Ngày 17-10, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thông báo Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua thỏa thuận mới mà Anh và EU vừa đạt được trước đó cùng ngày liên quan tới việc Anh rời khỏi khối này (còn gọi là Brexit).
Theo giới chức cấp cao EU, tại Hội nghị Thượng đỉnh của khối này ngày 17-10, các nhà lãnh đạo EU đã thông qua thỏa thuận Brexit mới đạt được giữa London và Brussels. Chủ tịch EC Donald Tusk các nhận thỏa thuận Brexit đang tiến tới “giai đoạn cuối cùng” để mở đường cho Anh rời khỏi mái nhà EU vào ngày 31-10 tới.
Để thỏa thuận chính thức có hiệu lực và Anh rời EU, thỏa thuận Brexit mới nói trên giờ đây cần vượt qua hai “ải” nữa, đó là sự phê chuẩn của Hạ viện Anh và Nghị viện châu Âu (EP).
Ông Donald Tusk cho biết thay đổi lớn nhất trong các cuộc đàm phán nước rút hai ngày qua là việc Thủ tướng Anh Boris Johnson chấp nhận điều khoản cho phép kiểm tra thủ tục hải quan khi đi vào Bắc Ireland, thay vì tại biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.
Trong một thông điệp trên mạng xã hội cá nhân, Chủ tịch EC Donald Tusk bày tỏ hài lòng vì hai bên đạt được một “thỏa thuận ly hôn”, song cho biết ông cảm thấy rất buồn. Ông Tusk chia sẻ: “Trong trái tim tôi, tôi luôn là một người hoài niệm. Tôi hy vọng những người bạn Anh một ngày nào đó sẽ quyết định quay lại. Cánh cửa EU luôn rộng mở”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Clauder Juncker đánh giá thỏa thuận Brexit này sẽ bảo vệ các quyền lợi của công dân EU tại Anh và công dân Anh sống tại châu Âu sau “ly hôn”.
Ông Jean-Clauder Juncker nói: “Điều chúng tôi đạt được còn hơn một thỏa thuận nhiều. Đó là một văn kiện pháp lý cung cấp các quy định pháp lý rõ ràng cho những khúc mắc nảy sinh bởi vấn đề Brexit… Về cơ bản, thỏa thuận này vì người dân và hòa bình. Chúng ta có một văn kiện mới liên quan tới Ireland và Bắc Ireland để bảo vệ hòa bình và ổn định, cũng như bảo vệ thị trường đơn nhất của EU”.
Ngày 17-10, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận “vĩ đại mới” liên quan tới tiến trình nước này rời EU (Brexit).
Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Anh Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố hai bên đã đạt được một thỏa thuận vĩ đại, một thỏa thuận “công bằng và cân bằng” về vấn đề Brexit.
Theo thỏa thuận lịch sử này, Hạ viện Anh sẽ tiến hành bước quan trọng nhất đó là tổ chức một cuộc họp mang ý nghĩa lịch sử vào ngày 19-10 để quyết định việc nước Anh chia tay mái nhà Liên minh châu Âu.
Thỏa thuận mới quy định Bắc Ireland vẫn sẽ nằm trong khu vực hải quan của EU, trong khi phần còn lại của nước Anh sẽ rút khỏi EU. Điều này đồng nghĩa với việc người dân sẽ bị yêu cầu kiểm tra thủ tục khi đi qua vùng biển Irish.
Tâm điểm dư luận giờ đây chờ đợi xem liệu Thủ tướng Johnson có nhận được đủ lá phiếu ủng hộ thỏa thuận mới hay không tại Hạ viện Anh, nhất là sau khi các đối tác trong chính phủ của ông Johnson trước đó đã phản đối văn kiện này. Ông Johnson bày tỏ “tin tưởng và hy vọng” các nghị sĩ Anh sẽ ủng hộ thỏa thuận.
Đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) – đồng minh của Chính phủ Anh tại vùng Bắc Ireland – sáng cùng ngày đã tuyên bố không ủng hộ kế hoạch đưa Anh rời EU thông qua thỏa thuận với những điều khoản như hiện nay.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi lãnh đạo EU và Anh thông báo thỏa thuận, Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier cho biết hai bên đã xích lại gần nhau hơn liên quan tới điều khoản “chốt chặn” trong thỏa thuận mới.
Điều khoản chốt chặn trong thỏa thuận đạt được giữa EU và Chính phủ trước đây của Thủ tướng Anh Theresa May bao gồm một loạt quy định nhằm đảm bảo sẽ không quay lại đường biên giới cứng trên đảo Ireland, trong trường hợp các cuộc đàm phán thương mại hậu Brexit giữa London và Brussels không thành công.
Điều khoản gây tranh cãi này bị coi là nguyên nhân khiến thỏa thuận Brexit đã được hai bên ký kết dưới thời cựu Thủ tướng May song bị Hạ viện Anh bác bỏ trong cả ba lần bỏ phiếu. EU tuyên bố chỉ xem xét loại bỏ điều khoản này khi phía Anh đưa ra một giải pháp thay thế “hiệu quả”, đáp ứng mọi tiêu chuẩn của điều khoản cũ.
Trong thỏa thuận mới đạt được, Thủ tướng Johnson đề xuất Bắc Ireland sẽ vẫn ở trong khu vực hải quan của Vương quốc Anh, song hàng hóa luân chuyển qua Anh sẽ bị áp thuế nếu chúng được cho là sẽ tới Ireland và khu vực thị trường đơn nhất của toàn khối.
Anh chuẩn bị rời EU vào ngày 31-10 tới và Hội nghị thượng đỉnh EU trong hai ngày 17 và 18-10 được coi là một trong những cơ hội cuối cùng để hai bên thông qua một thỏa thuận giúp đảm bảo khung thời gian kể trên.
Thủ tướng Anh Johnson luôn khẳng định quốc gia này sẽ rời EU vào cuối tháng dù có hay không có thỏa thuận. Trong khi phát biểu trước các nghị sĩ Anh hôm 14-10, Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị cũng tái khẳng định quan điểm này.