Tạo hóa có thể mang con người ra khỏi rừng, nhưng không thể mang “rừng” ra khỏi con người.
Loài người nghiêng ngửa, đang đau thương, khắp nơi. Cả thế giới bỗng nhiên thay đổi, trong chưa đầy 24 tháng, bởi một loại virus truyền nhiễm. Loài người đang chối bỏ trách nhiệm, đổ thừa lẫn nhau như “thú hoang” ở buổi thế giới hoang dã xa xăm nào đó. Bi kịch được chia phần. Những thành phố sầm uất chợt vắng hoe vốn chỉ là hình ảnh ở giải trí phẩm được sáng tác trong vài bộ phim của Hollywood giả tưởng về dịch bệnh xảy ra với loài người hiện đại thì nay có thật ở dương thế.
Giữa biến thiên, tôi giật mình nhận ra trên địa cầu này thông điệp phản chiếu ở xã hội loài người từ cổ kim rằng những thành phố biến mất bí ẩn trong quá khứ không để lại văn tự hay chỉ dấu nơi hạ lưu các dòng sông, trên các thảo nguyên du mục, bên bờ đại dương… thì nguyên do mà hậu thế phỏng đoán thường là vì đại dịch. Bởi nếu do chiến tranh, thì mọi thứ ánh xạ đều có tính nham nhở, sần sùi (chứ không “sạch trơn”), từ vết tích cư trú đến phận người, tàn quân, cư dân, ký ức, sự khả dĩ lý giải.
Đại tai ương kinh khiếp cứ hay rơi xuống đầu thị thành. Xem ra nơi nào con người tụ lại và gạch đá bê tông sắt thép trồi lên chế ngự thì chỗ đó thường tưng bừng sung túc phù hoa và âm ỉ ngấm ngầm nghiệt ngã trước tai ương. Khi dịch bệnh xảy ra, thị dân mới giật mình, hớt hải, đâu đó muốn thoát đi. Và bởi là một thân phận trong muôn phận của loài tôi chợt hỏi: Văn – Minh – Đô – Thị có phải là cao sang, hay nó là cái khỉ khô gì vậy? Và hỡi thế nhân, không gian sống nào mới là không gian thật có trong sâu thẳm con người?
***
Lịch sử dầm dề ở loài người là lịch sử ngược đãi thiên nhiên, san bằng, tranh đoạt, cướp bóc, khai thác, di dân, hơn-thua. Buôn bán mặt đất của tạo hóa bằng giấy tờ và không cần giấy tờ. Cận cảnh, như tôi vái lạy “bọn” đi phượt. Cảm xúc của họ cho mỗi cuộc phượt được xưng tên là hướng đến thiên nhiên, về với thiên nhiên. Vậy mà trên mỗi đỉnh núi hay bờ suối sau khi họ rút về thị thành, để lại cùng với đống than tàn và dư vang chinh phục hoang dã kia là những bãi rác nhằng nhịt với thức ăn, chai, lon, bao bì, nylon, condom…
Tôi cũng gớm ghiếc với loại người hay chưng trong phòng khách nhà mình những gấu, mang, chồn, vượn… thuộc da rồi nhồi bông vào. Hay bộ đầu con min, con nai, ngà voi…
Nhưng tôi ghê sợ hơn với bọn đào trục những gốc cây rừng cổ thụ về trồng trong khuôn viên biệt thự xa hoa ở phố. Để có phần dưới gốc đó của cái cây rừng hàng trăm năm tuổi, nhiều chiêu chước bạo tàn đã diễn ra tù mù trong rừng, cho đến cả khi nó về an tọa được ở phố. Người ta còn biếu tặng nhau gốc cổ thụ như hôm nào biếu nhau cao hổ cốt và sừng tê giác – các loài giờ đã gần như tuyệt chủng. Và người ta chọn nơi có sông hồ mỹ cảnh để ăn nhậu, bán mua, xây cất. Họ cho đó là biểu hiện của đẳng cấp, hàng độc, còn tôi ngu dại cho đó là chỉ dấu của cuộc rượt đuổi thiên nhiên đến cùng sau khi thế nhân đã lột truồng đại ngàn chỉ còn trơ lại đây đó những gốc cây già trên sườn núi, ngọn đồi, bờ khe, thung lũng.
Đồi trọc không đủ gốc cây cổ thụ, thiên hạ cùng nhau nhắm vào những mảnh rừng nguyên sinh cuối cùng còn lại trong các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng, vườn quốc gia, tìm mọi cách để săn nguyên cây lẫn gốc. Nếu Yàng Brê (thần Rừng) là có thật thì Yàng cũng bất khả tự vệ, rên kêu không thấu. Đến cái gốc cây còn không thoát, không tha. Cuộc tận thu sau rốt. Vét cho hết những “giọt rừng” cuối cùng. Trò chơi “đè đầu” thiên nhiên đang thành xu thế, trào lưu của những xã hội hãnh tiến và trưởng giả. Tôi gọi những mảnh rừng mong manh trên đất nước tôi là những “giọt rừng”, và trò chơi kia là trò chơi Giọt Rừng.
***
Như mọi thường nhân, tôi thấy mình thanh bình khi ở dưới những bóng mát cây xanh. Thế mà sao tôi chẳng hề thấy “mát” khi ngồi dưới những bóng cây không phải là nơi nó thuộc về của trò chơi Giọt Rừng ngạo nghễ đó. Mà tôi thấy nó tội lỗi. Tôi thương những người cùng đường đi đào thuê những gốc cây đó trong rừng cho những tay “lái rừng”, nhưng tôi ghê sợ những người “tiêu thụ”, sử dụng nó. Tôi thấy những “tiểu” bạo chúa nhiều tiền đang gây ra một thứ ác nghiệp mới giữa buổi văn minh này.
Trò chơi “đè đầu” thiên nhiên đang thành xu thế, trào lưu của những xã hội hãnh tiến và trưởng giả.
Thời kỳ biến đổi khí hậu, và thiên tai lũ lụt, sập lở tang thương với đồng loại mình ở khắp những miền xứ. Rừng lại là túi oxy, cân bằng sinh thái, quê quán gốc của con người; che chở bình đẳng hàng ngày cho chính họ và muôn loài khác.
Khi chiếc áo chung của mặt đất đã tả tơi, không còn, mà kiêu hãnh, tự đắc, chơi ngông, khoe khoang với những chiến phẩm nguyên sinh thì lạc hậu rồi.
Chơi trên đầu của thiên nhiên, đồng loại và muôn loài.
Chơi tưng bừng như lũ quét tưng bừng kia.
Chao ôi thời của vị kỷ, bất chấp. Có phải đang là bức tranh của một đời sống mà ở đó “Cùng kéo nhau xuống”.
Cùng nhau trí trá, phản bội.
Cùng nhau tầm thường.
Tự hào trong tầm thường.
***
Bức tranh chung thế đó. Vậy mà ở miền Thượng Tây Nguyên, người bản địa dù sinh tồn với núi rừng lâu đời nhưng cho đến bây giờ nhiều người cất được vườn rộng nhà to song không bao giờ bạn thấy khuôn viên của họ xuất hiện những gốc cây rừng cổ thụ, bỡn cợt với “giọt rừng”. Chợt tự vấn: “Ai và đâu mới là văn minh”? Quán tính khi cho rằng thị dân, hoặc người có học, hay giàu có thường “văn minh” hơn lại là trật lất. Vì văn minh cao nhất là sự chan hòa, đơn sơ thanh thoát, là thỏa mãn mà không làm tổn hại đến ai, cộng đồng, sự gì, cái gì.
Đô thị, phố phường, công trình kiến trúc cần phải có cây xanh điểm xuyết thì mới đẹp thêm. Nhưng mà đẹp bằng sự vô đạo, cưỡng bức thiên nhiên thì hình như sai lạc mất rồi. Có vấn đề nghiêm trọng nào đó ở văn hóa rồi.
Tôi nhớ, các bon làng của người bản địa Tây Nguyên đều có một Ea K’ha, và họ thường ra cúng những cây lớn ở bên “giọt nước” đó mỗi năm hai lần. Chẳng hiểu sao nghĩa của cái Ea K’ha nó thâm sâu, minh triết, gần gũi, và thiêng liêng vô cùng: Ea nghĩa là nước, K’ha nghĩa là rỉ ra từ rễ cây. Nguồn nước thì sinh ra từ cây, và cúng cái cây cổ thụ là tri ơn nguồn nước mà cây rỉ ra để cho lấy uống và cậy nhờ nó che chở. Đỉnh cao của văn minh và sang cả là đây chứ đâu nữa, là hiểu biết tới nơi cùng hành động đúng khớp, thành tâm, và cư xử công bằng với cỏ cây, quê hương.
***
Mọi điều đang diễn ra hỗn loạn trên mặt đất hiển thị chỉ dấu về một thế giới hoang dã mới đang ló dạng, hình thành. Thế giới hoang dã thuận lành cội gốc, có quy luật, dễ hiểu, cứ như phải nhường bước cho thế giới hoang dã xáo trộn, cố bẻ gãy quy luật tự nhiên. Và tôi gọi nó là “Xã hội loài người biến thể hoang dã mới”.
Bạn thèm thuồng và nhe răng với xứ sở khác, đất nước khác, quê hương của những nhóm người khác để mà làm gì. Ai sinh ra cũng có một thiên nhiên nhỏ riêng của mình trong cái thiên nhiên chung là vũ trụ rồi, và chừng đó cũng đủ đi cả đời không hết.
Loài người làm khổ nhau bởi đặc tính tham tàn vị kỷ.
Một bước dài của văn minh đã khựng lại, à, chưa đúng, phải gọi là lùi lại.
Từ nay con người sẽ sống khác, từ nhận thức về dương gian đến hành vi ứng xử với mọi thứ.
Còn được mấy nhóm người biết kiêng nể thiên nhiên và thành tâm hàm ơn, có thể đi ra cúi đầu vái lạy Ea K’ha như người sơn nguyên ở Việt Nam?
Đại dịch này và sẽ đại dịch nào nữa, từ đây?
Rừng, thiên nhiên, là chốn an lành đầu tiên và cuối cùng. Có còn thế giới tự nhiên để VỀ không, hỡi loài người?!