Viện nghiên cứu Brookings mới đây đăng bài phân tích về triển vọng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của ông Mireya Solis, chuyên gia nghiên cứu chính sách đối ngoại thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á, cho rằng tương lai của hiệp định này chỉ có thể là thương lượng lại nội dung. Nhưng việc đàm phán lại TPP gần như không nằm trong chương trình nghị sự nhiệm kỳ mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Một khi Mỹ rút khỏi TPP, 11 nước thành viên còn lại cần mang đến luồng gió mới cho TPP. Họ có thể đơn giản chỉ điều chỉnh các nguyên tắc thông qua TPP để không làm kéo dài việc thực hiện hiệp định này trong tương lai.
Bài viết nhận định mọi người không nên kết luận ngay rằng một TPP không có Mỹ sẽ là vô giá trị đối với các nước thành viên còn lại. Thực tế, việc tái khởi động TPP có thể là cách tốt nhất cho các nước thành viên còn lại áp dụng một đường hướng mới của thương mại quốc tế, trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy đang nổi lên như xu hướng phát triển của thế giới. Điều này có thể tác động làm tổng thống đắc cử Donald Trump cảm thấy bị gượng ép trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ tổng thống, nếu ông vẫn quyết tâm thực hiện chính sách thương mại theo hướng loại bỏ TPP, cũng như đe dọa chấm dứt Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) nếu thỏa thuận này không được đàm phán lại.
Trong một thế giới với sự hồi sinh của chủ nghĩa bảo hộ thì giá trị của TPP ngày càng quan trọng. Điều này xuất phát từ những lợi ích sau đây của Nhật Bản, một trong các nền kinh tế lớn của thế giới, mà cũng là lợi ích của những nước thành viên khác, cụ thể:
Thứ nhất, trong trung hạn, có thể ông Trump muốn thúc đẩy các thỏa thuận thương mại song phương hơn là các thỏa thuận đa phương, như vậy Nhật Bản có nhiều cơ hội để thương lượng về một thỏa thuận thương mại có thể đảm bảo lợi ích kinh tế của chính họ mà không cần phải nhượng bộ.
Thứ hai, việc hồi sinh TPP cũng sẽ giúp nâng cao vị thế của Nhật Bản trước Trung Quốc khi bước vào các cuộc đàm phán tới đây về việc hình thành một nhóm thương mại Đông Á, được gọi là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Thông qua việc khôi phục TPP, Nhật Bản và các nước thành viên khác sẽ tận dụng được các quy định trong TPP về thương mại và đầu tư (có thể coi là một bộ quy tắc tiến bộ đầu tiên về vấn đề này trong hai thập niên qua) để thúc đẩy chuỗi giá trị toàn cầu. Khi làm điều này, họ sẽ đảm bảo rằng tự do hóa tiêu chuẩn thấp sẽ không trở thành khuôn mẫu chủ đạo cho châu Á và thế giới.
Thứ ba, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém của tăng trưởng thương mại thế giới là sự thiếu hụt những sáng kiến tự do hóa. Việc TPP được thực hiện lại, với các tiêu chí rõ ràng trong việc giảm các chi phí thương mại, sẽ có tác động tốt, cổ vũ RCEP mở rộng các điều kiện tự do hóa hơn nữa.
Khi ấy thành công của TPP sẽ dựa trên vai trò lãnh đạo của Nhật Bản, nền kinh tế còn lại lớn nhất trong TPP sau khi Mỹ rời bỏ. Chính phủ Nhật Bản đã tiến hành những bước đi ban đầu về việc phê chuẩn TPP và nước này cần thực hiện các bước đi tiếp theo trong việc tìm kiếm giải pháp cho việc đàm phán lại TPP để giúp hiệp định này có thể hồi sinh.
Đ.N (DNSGCT)