Chắc chắn việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ là sự kiện được quan tâm nhất những ngày qua, trên cả những lo ngại về tình hình hoạt động của một số ngân hàng trong nước. Thực ra, việc đồng nhân dân tệ được điều chỉnh giá trị nếu có bất ngờ thì chỉ là về mặt thời điểm, chứ điều này đã được giới phân tích sớm dự báo. Khi mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7% trong năm nay của Trung Quốc gặp thách thức lớn, việc nước này phải thực thi một chính sách mạnh nhằm thay đổi tình hình đã trở thành bắt buộc.
Động thái nới biên độ tỷ giá (từ 1% lên 2%) VND/USD của Ngân hàng Nhà nước ngay sau đó được nhận định là linh hoạt và kịp thời, nhưng không vì vậy mà áp lực đối với tỷ giá bớt căng thẳng. Trung Quốc là một đối tác kinh tế lớn của nước ta nên áp lực sẽ càng lớn, việc điều hành tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ phức tạp hơn nhiều so với những năm trước. Tình hình xuất khẩu năm nay cũng không thuận lợi, sau bảy tháng đầu năm 2015, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chỉ đạt 9,5%, thấp hơn nhiều so với con số 14% cùng kỳ năm trước. Động thái nới biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước có thể là chưa đủ để giúp hàng hóa xuất khẩu nước ta tăng sức cạnh tranh sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ.
Đã có ý kiến và phân tích cho rằng chúng ta phải điều chỉnh tỷ giá VND/USD tương ứng, thậm chí cao hơn mức điều chỉnh của đồng nhân dân tệ, nếu không sẽ khiến cho hàng Việt Nam đắt hơn, chi phí ở nước ta cũng đắt hơn so với thế giới. Kỳ vọng phá giá là có thật, nếu vẫn theo đuổi chính sách bình ổn tỷ giá, chúng ta có thể phải đối mặt với rủi ro xuất phát từ bên ngoài lẫn nội tại của nền kinh tế.
Thực ra, ngay cả khi chưa có việc đồng nhân dân tệ giảm giá trị, tỷ giá VND/USD đã và đang phải chịu nhiều áp lực do nhập siêu và việc đồng USD lên giá kéo theo VND lên giá tương ứng khiến hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, điều chỉnh giảm giá trị đồng VND so với USD sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến sự cân đối vĩ mô. Các khoản nợ nước ngoài bằng USD cả từ phía Chính phủ lẫn các doanh nghiệp sẽ tăng lên (tính theo VND) nếu tỷ giá được điều chỉnh, áp lực trả nợ sẽ gia tăng. VND giảm giá trị có thể tạo ra nguy cơ nhập khẩu lạm phát, do chúng ta vẫn nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất. Quan trọng hơn, từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố không điều chỉnh tỷ giá quá 2% và đã sử dụng hết mức này. Niềm tin của thị trường, của các nhà đầu tư về một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định có thể bị xói mòn nếu nhà điều hành phá vỡ cam kết.
Động thái nới biên độ thay vì điều chỉnh tỷ giá theo hướng giảm giá trị VND là một giải pháp tình thế được đánh giá cao, dù có thể vẫn làm gia tăng kỳ vọng của thị trường về sự giảm giá tiền đồng trong tương lai. Tùy vào những phản ứng tiếp theo từ Trung Quốc cũng như của các nước khác trên thế giới, rất có thể biên độ tỷ giá còn được nới thêm, 3% hoặc hơn nữa, thay vì điều chỉnh tỷ giá. Ngoài công cụ hành chính là nới biên độ, nhà điều hành còn có thể sử dụng các công cụ khác như thay đổi trần lãi suất hay dự trữ ngoại hối. Chưa kể, bên cạnh những giải pháp thuộc chính sách tiền tệ, Chính phủ còn có thể can thiệp bằng những chính sách khác như thuế, thủ tục hải quan,… Điều quan trọng là chính sách phải linh hoạt và phù hợp với thực tế. Đừng vì những cam kết mà ngại thay đổi. Điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng, mở rộng thêm biên độ… đều có thể tiến hành nếu những động thái ấy thực sự giúp cho nền kinh tếổn định và phát triển.
Ngọc Khang (DNSGCT)