Ở thời điểm hiện tại, ước tính chỉ số P/E của Vn-Index ở mức xấp xỉ 17 lần, tức khoảng 950 điểm. Nếu so với mức đỉnh quanh 22 lần vào thời điểm đầu quý II năm nay thì chỉ số P/E đã giảm khá mạnh.
Mức lợi nhuận sau thuế tăng 30%
Thống kê cho thấy 832 doanh nghiệp niêm yết trên hai Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), Hà Nội (HNX) và đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM trong sáu tháng đầu năm 2018 đã tạo ra tổng cộng 118.723 tỉ đồng lợi nhuận, tăng 30,8% so với mức 90.801 tỉ đồng của cùng kỳ năm trước. Trong số này, chỉ có 344 doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận âm (lỗ nhiều hơn hoặc lãi ít hơn), còn lại đa số (488/832 doanh nghiệp) đều có kết quả kinh doanh khả quan hơn so với cùng kỳ năm trước.
Những doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất tập trung chủ yếu ở khối bất động sản, tài chính – ngân hàng. Điển hình như Công ty cổ phần Vinhomes (mã VHM, sàn HoSE) ghi nhận con số lợi nhuận sau thuế sáu tháng đầu năm 2018 lên tới hơn 7.731 tỉ đồng. Đây là doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận rất ấn tượng, lên tới 980,5% so với cùng kỳ năm trước. Xếp thứ hai về quy mô lợi nhuận nửa đầu năm nay là Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (mã VCB, sàn HoSE), với gần 6.431 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 52,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong Top 10 doanh nghiệp có quy mô lợi nhuận lớn nhất, duy nhất Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (mã VNM, sàn HoSE) có tăng trưởng lợi nhuận là con số âm. Nửa đầu năm nay, Vinamilk ghi nhận kết quả lãi gần 5.368 tỉ đồng nhưng giảm 8,4% so với cùng kỳ.
- Xem thêm: Điểm tựa nào cho VN-Index?
Về các nhóm ngành, dẫn đầu tăng trưởng lợi nhuận là nhóm bất động sản, tài chính, chứng khoán. Nhóm doanh nghiệp này có mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 60,2%, với gần 18.317 tỉ đồng lợi nhuận, dù chỉ có 115 doanh nghiệp có tên trong nhóm ngành này. Các ngân hàng thương mại cổ phần, dù có mức tăng trưởng ngành thấp hơn, đạt 53,7%, nhưng là nhóm có quy mô lợi nhuận lớn nhất với tổng số đạt 34.371 tỉ đồng.
Ở chiều ngược lại, ba nhóm ngành có mức lợi nhuận tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2017 là viễn thông, dược phẩm – y tế và dầu khí. Khó khăn do sức ép cạnh tranh đối với ngành dược, ảnh hưởng của giá dầu đến các doanh nghiệp ngành dầu khí và câu chuyện khó khăn chung của ngành viễn thông đã khiến nhóm doanh nghiệp này thụt lùi so với mặt bằng tăng trưởng chung của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.
P/E về vùng hợp lý nhờ EPS tăng
So với mức đỉnh quanh 22 lần vào thời điểm đầu quý II năm nay thì mức P/E hiện tại của Việt Nam vẫn còn cao hơn một chút so với các nước Trung Quốc, Pakistan, Đài Loan… nhưng nếu so về tốc độ tăng trưởng EPS và ROE thì Việt Nam lại có mức tăng cao hơn các nước này. Điều này khiến mức P/E hiện nay của Vn-Index trở nên hấp dẫn tương đối khi xét đến triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai.
Tuy vậy, xu hướng tăng của Vn-Index ngoài yếu tố cơ bản ra sẽ còn phụ thuộc lớn vào diễn biến dòng tiền trên thị trường. Khối ngoại vẫn đang bán ròng liên tục trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong tháng 7-2018 khối này bán ròng tổng cộng 3.000 tỉ đồng và trong 10 ngày đầu của tháng 8-2018, họ cũng bán ròng thêm 1.500 tỉ đồng.
Việc đồng USD mạnh lên, triển vọng FED tăng lãi suất khiến hoạt động đầu tư tại các thị trường cận biên và mới nổi trở nên kém hấp dẫn hơn so với thời điểm đầu năm nay. Trong khi đó, dòng tiền trong nước trong sáu tháng cuối năm 2018 được dự báo cũng sẽ gặp nhiều trở ngại khi Ngân hàng Nhà nước giới hạn mức tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng tín dụng năm 2018 thấp hơn so với năm 2017. Do vậy, chỉ số Vn-Index sẽ gặp nhiều thách thức nếu muốn bứt phá mạnh. Về nhóm cổ phiếu dẫn dắt, trong các tháng đầu năm, thị trường đã chứng kiến đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng và các cổ phiếu vốn hóa lớn.
- Xem thêm: Trên vùng đỉnh VN-Index
Trong sáu tháng cuối năm, ở những nhịp ngắn nhà đầu tư vẫn có thể tiếp tục dành sự quan tâm cho nhóm cổ phiếu ngân hàng do kết quả kinh doanh đang trên đà cải thiện, nhưng mức độ quan tâm sẽ giảm dần và không còn mạnh như giai đoạn vừa qua. Với bối cảnh mới, xuất hiện thêm các yếu tố rủi ro từ bên ngoài như chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, giai đoạn tới dòng tiền được nhận định sẽ không hoạt động mạnh như cuối năm 2017, đầu năm 2018. Sẽ khó xuất hiện nhóm cổ phiếu mới, nổi bật, dẫn dắt thị trường. Cơ hội có thể chỉ đến ở một vài cổ phiếu đơn lẻ, đột biến về kết quả kinh doanh, hay có câu chuyện riêng về thoái vốn, bán cho đối tác chiến lược.