Christian Dior là một cái tên mang đậm chất lịch sử của làng thời trang thế giới. Đó là người đã sáng lập nên thương hiệu thu hút sự chú ý của đông đảo giới mộ điệu châu Âu với những thiết kế cao cấp mang tên The New Look ra đời từ năm 1947 cùng các họa tiết hoa đặc sắc và đậm dấu ấn lãng mạn thời kỳ Belle Époque (giai đoạn lịch sử huy hoàng với các bước phát triển lớn của phương Tây ở thế kỷ XIX).
Dior đã góp phần cách mạng hóa phong cách thời trang thế giới ở phân khúc cao cấp. Các thiết kế thời trang cao cấp (haute couture) của nhà tạo mốt này hoàn toàn chinh phục được trái tim của giới quý tộc châu Âu và là niềm mơ ước của mọi tín đồ thời trang. Không những thế, thương hiệu Dior còn liên tục nâng cao doanh số và từng chiếm 5% tổng doanh thu của toàn nước Pháp. Mới thấy, sức ảnh hưởng của Dior là quá rộng lớn.
Điển hình cho cái nhìn sâu sắc về phong cách thời trang Pháp, Dior đã, đang và sẽ liên tục sáng tạo để phát triển. Thế nhưng, không phải ai cũng hài lòng với bộ sưu tập The New Look, trong đó có các nhà nữ quyền, những người cho rằng hình dáng của chiếc corset nên được hạn chế và thoái lui trong các thiết kế trang phục cứng nhắc thời bấy giờ. Chính sự xuất hiện của Yves Saint Laurent – người mang tới khía cạnh trẻ trung và có đôi phần nổi loạn trong thế giới mốt đã giúp Dior có bước chuyển vượt bậc và vươn xa hơn ra thế giới.
Marc Bohan, vị giám đốc sáng tạo lâu năm nhất của Dior, trớ trêu thay, lại là người lãnh đạo ít nổi tiếng nhất trong tiến trình phát triển của thương hiệu này. Thời đại Bohan được ghi nhận là khá hạn chế và hơi khiêm tốn về ý tưởng thiết kế, song đó lại là thời kỳ thương mại thành công nhất của Dior. Với mong muốn rút ngắn khoảng cách giữa các tầng lớp, Bohan đã tạo ra những bộ suit giản đơn nhưng vô cùng thanh lịch.
Gianfranco Ferré là người tiếp tục dẫn dắt ngôi nhà chung này sau thời kỳ của Marc Bohan, trở thành giám đốc sáng tạo không phải người Pháp đầu tiên. Đối với hầu hết các thiết kế, mặc dù ông đã thành công trong việc thực hiện ý tưởng của mình, thể hiện được tính thẩm mỹ mang hơi hướng kiến trúc cao xa, nhưng tiếc là vị thế của haute couture hồi đầu những năm 1990 bị chao đảo nên ông không được đánh giá là người tạo ảnh hưởng lớn đến thành công của Dior.
Ở giai đoạn kế tiếp, Dior đã quy tụ được nhiều nhà thiết kế nổi tiếng nhất. Bắt đầu là John Galliano, người bất chấp những tranh cãi công khai, cứ mạnh dạn tung ra các thiết kế mới lạ mang phong cách chịu ảnh hưởng của người Anh cùng sức mạnh của nghệ thuật, nhờ đó đã củng cố được địa vị của Dior. Nhờ nỗ lực tìm kiếm cái mới cùng cố gắng kết nối và hòa hợp giữa thời trang, nghệ thuật với văn hóa, John Galliano được nhìn nhận là một trong những nhà thiết kế tài năng nhất.
Sau Galliano, Raf Simons – nhà thiết kế thuộc trào lưu New Wave đến từ Bỉ đã tiếp tục mang lại sức sống cho các thiết kế haute couture của Dior. Mặc dù nhiệm kỳ của ông khá ngắn ngủi nhưng người ta vẫn ghi nhận rằng chỉ trong tám tuần sau khi nhậm chức, ông đã tạo ra một bộ sưu tập mới mẻ và hoàn chỉnh. Sự ra mắt bộ sưu tập đầu tiên của ông được đánh giá là một thành công to lớn, vượt trội và giới đam mê thời trang đã hưởng ứng rất tích cực. Sau ba năm làm việc, Raf Simons rời Dior và Maria Grazia Chiuri – nữ giám đốc sáng tạo đầu tiên của Dior được giao nhiệm vụ viết tiếp trang sử mới cho thương hiệu này.
Trải qua hơn 70 năm thay đổi và không ngừng sáng tạo, Dior vẫn luôn là nhà tạo mốt hàng đầu ở phân khúc haute coute trong nền thời trang Pháp và thời trang thế giới. Các hình ảnh qua thời gian cho thấy đã có những khoảnh khắc tuyệt vời tạo nên giá trị nền tảng để Dior có khả năng dẫn dắt sự phát triển của thời trang cao cấp như ngày nay. Đó là thành công không thể phủ nhận.