Các nhà nghiên cứu Tổ chức quan sát đánh bắt cá toàn cầu GFW, Hội địa lý quốc gia NGS, Trường Đại học Cali, Stanford (Mỹ), Dalhousie (Canada) cùng Google đã khảo sát 22 tỉ thông điệp phát đi từ các điểm thuộc Hệ thống nhận diện tự động tàu bè trên biển SIA. Khởi đầu, SIA đánh dấu vị trí, tốc độ, góc xoay từ vệ tinh, các trạm trên đất liền nhằm tránh va chạm. Bằng thuật toán riêng, SIA nhận diện 70.000 tàu dài từ 35m trở lên, với chi tiết kích thước, công suất, tính năng vận tải – đánh cá, không gian, thời gian hoạt động. Bản đồ lần này ghi nhận tàu đánh bắt cá hoạt động trong năm 2016, trên 55% diện tích đại dương nhưng không bao gồm các vùng nghèo phủ sóng vệ tinh và đặc quyền kinh tế.
Trong năm 2016, tổng cộng các tàu này đánh bắt hải sản hơn 40 triệu giờ, tiêu thụ 19 tỉ kWh năng lượng, di chuyển 460 triệu km, gấp 600 lần khoảng cách trái đất – mặt trăng. Bắc Đại Tây Dương, tây bắc Thái Bình Dương, các vùng biển Nam Mỹ, Tây Phi chịu ảnh hưởng lớn nhất từ việc đánh bắt này.
Đa số quốc gia, vùng lãnh thổ khai thác hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Riêng Trung Quốc, Đài Loan, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật chủ yếu đánh bắt cá ngoài khơi xa đại dương tới 85%.
Phổ biến nhất là đánh bắt bằng dây câu giăng (45%), lưới vây (17%), lưới rê (9%).
Đặc biệt, thời gian và cường độ đánh bắt cá biển lại không mấy theo chu kỳ tự nhiên – thời tiết, cá di cư, giá cả… mà theo quyết định của nhà cầm quyền, tập tục, lễ tết.
David Kroodsma – Giám đốc GFW, chủ trì công trình nghiên cứu, cho biết mọi dữ liệu kết quả nghiên cứu được phép tải về sử dụng miễn phí, bởi mục tiêu của GFW là minh bạch và tăng cường quản lý bền chặt đánh bắt cá thương mại.
Đồng chủ nhiệm nghiên cứu, giáo sư Trường Đại học Dalhousie, Kristina Boerder nói: “Qua bản đồ này, chúng ta có thể bảo vệ hệ sinh thái mong manh, như rạn san hô nước lạnh đang bị lưới vét đáy đe dọa nghiêm trọng, chống lại việc đánh bắt quá mức, bất hợp pháp, nhất là quản lý chặt các vùng bảo tồn”.
- Theo HuffPost, La Dépêche