Ông Sử Ngọc Khương – Giám đốc bộ phận Đầu tư của Savills VN nhận định rằng nếu nhà đầu tư đã, đang và sẽ đầu tư vào các dự án có vay vốn thế chấp tại ngân hàng thì cần thận trọng để tránh những tổn hại có thể xảy ra.
Việc sử dụng vốn vay từ ngân hàng là cần thiết và giữ vai trò quan trọng trong việc triển khai nhiều dự án bất động sản. Điều này cũng là thực tế chung của thị trường bất động sản ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Về bản chất, nợ và thế chấp ngân hàng không phải là xấu, mà chỉ là một công cụ tài chính dành cho nhà phát triển dự án, nhưng họ có trách nhiệm đảm bảo nền tài chính của doanh nghiệp vững chắc và sở hữu dòng tiền ổn định để chi trả phần lãi trên vốn vay.
Với những dự án chưa triển khai, thông thường việc sử dụng vốn vay để thực hiện đền bù, giải tỏa, nộp tiền sử dụng đất… Khi chủ đầu tư không còn đủ năng lực tài chính sau khi thanh toán xong nghĩa vụ nói trên, họ có thể chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án để một hoặc nhiều nhà đầu tư mới tham gia triển khai và cơ cấu lại các khoản vay của dự án. Theo quan sát của Savills, việc không tìm được nhà đầu tư để hợp tác hoặc chậm trễ trong tìm kiếm nguồn vốn mới dễ dẫn tới tình trạng dự án bị đóng băng. Nếu đó là dự án liên doanh thì có thể xảy ra rủi ro cho những cổ đông nhỏ khi cổ đông lớn buộc phải nhượng lại cổ phần của mình cho ngân hàng khi không thể chi trả lãi vay.
Các nhà đầu tư khi đầu tư vào những dự án mới cần lưu ý đến yếu tố đền bù giải tỏa. Đây là một giai đoạn phức tạp, đòi hỏi không ít thời gian cũng như tiền bạc và ẩn chứa nhiều rủi ro. Thời gian gần đây, sự tái khởi động của một vài dự án lớn dựa vào xu thế M&A, hỗ trợ của ngân hàng hay vốn của kiều bào đã thu hút sự chú ý của một số người. Doanh nghiệp và dự án nào “hồi sinh” được nhờ có sự bảo lãnh của ngân hàng thì phần nào cũng khẳng định được uy tín đối với khách hàng.
Nhìn chung, một trong những rủi ro trong đầu tư kinh doanh bất động sản thường đến từ mặt tiến độ pháp lý của dự án. Vì vậy, khi tham gia góp vốn, nhà đầu tư phải nắm rõ dự án đang ở giai đoạn nào trong tiến trình hoàn thành, còn thiếu những giấy tờ cần thiết nào và năng lực tài chính có đảm bảo cho việc hiện thực hóa dự án không. Một khi nắm rõ những yếu tố đó, nhà đầu tư có đủ cơ sở phân tích và đưa ra quyết định phù hợp nhất.