Làm cha mẹ đều muốn con nên người. Mong ước của cha mẹ là vậy nhưng nhìn toàn cục xã hội, với đa dạng thành phần tốt – xấu, mới thấy đâu phải cha mẹ nào cũng đạt được ước mơ đó.
Trong tiếng Việt, ví dụ như, có tiền thì xài, có điều kiện thì hưởng… vậy mà có thân thì phải lo chứ không ai nói có thân thì xài, mới hiểu được trách nhiệm làm người to lớn thế nào. Cũng có người xài thân như phung phí tuổi trẻ vào game, online, thức đêm, rượu bia… Đến khi nhìn lại thấy mình xài hao quá thì đã muộn.
Một người mẹ than phiền rằng cậu con trai lớn đã ba mươi tuổi rồi mà vẫn chưa biết lo thân. Cũng học hành như người ta nhưng tốt nghiệp đại học ra trường, làm nơi nào cũng chỉ được vài tháng thì nản, nghỉ, ở nhà ôm laptop ngày ngày lên mạng chém gió, miễn có cơm ngày hai bữa là đủ. Khỏi phải nói mẹ cậu ta rầu đến mức độ nào.
- Xem thêm: Sống cho mình
Bà mẹ khác nghe vậy liền nói, chồng sáu mươi tuổi còn chưa biết lo thân huống chi con. Lo thân theo ý bà là ông cứ bia rượu tới bến, thậm chí còn “vỗ ngực xưng tên” cho là mình uống có “bằng”, bạn nhậu trang lứa lần lượt chầu ông bà hết mà ông vẫn còn uống được.
Hai người phụ nữ nhìn nhau ngao ngán chuyện gia đình, họ lớn hết rồi, có thân phải lo chứ biết sao bây giờ, trả nợ hết kiếp này là xong. Tất nhiên, để thốt câu bất lực, yếm thế như vậy họ đã biết rõ tình cảnh gia đình mình, nói không nghe thì đành chịu.
Nhìn rộng ra trong xã hội, kiểu người như hai nhân vật trên không ít. Không chỉ rơi vào gia đình khá giả, có điều kiện mà cả gia đình nghèo cũng có. Trong tình cảnh này chỉ có phụ nữ là thiệt thòi.
Mà đâu chỉ gia đình vợ chồng lớn tuổi. Gia đình trẻ lao vào guồng mưu sinh, hết hợp đồng này đến hợp đồng kia, ngày nào chồng cũng bia bọt tới tới. Một tuần thấy sức khỏe xuống quá, tuyên bố bỏ nhậu để “lo thân”. Được vài ngày, đâu cũng vào đấy. Cô vợ trẻ ôm hai con mọn, hết việc cơ quan đến việc nhà xoay như chong chóng, chỉ còn hơi sức nói đúng một câu: “Có thân phải lo, không lo được thân thì lo đến thân ai”.
Những cuộc chia tay vì chuyện chồng phung phí sức khỏe, không biết lo thân ngày càng nhiều. Một bà mẹ cho rằng, con trai không biết uống bia tiếp khách là thiệt thòi rất lớn trong làm ăn. Cũng có bà mẹ cười xòa khi nghe người khác khen con trai mình mới ra đi làm nhưng “uống được” lắm! Trong cái cười xòa có ý lắc đầu, cho qua chuyện, vì bà đâu có vui khi biết điều này.
Một đời đi làm bà chứng kiến quá nhiều cảnh chén chú chén anh, thù tạc, ơn nghĩa, nợ miệng. Bà không hạnh phúc với ông chồng mấy chục năm tối nào về nhà cũng nồng nặc mùi men. Dù tiền ông mang về nhiều đấy nhưng bà đâu có vui!
Vợ chồng nghỉ hưu, thời gian rảnh rỗi, nhàn nhã. Con cái ở xa cần trợ giúp, thế là vợ chồng phải thay phiên nhau vào giúp, hay biệt phái thời gian một năm vài tháng. Bà vợ đi, câu duy nhất dặn chồng ở nhà là phải biết lo thân, tức tự nấu ăn, ăn uống đầy đủ, đừng bù khú nhiều với bạn bè đêm hôm gió máy nhà không có ai.
Bà vợ đi nhưng lo lắm vì không biết ông chồng ở nhà có lo (cho) thân được không. Bạn bè thấy vậy mới nói: “Ông ấy giỏi đó chớ. Bà bỏ đi mấy tháng mà nhà cửa vẫn sạch sẽ, cơm nước tự nấu đàng hoàng”. Như vậy mới thấy, tiêu chí đánh giá lúc này là ông chồng có (tự) lo thân được không. Nếu tự lo được là đạt yêu cầu.
Ngẫm lại cuộc đời mới hiểu ra được để đánh giá một con người (tuyệt vời) chỉ gọn hai chữ lo thân. Từ nhỏ biết lo dậy sớm học hành, tự giác tất cả mọi việc không cần ai nhắc. Lớn lên đi học xa nhà biết lo cho bản thân. Ra trường đi làm biết giữ gìn sức khỏe, chí thú làm ăn…
Nghĩ rộng ra một chút, lo thân không chỉ lo cho riêng mình mà còn lo (được) cho người khác. So sánh nào cũng khập khiễng, nhưng lên máy bay, trước khi cất cánh cô tiếp viên hướng dẫn mọi người cách sử dụng các phương tiện cứu hộ, thoát hiểm luôn có câu, đại ý: “Hãy mang mặt nạ/áo phao cho mình trước rồi giúp đỡ người khác”.