Tôi cảm thấy rất hứng thú mỗi khi đọc những bài báo về các lễ hội thờ Cá Ông ở Việt Nam. Với tôi, đó không chỉ là một nét đặc sắc về văn hóa mà còn là một dấu hiệu đáng mừng của việc bảo vệ thiên nhiên. Ít nhất cũng có một quốc gia trên thế giới kính trọng cá voi xanh – loài động vật khổng lồ chưa bao giờ làm hại con người. Các lễ hội thờ cúng Cá Ông thường được tổ chức vào mùa xuân tại các tỉnh từ ven biển miền Trung vào miền Nam. Với người dân địa phương, cá voi là loài vật thiêng của biển và là vị cứu tinh của những người làm nghề đi biển. Ngoài ra, trong lễ hội, họ còn cầu xin một mùa đánh bắt an toàn và bội thu. Lễ hội Cá Ông ở mỗi địa phương có cách tổ chức riêng.
Niềm tin và sự kính trọng của người dân Việt Nam dành cho cá voi quả thật trái ngược hoàn toàn với những câu chuyện về những kẻ săn cá voi trên thế giới. Với tôi, việc săn cá voi dù với mục đích gì cũng đều không thể chấp nhận được. Không có gì tệ hơn việc nghĩ đến cảnh tượng những người ngư dân đâm lao vào loài cá khổng lồ này. Các mũi lao không giết được cá voi ngay mà làm cho chúng giãy giụa đến kiệt sức để rồi cả vùng biển đỏ lòm máu. Sau khi giết được cá voi, con người ăn mừng chiến thắng mà không biết rằng, một phần trong tâm hồn họ đã mất đi mãi mãi bởi đã nhúng tay vào sự tàn sát này.
Tất nhiên, gần đây những kiểu săn cá voi vô tội vạ theo những cách thức tàn ác đã bị nhiều quốc gia trên thế giới ra lệnh cấm. Những nước vẫn tiếp tục săn cá voi bị cả thế giới lên án. Ví dụ, Úc đã kiện Nhật vì việc săn cá voi cho mục đích thương mại. Kết quả là, Tòa án Quốc tế tại La Haye (Hà Lan) đã phán quyết việc săn cá voi của Nhật là phạm pháp. Hiện nay, việc săn cá voi chỉ được cho phép với các mục đích khoa học.
Những gì diễn ra ở Việt Nam lại hoàn toàn trái ngược. Hãy xem một vài ví dụ gần đây. Hai tuần trước một ngôi làng ở đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh đã chung tay cứu một chú cá voi con xanh dài tám mét bị mắc cạn và trả nó về an toàn với biển cả sau hai tiếng nỗ lực dưới trời mưa. Để hỗ trợ việc giải cứu, các nhà chức trách còn gửi đến hai máy xúc nhằm nạo vét mở một đường kênh, sau đó người dân đưa chú cá voi vào một tấm bạt dừa rồi kéo chú đến kênh để đưa ra biển.
Cũng trong những tuần gần đây, ở Quảng Nam, người dân phát hiện ra một chú cá heo dài hai mét bị thương đang kiệt sức trong khi cố quay ra biển. Họ đã làm một cái hồ tạm thời cho cá sống để chờ vết thương lành lại. Hồ được đặt ngay trước đền thờ cá voi ở xã Phước Lộc. Có rất nhiều những chuyện như vậy xảy ra ở Việt Nam. Những chú cá này quả thật may mắn khi bị mắc cạn ở vùng biển Việt Nam chứ không phải ở nơi nào khác.
Quay về với các lễ hội, mỗi lễ hội ở từng địa phương lại có một tên gọi khác nhau như Lễ rước Cột Ông, Lễ cầu Ngư, Lễ tế Cá Ông. Nhưng tất cả các lễ hội này đều có điểm chung quan trọng nhất, đó là mọi người tham gia để mừng sự sống của cá voi chứ không phải cái chết của chúng.
Lê Tâmdịch