như các hãng taxi khác.
Trong khi cuộc “đấu tranh không khoan nhượng” vẫn đang diễn ra, thì một hãng taxi truyền thống đã có một quyết định mạnh dạn là hạ giá cước vận chuyển xuống thấp hơn các đối thủ đang ứng dụng công nghệ thông tin và chấp nhận cạnh tranh. Đó là Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Thành Đô với thương hiệu Victory Taxi – một hãng taxi truyền thống tại Hà Nội – vừa được chấp thuận giảm giá cước trong giờ thấp điểm, sẵn sàng cạnh tranh với Uber và Grab. Giá cước mới do hãng taxi truyền thống này đề xuất và được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội chấp thuận là 7.500 đồng/km trong khi giá cước Uber trong khung giờ này ở Hà Nội là 8.000 đồng/km và ở TP.HCM là 8.500 đồng/km; còn Grab thì 8.500 đồng/km ở Hà Nội và 9.000 đòng/km ở TP.HCM. Nếu so với giá cước của taxi truyền thống tại Hà Nội là 13.600 và 15.100 đồng/km, tại TP.HCM là 13.600 và 15.000 đồng/km, thì giá cước của hãng Victory Taxi quả là rất thấp, đúng là giá có ưu thế tuyệt đối trong cạnh tranh.
Để được ngành chức năng chấp thuận giá cước này chắc hẵn cũng không hề đơn giản. Theo Công ty Thành Đô, nhiều lần doanh nghiệp này gửi văn bản xin giảm cước taxi và áp dụng giá cước linh hoạt tăng giảm theo nhu cầu khách hàng gọi xe vào giờ cao điểm cũng như thấp điểm, nhưng vẫn chưa được đồng ý. Lý do mà Sở GTVT Hà Nội đưa ra là “chưa đúng với quy định”, thiếu cơ sở để xây dựng phương án giá. Nhưng rồi sau đó công ty được Sở GTVT Hà Nội đề nghị dựa vào hướng dẫn trong một thông tư của Bộ Tài chính ban hành hồi năm 2014, để rà soát các chi phí, nhằm xây dựng giá cước đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ và được thị trường chấp nhận.
Cuối cùng, sau khi “tính đúng tính đủ”, Công ty Thành Đô và Victory Taxi đã thành công trong việc đi tìm cơ hội cạnh tranh bằng biện pháp giảm giá, để rồi bây giờ được hưởng lợi cụ thể nhất chính là người tiêu dùng. Và sẽ không ngạc nhiên nếu hãng taxi này trở thành sự chọn lựa tốt nhất của người dân Hà Nội, nhờ đó thu nhập của công ty lẫn người lái xe được nâng cao.
Qua sự kiện này có nhiều điều đáng nói:
Trước tiên là thái độ tích cực của Sở GTVT Hà Nội trong việc hỗ trợ về pháp lý cho doanh nghiệp gặp khó khăn.
Thứ hai là cách làm ăn năng động của một doanh nghiệp tư nhân mà cụ thể là Công ty Thành Đô, thay vì lao vào trận chiến pháp lý có phần yếu thế, đã chọn cách giảm cước trực tiếp cho người tiêu dùng, cũng như không nhất thiết phải đầu tư ứng dụng gọi xe trực tuyến phần nào tốn kém đối với một doanh nghiệp nhỏ.
Thứ ba, sự chọn lựa của Victory Taxi là một bài học bổ ích cho các hãng taxi truyền thống đang vật lộn với cuộc đấu tranh giá cả. Cụ thể là các ông lớn như Vinasun, Mai Linh cần thoát ly tư duy cũ, xem lại chi phí cho bộ máy điều hành cồng kềnh liệu có còn phù hợp hay không vào thời buổi công nghệ thông tin đang được ứng dụng trong tất cả các ngành sản xuất và dịch vụ. Tại sao Victory Taxi hạ giá cước được mà các hãng taxi khác không làm được và tại sao Uber và Grab ứng dụng công nghệ gọi xe trực tuyến mà các hãng taxi truyền thống lại không thể làm?
Và cuối cùng, liên quan đến lợi ích của người lái taxi, đó là kiến nghị tăng giá cước vào giờ cao điểm như hai đối thủ cạnh tranh đang có lợi thế. Điều này cần được nghiên cứu áp dụng để người lao động không bị thiệt thòi.
- Ngọc Anh