Vào những năm 80, sân khấu kịch nói lại sáng bừng lên một lớp diễn viên kịch tài hoa như Thành Lộc, Việt Anh, Hồng Vân, Hồng Đào, Thành Hội, Ái Như, Hữu Châu… Tất cả đã tạo dựng nên một nền kịch nói đầy bản sắc và chinh phục được các tầng lớp khán giả. Hơn 20 năm qua lớp nghệ sĩ tài hoa này vẫn đang dẫn dắt chính tại các sân khấu kịch sáng đèn nhất của thành phố.
Diễn viên Tuyết Mai, Quốc Thịnh và Quý Bình trong vở Tình nhân đến với tình nhân
Qua năm tháng của thời gian, trên sàn diễn lớp nghệ sĩ thành danh này đã chuyển từ vai chính của những chính kịch nổi tiếng sang đóng những vai độc đáo và lạ lẫm về tính cách và số phận, nhường lại những vai chính, đào thương, kép đẹp cho lớp nghệ sĩ 7X, 8X. Sự tiếp nối đó không phải là sự thay thế mà đó là sự truyền nghề, nâng bước, tiếp sức cho diễn viên trẻ tỏa sáng.
Từng bước khẳng định mình
Thế hệ diễn viên Hồng Vân, Thành Lộc, Việt Anh, Hữu Châu, Thanh Hoàng, Ái Như, Thành Hội với những vai đa chiều, nhiều tính cách, chính có, phụ có đã mang lại tên tuổi cho họ. Khán giả nhớ các nghệ sĩ này từ những mảng diễn hay, nó mang màu sắc độc đáo hơn là việc làm tròn trịa của một vai diễn, vở diễn.Một Mỹ Uyên (Sân khấu Nhà hát nhỏ) sắc sảo trong vai những người đàn bà cuồng nhiệt và đầy dục vọng trong cuộc sống.Minh Đạt hồn hậu trong vai người chồng tràn đầy tình yêu thương, để rồi khán giả lại lạ lẫm với anh trong vai người đàn ông quay quắt, tráo trở. Một Thanh Thúy nổi lên như cồn sau những vai đào đẹp thơ ngây để rồi kéo theo Đức Thịnh (Sân khấu Phú Nhuận) có những vai láu cá đầy ấn tượng. Họ là một cặp bài trùng trong nghệ thuật và cuộc đời.Thanh Vân nổi lên bằng những vai người đàn bà đẹp chìm nổi với những cuộc tình, những số phận oan nghiệt.Lê Giang lại bật lên những vai tính cách dữ dằn. Phi Phụng hài hước trào lộng, đầy tung hứng, bên cạnh một Đại Nghĩa hóm hỉnh dễ thương với những vai hài hước ngô nghê. Lê Khánh bước lên từ vai người đẹp nhiều bi kịch để rồi chính các đạo diễn lại khai thác ở cô một nét hài rất trong sáng, có duyên. Đức Thịnh (Sân khấu IDECAF) là một diễn viên chắc tay với nhiều loại vai, anh luôn là một sự khám phá bí ẩn cho người xem. Kim Huyền là một bản lĩnh của người nghệ sĩ lấy tài năng, khổ luyện để thay nhan sắc. Cái tài của cô nổi lên ở hai loại vai: trẻ thơ và bà già. Kim Huyền làm khán giả khóc cười và đau đớn, thậm chí sợ hãi cho nhân vật của mình một cách tài tình.Nhìn Kim Huyền trên sân khấu khó ai có thể đoán định tuổi đời, tuổi nghề của cô.Kim Huyền như sống trước cả thời gian.
Diễn viên Xuân Trang
Gần đây một lớp nghệ sĩ 7X, 8X đang dần tạo nên tên tuổi trên các sân khấu như Xuân Trang – Hoàng Thy là cặp đôi trái ngược nhau của Sân khấu Phú Nhuận.Xuân Trang cá tính với những vai độc, những nhân vật đa mưu, xù xì, luôn ẩn chứa sự hai mặt, nham hiểm. Trong vở Giếng lạ, anh thể hiện sự xảo quyệt tinh ranh của nhân vật lực điền đôi lúc làm cho nhân vật dị dạng, bị bóp méo, nhưng lại tạo được không khí u ám của một xã hội phong kiến bạo vì quyền, mạnh vì tiền. Trong khi đó một Hoàng Thy xinh đẹp trong dáng vẻ mong manh, trẻ trung như bông hoa cúc cứ nở dần lên theo tình cảm trong sáng, vui, buồn của những cô gái trẻ. Sự tương phản ấy đã làm cho cặp đôi Xuân Trang – Hoàng Thy ghi được dấu ấn tốt đẹp trong lòng những người yêu kịch nói.Trong lớp diễn viên 8X hôm nay phải kể đến Thanh Duy (Sân khấu Phú Nhuận). Với lợi thế đẹp trai, Thanh Duy được đạo diễn Hồng Vân sớm đưa lên sân khấu, nhưng sự biến đổi ngoạn mục của chàng nghệ sĩ trẻ này khi được thay nghệ sĩ Đức Hải trong vai Xuân Tóc Đỏ trong tác phẩm Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, mới tạo nên dấu ấn của riêng anh. Tiếp đến vở Làm đĩ… khán giả mới thấy thêm một Thanh Duy rất sở khanh.Cái hay của Thanh Duy là đưa được hơi thở thời đại của mình vào vai.Quang Thảo là một gương mặt diễn viên khác nổi trội trên Sân khấu Hoàng Thái Thanh hiện nay.Bề ngoài thư sinh, nhưng Quang Thảo vào nhiều vai có đời sống nội tâm phức tạp rất tinh tế.Quang Thảo đủ sức đóng cặp đôi với Hồng Ánh trong Hãy khóc đi em.Trong vai người chồng bội bạc, cái ác của Quang Thảo nhẹ như không nhưng lại rất thâm độc.Nhưng khi Quang Thảo vào vai nông dân Nam bộ lại rất có duyên.Căp đôi Tuyết Mai – Quốc Thịnh (Sân khấu Hoàng Thái Thanh) cũng là một đôi đẹp ngoài đời nhưng lại có thể bù trừ cho nhau trong nghệ thuật. Tuyết Mai thường được chọn vào vai nữ chính, những vai bi có nhiều số phận buồn như: Hạnh trong Người điên và ngôi nhà cổ, NoriKo trong Mùa đông cuối cùng. Nhưng có một ngày cô quậy tưng lên với vai ác trong Bàn tay của trời – một cô đào đồng bóng thực dụng đến trơ trẽn. Còn Quốc Thịnh ngay từ đầu đã làm khán phòng sóng gió với những vai đểu nhưng khán giả vẫn thấy anh là một diễn viên hài rất có duyên.
Sân khấu như một hấp lực
Sân khấu kịch còn là một ngôi nhà nghệ thuật mà diễn viên điện ảnh thành danh hay người mẫu tụ về.Nổi bật phải kể đến nghệ sĩ Hồng Ánh.Có thể nói sân khấu kịch nói đã tạo nên một Hồng Ánh khác lạ so với điện ảnh.Trên phim Hồng Ánh chói sáng với những thân phận của những người đàn bà sau chiến tranh.Mang những số phận có tính thời đại.Hồng Ánh với chiều sâu của nhân vật trong phim đã xứng đáng với nhiều giải thưởng trong các LHP quốc gia và quốc tế. Thế mà Hồng Ánh vẫn đến với sân khấu để thử sức mình ở những vai lạ: từ con bạch tuộc hung bạo trên sân khấu thiếu nhi đến những nhân vật phụ nữ có nhiều trúc trắc trên vở kịch người lớn. Khác với phim, Hồng Ánh diễn hài rất tài tình.Tiếng cười mà cô ấy mang đến cho khán giả tự nhiên và nhẹ nhõm như cuộc sống vốn có như vậy. Kim Khánh, Trí Quang, Quốc Thái, Huy Khánh từ điện ảnh sang cũng gặt hái được khá nhiều thành công mỹ mãn trên sân khấu. Ngộ nghĩnh nhất là trường hợp Xuân Lan, một người mẫu có hạng trên sàn diễn thời trang lại thích về tụ hội ở Sân khấu IDECAF để đóng kịch. Chưa bao giờ Xuân Lan được vào vai chính. Cô nhận vai phụ một cách hồn nhiên và làm việc thật nghiêm túc.Cái nghề người mẫu lúc nào cũng phải tạo dáng chuẩn, phải bóng bẩy trong những bộ trang phục đúng điệu, thời thượng. Nhưng vào vai kịch, Xuân Lan bị ném vào những vai con gái có tính cách chẳng giống ai. Tính hồn nhiên, vô tư ngoài đời được đạo diễn chọn cho cô những vai quậy tưng tưng, đôi khi còn bị các nhân vật khác nói văng vào mặt không thương tiếc như kiểu “Con cá mắm, dẹp lép…” vậy mà Xuân Lan vẫn hồn nhiên diễn.
NSƯT Đức Thịnh và diễn viên Thanh Thúy trong vở Ba Giai Tú Xuất
Thời gian qua sự nở rộ những bộ phim truyền hình đã thu hút đông đảo anh chị em diễn viên sân khấu trẻ với thù lao phim cao hơn sân khấu kịch, nhưng chẳng một diễn viên nào bỏ luôn sân khấu của mình. Hễ có vai diễn trên sân khấu, họ vẫn trở về, coi đó là một vinh dự và là nơi làm nghề sướng nhất. Họ trở về nhen nhóm ngọn lửa tình yêu nghề nghiệp, để đầu xuân thắp nhang đặt lên bàn thờ tổ, cầu khấn “cho con có vai diễn mới và sân khấu thịnh vượng hơn”.
[spoiler title=”Vở mới đón tết” open=”0″ style=”2″]Sân khấu Hoàng Thái Thanh có hai vở: Tái sinh (tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc, Hoàng Thái Thanh, đạo diễn Ái Như) là câu chuyện phục hiện sau cái chết, họ gặp lại nhau hay mơ hồ nhận ra nhau. Tình yêu từ phút giây này hay từ kiếp trước.Vở Sáu tháng, anh và em, kể câu chuyện về tỉ phú bỏ năm tỉ để sống với một người đàn bà trải qua đổ vỡ. Câu hỏi được đặt ra quyền lực, đồng tiền tạo ra tình yêu hay sự quyến rũ tạo ra tình yêu?
Sân khấu IDECAF có hai vở: Hồn bướm mơ điên (đạo diễn Vũ Minh) kể câu chuyện tình cảm của một cô bé bán hột vịt lộn và cậu Thiên Vương ham chơi. Vở Hương tình (đạo diễn Hùng Lâm, kịch bản Đăng Nhân) kể về câu chuyện lãng mạn của đôi trai gái trước sự thử thách về tình yêu.
Sân khấu Phú Nhuận có ba vở: Số đào hoa (đạo diễn Hòa Hiệp) kể câu chuyện vui nhộn của anh chàng tự coi mình có số đào hoa xếp lịch đón bồ. Kết cục lắm mối tối nằm không.Vở kịch kinh dị Trăng máu (tác giả Quang Thi, đạo diễn Diệp Tiên) kể chuyện ly kỳ của một đoàn làm phim khi vào núi rừng gặp phải những linh hồn oan khuất và lời nguyền của núi rừng. Vở 357 (tác giả và đạo diễn Lê Quốc Nam) được xem như phần hai của vở 246 trong vụ án cũ tưởng đã khép lại nhưng cuộc gặp mặt với người tù mới lại hé lộ những tung tích mới. [/spoiler]
Việt Nga