Mười lăm năm sau khi tung ra album đầu tay Hybrid Theory mà bất cứ rock fan nào, dù thích hay không thích cũng ít nhất một lần nghe nhắc đến, nhóm Linkin’ Park đã rẽ sang một hướng mới, hoàn toàn khác biệt. Nhưng các bạn yêu nhạc hãy yên tâm, hướng đi này không liên quan đến dòng nhạc mà nhóm theo đuổi. Đó là một hướng đi rất bất ngờ: nhóm lặng lẽ khai trương quỹ đầu tư Machine Shop Ventures. Linkin’ Park đang thử biến thành công trong âm nhạc của mình thành thành công trong việc đầu tư vào công nghệ. Nếu gặp các rocker này trong các bộ vest và tự giới thiệu mình là nhà đầu tư, bạn sẽ có cảm giác thế nào?
Đây là thời mà các nghệ sĩ “bung ra” làm ăn, đặc biệt ở lĩnh vực đầu tư. Jay-Z mua lại dịch vụ nghe nhạc trực tuyến Tidal, Nas đầu tư ở nhiều dự án khởi nghiệp – startup (Rap Genius, Dropbox, SeatGeek, Lyft), Ashton Kutcher hỗ trợ một số startup tiếng tăm (Airbnb, Spotify, Foursquare) và còn đóng vai Steve Jobs, một nhân vật biểu tượng của startup. Ryan DeMarti, người đã hỗ trợ việc marketing cho Linkin’ Park trong nhiều năm nhận xét: “Ở thời điểm này của sự nghiệp, Linkin’ Park cần phải đa dạng là hợp lý. Khi họ già đi, có thêm con cái và việc đi tour sẽ ít đi, có thêm các hình thức kinh doanh và thu nhập khác là tất yếu”.
Mike Shinoda, một trong hai giọng hát chính của nhóm, không phải thuộc dạng nghệ sĩ đề nghị người đại diện của mình tìm vài dự án khởi nghiệp thú vị, đồng ý hỗ trợ và sau đó quên béng đi. Mike tuyên bố anh muốn xây dựng dự án lâu dài, có khả năng sinh lợi. Anh thảo luận với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, giới thiệu với các doanh nhân khởi nghiệp và thuê một đội ngũ tinh gọn bao gồm các nhân viên từng làm việc trong ngành ngân hàng và quản lý. Các dự án mà Machine Shop Ventures đang có trong tay để đầu tư khá ấn tượng: Lyft (tương tự Uber nhưng còn chia sẻ thêm với các khách khác đi cùng tuyến), Robinhood (sàn bán cổ phiếu không tính phí giao dịch), Shyp (dịch vụ vận chuyển hàng), Blue Bottle Coffee.
Mike tuyên bố: “Tôi cảm thấy gần gũi và quen thuộc với những người tôi trò chuyện ở một hội thảo công nghệ còn hơn ở hội thảo âm nhạc”. Từ năm 2001, Mike Shinoda đã là một nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ. Năm đó, album Hybrid Theory bán được hơn 4 triệu bản và Mike cùng các thành viên trong nhóm tìm cách tái đầu tư số tiền có được vào các thiết bị biểu diễn và công việc marketing cho nhóm. Nhưng tháng Mười năm đó, khi Apple tung ra iPod, Mike quyết định mua “một ít” cổ phiếu của Apple.
Trong những năm tiếp đến, Mike tiếp tục “rón rén” đầu tư tiếp vào các startup liên quan đến âm nhạc như Spotify và Sonos. Nhưng nhóm nhạc muốn làm điều gì đó mà họ có thể liên quan nhiều hơn chứ không chỉ bỏ tiền vào: “Các khoản này chỉ là đầu tư tài chính. Chúng tôi gần như không có hoạt động hay tương tác gì với các công ty này”. Muốn dấn thân hơn, Mike đã gặp gỡ Kevin Rose, người sáng lập Digg và Chris Sacca, tỉ phú trong lĩnh vực đầu tư, người sau đó đã mời Mike tham gia vào công ty Lowercase Capital.
“Chúng tôi không điên rồ và biết rằng không phải chúng tôi sẽ có thể lại một lần nữa tạo ra điều kỳ diệu. Nhưng chúng tôi biết rằng mình có kỹ năng trong marketing và làm thương hiệu. Chúng tôi xem nhóm nhạc của mình như một dự án khởi nghiệp, từ lúc bàn bạc lập ra nhóm hoặc mỗi lần tung ra đĩa như một nền tảng mới và độc đáo”, Mike chia sẻ.
Ngày 1-1-2015, nhóm Linkin’ Park khai trương quỹ Machine Shop Ventures, tên lấy theo thương hiệu Machine Shop được lập ra bởi Mike Shinoda, gắn liền với nhóm Linkin’ Park từ đầu. Tháng 2-2015, vài thành viên của nhóm ghé thăm Y Combinator, một cái nôi nhiều ảnh hưởng của các dự án startup và gặp gỡ Michael Seibel, đồng sáng lập Justin.tv và đối tác ở Y Combinator. Mike xem Michael Seibel như một trong những thầy của mình, bên cạnh Chris Sacca, Mark Suster và Ron Conway. Michael Seibel dành nhiều thời gian để hướng dẫn Mike và các thành viên khác những bài học về đầu tư, tài chính. Michael nhận xét: “Tôi thấy ngạc nhiên khi họ đến và dành thời gian để tìm hiểu, khác hẳn với động thái đầu tiên chỉ là ký tấm séc chuyển tiền đầu tư”. Lời khuyên của anh với nhóm: “Hãy chậm rãi. Mọi thứ ở đây có vẻ như rất khẩn cấp, dự án nào cũng có vẻ sẽ trở thành Facebook kế tiếp, lúc nào cũng có những cơ hội mới được tạo ra. Đây không thể là việc dấn thân ngắn hạn được”.
Machine Shop Ventures tập trung vào các startup có liên quan đến sở thích cá nhân của thành viên Linkin’ Park như cổ phiếu, điều mà Mike đã làm khi mua cổ phiếu Apple. Vlad Tenev, đồng sáng lập Robinhood (một dạng sàn chứng khoán không thu phí) và là fan lâu năm của nhóm nói rằng Hybrid Theory là một trong bốn hay năm đĩa mà anh sở hữu hồi lớp 8. Vlad và Mike gặp gỡ nhau cách đây tám tháng thông qua một người quen chung ở Google Ventures. Sau nhiều lần trao đổi, Mike đề nghị đầu tư vào Robinhood. Vlad nói: “Một trong những điều cực kỳ hấp dẫn với chúng tôi ở góc độ kinh doanh là mục tiêu của chúng tôi được mở rộng ra thế giới. Linkin’ Park là một nhóm có lượng fan khủng trên khắp thế giới”. Linkin’ Park cũng tự hào vì đã tận dụng được công nghệ trong việc kết nối với fan. Facebook và YouTube của nhóm thuộc vào hàng khủng so với các đồng môn. Ví dụ kênh YouTube của nhóm có gần 5 triệu người đăng ký và 2 tỉ lượt xem trong khi kênh Vevo của nhóm Blink 182 trên YouTube chỉ có 700 ngàn người đăng ký.
Nhưng trong các dự án mà Machine Shop Ventures quan tâm sẽ không có âm nhạc: “Tôi không nói rằng chúng tôi sẽ không đầu tư vào bất cứ thứ gì liên quan đến âm nhạc nhưng đầu tư liên quan đến âm nhạc với tôi phải vượt qua tiêu chuẩn khá cao. Tôi không thích thú với các ý tưởng về nhạc, hầu hết vì tôi hình dung được các ý tưởng đó quá nhỏ hẹp và cục bộ”. Là dân trong nghề, hẳn Mike cũng đã tường tận làng nhạc nên không dễ để anh móc hầu bao đầu tư.
Trí Quyền (DNSGCT)