Mùa công bố báo cáo kiểm toán 2018 tiếp tục ghi nhận nhiều trường hợp có sự chênh lệch đáng kể giữa số liệu lợi nhuận trên báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán.
Báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2018 của Tổng công ty Khí Việt Nam – PVGAS (GAS) ghi nhận khoản chênh lệch lợi nhuận sau thuế hợp nhất lên tới 646 tỉ đồng so với báo cáo doanh nghiệp tự lập. Giải trình về điều này, PV GAS cho biết, ngày 20-1-2019, tổng công ty đã khóa sổ, lập và công bố báo cáo tài chính năm 2018, trong đó nhiệt trị khí Cửu Long để tính toán số tiền GAS phải trả cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là số liệu tạm tính.
Sau đó, GAS và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã làm việc và thống nhất sẽ ký kết bổ sung một số hợp đồng mua bán khí Cửu Long để cập nhật số liệu về nhiệt trị khí Cửu Long, đảm bảo phù hợp với thực tế đã giao nhận. Căn cứ vào thông báo ngày 6-3-2019 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Nghị quyết Hội đồng quản trị ngày 8-3, GAS đã chính xác hóa chi phí mua khí Cửu Long từ tập đoàn, dẫn đến giá vốn tăng lên, lợi nhuận sau thuế giảm xuống.
Với báo cáo tài chính 2018 của Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF), kiểm toán viên đã điều chỉnh tăng khoản lỗ từ 737,3 tỉ đồng lên thành 804,7 tỉ đồng. Nguyên nhân là các chỉ tiêu doanh thu tài chính và các chi phí có sự thay đổi lớn. Cụ thể, doanh thu từ hoạt động tài chính giảm 10,76%.
Theo TTF, do công ty chưa điều chỉnh lãi phát sinh từ việc giải thể các công ty con là 3,6 tỉ đồng, lãi thanh lý khoản đầu tư là 1,8 tỉ đồng và điều chỉnh bổ sung loại trừ giao dịch nội bộ đối với khoản lãi phát sinh từ các khoản phải thu cho vay các công ty con là 10,4 tỉ đồng. Bên cạnh đó, nếu chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí khác lần lượt giảm 32,9%, 1,8% và 80% với giá trị giảm tổng cộng hơn 99 tỉ đồng thì chi phí quản lý doanh nghiệp lại được điều chỉnh tăng thêm 95 tỉ đồng, tương ứng tăng 28,39%.
Chi phí quản lý doanh nghiệp của TTF tăng chủ yếu là do công ty phải bổ sung trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi là 77 tỉ đồng, phân loại chi phí xóa số công nợ phải thu Công ty CP Nông lâm nghiệp Trường Thành đã giải thể vào chi phí quản lý doanh nghiệp là 10,4 tỉ đồng và phân loại lại khoản công nợ phải trả của Công ty CP Thương mại xuất nhập khẩu Trường Thành Đắk Nông tại ngày hoàn tất thủ tục giải thể vào khoản mục thu nhập khác là 7,6 tỉ đồng. Với những chỉ tiêu được điều chỉnh này, vốn chủ sở hữu của TTF đã giảm từ 828 tỉ đồng đầu năm 2018 xuống còn 19,7 tỉ đồng vào cuối năm, lỗ lũy kế lên tới 2.122 tỉ đồng.
Bên cạnh những trường hợp chênh lệch theo hướng giảm lãi như GAS, Công ty CP Hùng Vương (HVG), Công ty CP Chứng khoán Phố Wall (WSS), Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (TDH), Tổng công ty CP Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (PET), hoặc tăng lỗ như TTF, Công ty CP Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai (HNG), Công ty CP Hữu Liên Á Châu (HLA), trong mùa công bố báo cáo kiểm toán 2018, cũng có không ít doanh nghiệp đang có lãi bỗng chốc thành lỗ như Công ty CP Thương mại Hà Tây (HTT), Công ty CP Thép tấm lá Thống Nhất (TNS), Công ty CP Viglecera Từ Sơn (VTS), Công ty CP Vinaconex 21 (V21), Công ty CP Tập đoàn Đại Châu (DCS)…
Rõ ràng, việc doanh nghiệp có những sai sót trên báo cáo tài chính, dù xuất phát từ sự vô tình hay cố ý của người chịu trách nhiệm lập báo cáo tài chính, đều gây biến động tới giá cổ phiếu, ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông và nhà đầu tư. Xa hơn nữa, thiệt hại lớn hơn chính là sự suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào tính minh bạch của doanh nghiệp, sự bền vững của thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành chỉ mới có quy định về xử phạt các công ty chậm công bố báo cáo tài chính, chưa có quy định cụ thể về việc xử lý các doanh nghiệp liên tục có sai lệch về số liệu trước và sau kiểm toán. Giám sát chất lượng báo cáo tài chính của các công ty niêm yết là một trong những nội dung công việc Thủ tướng Chính phủ giao cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện trong đề án Tái cấu trúc thị trường chứng khoán đến năm 2020 và định hướng tới năm 2025.