Cách nay 70 năm, châu Âu bước ra khỏi một cuộc chiến khốc liệt, trở thành một châu lục của đổ nát, hoang tàn. Sau đó là sự xuất hiện của một thế hệ những nhà lãnh đạo mới xúc tiến việc hợp nhất châu Âu nhằm tránh lặp lại những cuộc xung đột từng dẫn đến hai trận thế chiến. Ngày nay, chiến tranh giữa Đức và Pháp là điều không ai nghĩ tới và lần đầu tiên trong lịch sử, châu Âu trở thành một khu vực của hòa bình. Liên minh châu Âu (EU) ra đời năm 1992 từ hiệp ước Maastricht. Nhưng đến nay, trong nội bộ liên minh này, đã xuất hiện nhiều rạn nứt. Trên thực tế, nước Anh chưa bao giờ quan tâm đúng mức các dự án của châu Âu, họ luôn chú trọng đến mối “quan hệ đặc biệt” với Mỹ. Cũng vì thế, dù có sự gia nhập của một số thành viên mới, EU vẫn mất dần tính hợp nhất cần thiết của một tổ chức hợp tác và phát triển. Thế hệ những nhà lãnh đạo trẻ tuổi không có ký ức nào về hai trận thế chiến đã qua, họ đưa ra nhiều quyết định mà không cần thông qua thủ tục tham khảo và không có khả năng đối phó với những thách thức mới.
Từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1999, các tổ chức cánh hữu mọc lên khắp châu Âu. Ở Hungary, một đảng cánh hữu cầm quyền đã tuyên bố rằng chế độ dân chủ không phải là một hệ thống chính trị có hiệu quả nhất. Cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp cho thấy có một sự phân cách khá rõ giữa hai khối Nam và Bắc Âu, trong khi Đức và nhiều nước khác không coi sự đoàn kết là một tiêu chuẩn nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh. Gần đây, cuộc khủng hoảng về người tỵ nạn làm trầm trọng thêm mối bất đồng trong nội bộ châu Âu. Chính quyền Anh tuyên bố chỉ nhận một số nhỏ trong 10 ngàn người tỵ nạn, trong khi các nước Đông Âu từ chối đón nhận người tỵ nạn. Vì thế, ngày nay ý niệm đoàn kết của châu Âu trở thành một vấn đề lớn phải giải quyết, trong đó có vấn đề dân số. Hiện nước Đức còn 800 ngàn chỗ làm bỏ trống, cần ít nhất 500 ngàn người di cư hằng năm để duy trì tính cạnh tranh trong thương mại quốc tế. Trong khi đó, các nước Đông Âu đang chứng kiến sự sút giảm dân số nghiêm trọng: năm 1989, Bulgaria có 9 triệu dân, nay chỉ còn 7,2 triệu và ước lượng giảm thêm 7% nữa vào năm 2030, giảm 28,5% vào năm 2050! Cũng vào năm 2050, dân số Romania giảm 22% so với hiện nay, Ukraina và Moldova giảm 20%, Bosnia và Herzegovina giảm 19,5%, Latvia giảm 19%, Serbia giảm 17%, Croatia và Hungary giảm 16%… Vậy mà họ dứt khoát không đón nhận người tỵ nạn!
Cuối năm 2017, nước Anh sẽ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý để quyết định tiếp tục ở lại EU hay rời khỏi tổ chức này. Cách nay 10 năm, một động thái như thế không hề diễn ra, nhưng nay, mọi sự đã khác. Sự hợp nhất châu Âu đang đứng trước thử thách nghiệt ngã nhất mà các nhà lãnh đạo của châu lục này phải gấp rút đối phó nếu không muốn EU trở thành một ngôi nhà rệu rã.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)