Nhắc đến Ai Cập là nhắc đến tri thức cổ kỳ bí, mê hoặc nhất hành tinh. Bằng sự hiểu biết của mình, họ xây dựng những kim tự tháp đồ sộ, cung điện nguy nga, hầm mộ giữ xác ướp bền bỉ… So với các công trình kỳ vĩ ấy, lò ấp trứng khiêm tốn với diện tích bé nhỏ nằm gọn ở những vùng nông thôn. Nhưng trên nhiều mặt, phát minh hơn 2000 năm tuổi này có vẻ còn ấn tượng hơn cả kim tự tháp. Cho đến tận bây giờ, nó vẫn được sử dụng trong các vùng thôn quê khắp châu Âu cũng như Ai Cập, mỗi đợt có thể ấp nở từ hàng trăm đến hàng ngàn quả trứng.
Nhìn lại thời cổ đại, bạn sẽ thấy châu Âu không ít ngỡ ngàng trước những tài sản trí tuệ đến từ Ai Cập. Họ không chỉ kinh ngạc trước kiến thức toán học sâu rộng, nghệ thuật làm giấy cói lạ lùng mà còn trước cả kỹ thuật ấp trứng gia cầm hàng loạt.
Sự kỳ diệu phi thường
Vào thời trước Công nguyên, Aristotle (384-322 TCN), nhà triết học và bác học uyên bác nổi danh nhất Hy Lạp cổ đại, từng viết rằng ở Ai Cập “trứng tự nở thành gà con, chui ra khỏi các đống phân”. Khoảng 200 năm sau đó, Diodorus Siculus (90-30 TCN), nhà sử học của Hy Lạp, lại tiếp bước, lưu trong sổ sách một câu chuyện phi thường.
“Cái đáng kinh ngạc hơn cả là cách mà người Ai Cập chuyên nuôi gia cầm và ngỗng gia tăng số lượng của chúng. Họ không phụ thuộc vào phương pháp tự nhiên ai ai cũng biết, mà dùng chính đôi tay của mình với một kỹ xảo đặc biệt để tạo ra số lượng nhiều vô kể”.
Công nhận các ghi chép này đọc lên có vẻ rõ hoang đường, nhưng những gì Aristotle và Siculus viết ra không hẳn toàn bịa đặt. Chúng phần nào là sự thật về lò ấp trứng ở Ai Cập cùng thời. Chỉ là cả 2 nhà thông thái đều vẫn chưa am tường về hoạt động của lò ấp nên thành ra phóng đại, biến chuyện bình thường thành phép nhiệm mầu.
Về thực chất, những con gà không “chui ra từ đống phân” mà được ấp nở nhờ một hệ thống lò sưởi đắp bằng bùn. Chúng đủ rộng để chứa cả 4.500 quả trứng, và có khả năng ấp nở hiệu quả không thua gì gà mái mẹ. Tùy vào loại trứng được đưa vào lò ấp mà sau khoảng 2-3 tuần, cả ngàn gia cầm con xuất lò, khiến các du khách phương Tây xa xôi thuở ấy ghé qua không khỏi tròn xoe đôi mắt.
Đến tận năm 1750, nhà côn trùng học người Pháp là René Antoine Ferchault de Réaumur vẫn phải ngớ người trước cảnh tượng hàng ngàn gà con mới nở ào ra từ một lò ấp trứng kiểu cổ. Ông tuyên bố cái lò kỳ diệu này mới chính là tài sản trí tuệ đáng tự hào nhất của người sông Nile, thậm chí nâng nó lên vị trí cao hơn cả kim tự tháp.
Phiên bản thu nhỏ của kim tự tháp
So với kim tự tháp thì lò ấp trứng ở Ai Cập được phát minh khá muộn. Trong thực tế, gà cũng không phải là động vật bản địa của vùng sông Nile. Có lẽ chúng đã được thuần hóa từ cách đây 10.000 năm ở châu Á, sau đó nhờ các tàu thương mại mà cuối cùng cũng đến được Đông Phi.
Tận thời kỳ Ai Cập thuộc Hy Lạp (332-30 TCN), thịt gà mới trở thành một trong những món chính của người Ai Cập, và để không bị cắt món, người ta mới sáng tạo ra cái gọi là lò ấp trứng, từ đó đảm bảo lượng thịt dồi dào quanh năm.
Bề ngoài, lò ấp trứng Ai Cập tương tự như phiên bản thu nhỏ của kim tự tháp. Nó được xây theo khung hình chữ nhật, có những chóp hình nón thủng lỗ trên đỉnh cho khói bay ra. Trong khi một con gà mái chỉ có thể ấp nở 15 con một lứa là cùng thì cái lò đặc chế này “xuất” cả ngàn con mỗi mẻ.
Ngoại trừ ấp nở trứng hàng loạt, nó còn giúp giảm khoảng cách thời gian giữa các lứa đẻ của gà mái. Gà mái sau khi đẻ cần ấp trứng rồi nuôi con. Đến khi đám con của chúng đã lớn, đủ sức tự kiếm ăn, chúng mới bắt đầu sinh lứa khác. Nhưng khi được “giải thoát” khỏi nghĩa vụ làm mẹ tự nhiên nhờ lò ấp, gà mái nhanh chóng đẻ lứa tiếp theo.
Suốt nhiều thế kỷ, lò ấp trứng của Ai Cập vẫn là sự thần kỳ đối với người Hy Lạp. Cư dân sông Nile cũng đặc biệt giấu kỹ kỹ năng tuyệt vời này. Thêm vào đó là thay vì tìm hiểu rõ ràng nguyên tắc hoạt động của một lò ấp trứng, các du khách phương Tây cùng thời có vẻ hứng thú với việc “vẽ hươu vẽ vượn” để trí tưởng tượng bay xa hơn. Chính vì thế mà cái nguyên lý ấp trứng vốn đơn giản hóa ra ảo diệu.
Đến nỗi vào thế kỷ XIV, với sự giải thích mập mờ của Simon Fitzsimons, một nhà tự nhiên học Ireland, người ta còn tưởng gà Ai Cập nở ra từ lửa cơ. “Cũng ở Cairo, bên ngoài cổng, ngay sát phía tay phải có một ngôi nhà dài và hẹp. Trong đó, trứng nở thành gà từ lửa chứ chẳng cần gà trống gà mái chi hết và với số lượng nhiều đến không đếm nổi”, Fitzsimons viết.
Dùng phân làm nhiên liệu ấp
Mãi đến năm 1750, khi Réaumur du hành tới Ai Cập, nghiêm túc tìm hiểu thực tế, lò ấp trứng của Ai Cập trong tâm trí châu Âu mới vén bức màn viễn tưởng mà phơi bày sự thật. Nó đơn giản là một cấu trúc hai tầng đối xứng, có tối đa 5 cặp buồng, được ngăn cách với nhau bởi một hành lang ở giữa. Trứng gà đã thụ tinh được xếp ở tầng dưới, còn tầng trên là không gian để đốt lửa giữ nhiệt, giúp đám trứng luôn được ủ ấm như dưới bụng gà mẹ.
Trước Công nguyên, Aristotle đã viết rằng gà con “chui ra từ đống phân”. Mặc dù trứng gà không được vùi trong phân như Aristotle tưởng, nhưng phân chính xác là nguyên liệu cần thiết để người Ai Cập tiến hành ấp trứng. Trong thung lũng sông Nile khô cằn, phân là nhiên liệu sẵn có hơn gỗ. Thế nên người Ai Cập cổ đã thu gom phân khô làm nguyên liệu đốt, duy trì nhiệt cho đến khi trứng sắp nở thành con.
Chuyện điều chỉnh nhiệt độ cho lò ấp là vô cùng quan trọng, nên mỗi lò ấp thường có người trông chừng. Công việc của họ là trông nom lửa và xoay trứng. Giống như gà mái thường xuyên dùng cái mỏ của chúng để vần đám trứng dưới bụng, đảm bảo cho màng phôi không vì nóng quá lâu mà bị dính vào vỏ, gây dị tật cho gà con, người trông coi lò trứng cũng cần phải thỉnh thoảng trở trứng. Đến sát ngày mổ vỏ, phôi gà con đã tự tích lũy đủ nhiệt, không cần phải nhận thêm nhiệt từ bên ngoài.
Trong tự nhiên, gà mẹ cảm nhận được điều này bằng bản năng. Thú vị là các nhân công trông lò ấp trứng của Ai Cập cổ cũng lĩnh hội được “bản năng” ấy. Họ cầm quả trứng lên, áp nó vào mắt, một trong những bộ phận nhạy cảm nhất của con người, và xác nhận được quả trứng đã sắp nở hay chưa để giảm nhiệt độ lò ấp, tránh quá nóng gây nở sớm, yếu gà con.
Duy trì giữa thời đại công nghệ cao
Bằng cách sử dụng lò ấp trứng, người Ai Cập có gà con để nuôi quanh năm. Ngược lại tại Châu Âu, nông dân chỉ có thể gây đàn vào mùa xuân và hè. Ở tiết thu và đông, do khí hậu ngày càng lạnh, gà mái thường ấp không thành. Hiểu được nguyên lý hoạt động của lò ấp trứng Ai Cập, Réaumur bèn thử thực nghiệp tại Pháp. Tuy nhiên, vì thu-đông Châu Âu rất khắc nghiệt, lò ấp “học mót” không vận hành hiệu quả.
Sau khi Réaumur qua đời, nhiều người khác nối tiếp thử nghiệm. Vào năm 1890, Lyman Byce, một nông dân Canada đã thành công. Chìa khóa của Byce chính là chiếc đèn than tỏa nhiệt ổn định. Rất nhanh, phát minh của ông được thương mại hóa rộng khắp, lan tới cả Petaluma, California, nơi được mệnh danh là “thủ đô gà của thế giới”.
Mỗi ngày, kỹ thuật ấp trứng lại được cải tiến cả về phương pháp lẫn công cụ. Hiện nay, chúng ta có máy ấp trứng bằng điện ở mọi nơi. Cứ tưởng kiểu lò ấp trứng có từ xưa lắc xưa lơ của Ai Cập đã hết thời, không ngờ nó vẫn được sử dụng và tỏ ra cực kỳ hiệu suất. Vào năm 2006, trong khi tiến hành lập bản đồ các trang trại nông thôn Châu Âu để đề phòng cúm gia cầm, các chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (Food and Agriculture Organization – FAO) bất ngờ nhận ra phương pháp trên 2000 năm tuổi này vẫn được dùng.
Nhiều nông dân có lò ấp 2 tầng y hệt như thời cổ đại. Và dù thời nay, nhiệt kế nhan nhản trong các tiệm thuốc, trạm y tế, họ vẫn nhặt quả trứng lên, áp vào mí mắt để kiểm tra nhiệt độ phôi gà. Thứ duy nhất khác biệt là nguyên liệu giữ nhiệt. Thay vì dùng phân hay than để đốt, bây giờ người ta dùng xăng hoặc dầu mà thắp đèn cầy cho tiện.
Tất nhiên là tại Ai Cập, cái nôi của lò ấp trứng, việc ấp trứng bằng lò cổ tiếp tục được duy trì. Theo báo cáo từ FAO, ước tính có khoảng 200 lò ấp trong vùng đồng bằng sông Nile. Và cũng như ở nông thôn Châu Âu, các nông dân Ai Cập đang dần hiện đại hóa cái lò ấp. Họ chuyển sang nhiên liệu bền vững, dễ dùng, đồng thời tự động hóa vấn đề xoay trứng và điều nhiệt.
Tuy nhiên, ngay cả các lò ấp trứng tân tiến nhất thì cũng vẫn áp dụng nguyên tắc đã được phát minh cách đây hơn 2000 năm. Cái hồn của lò ấp trứng Ai Cập vì thế vẫn còn đấy, giữa thế giới hiện đại hóa thời này.