Nói đến cây đại thụ về âm nhạc dân tộc Việt Nam, có lẽ ai cũng biết đó là Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê – người có một sự nghiệp nghiên cứu, bảo tồn âm nhạc đồ sộ xuyên suốt qua hai thế kỷ. Không chỉ nổi tiếng trong nước, ông còn được vinh danh nhiều lần ở nước ngoài bởi những đóng góp có giá trị to lớn đối với âm nhạc truyền thống Việt Nam và cả châu Á. Cả cuộc đời gắn bó với âm nhạc dân tộc, dù trải qua nhiều nỗi thăng trầm của thời cuộc, cây đại thụ ấy vẫn chung thủy với con đường đã chọn, và còn cảm thấy hạnh phúc hơn khi dìu dắt biết bao thế hệ học trò tiếp nối việc giữ lời ca tiếng nhạc quê hương, hồn dân tộc. Nhưng giờ đây theo quy luật của cuộc sống vô thường, ở tuổi 94, cây đại thụ ấy đã vĩnh viễn ngã về đất mẹ, để lại nỗi niềm thương kính không chỉ trong lòng những người thiết thân mà còn của rất nhiều người Việt Nam và cả bạn bè thế giới.
Đôi dòng viết về ông là một việc khó, kẻ hậu sinh chỉ có thể góp nhặt những hiểu biết vụng vặt thay nén tâm hương kính ngưỡng gửi đến ông – một tượng đài văn hóa, âm nhạc dân tộc khó có người thay thế trong nhiều năm sau nữa. Đúng như lời Giáo sư Trần Quang Hải, con trai trưởng của ông khi nói về cha mình: “Một người thầy và một nhà nghiên cứu âm nhạc đã mang lại cho nền âm nhạc Việt Nam những hào quang rực rỡ chói sáng trên thế giới mà chưa có ai có thể làm được cho tới ngày hôm nay…”
Sinh trưởng trong gia đình hai bên nội ngoại đều có truyền thống âm nhạc, bốn đời làm nhạc sĩ và đều là những nghệ nhân âm nhạc cổ truyền nổi tiếng nên ông được thừa hưởng dòng máu nghệ thuật từ gia đình và sớm bộc lộ năng khiếu từ nhỏ. Dù được học bổng trở thành sinh viên trường Thuốc Hà Nội, nhưng đến khi sang Pháp năm 1949 ông lại học về chính trị và sau đó cũng trở về cội nguồn, gắn cả đời mình với âm nhạc dân tộc. Ông đã đi hàng trăm nước trên thế giới để nói chuyện, giảng dạy về âm nhạc truyền thống Việt Nam. Với ông, tình yêu lớn chiếm trọn trái tim, khiến ông dành cả tâm sức theo đuổi chính là tình yêu dành cho âm nhạc dân tộc. Có lần khi được hỏi nhân duyên nào hoặc duyên nợ đặc biệt nào đã khiến giáo sư gắn bó cả cuộc đời với âm nhạc truyền thống Việt Nam, ông đã tâm sự rằng đó là do “thiên duyên”. Từ lúc còn ở trong bụng mẹ ông đã được “thai giáo” bằng âm nhạc. Khi mẹ ông mang thai, cậu Năm ông là Nguyễn Tri Khương xin phép mang mẹ ông về nhà ngoại dưỡng thai, hằng ngày thổi sáo, khảy đàn tranh cho mẹ ông nghe. Sau khi ông chào đời cũng vậy, vẫn hằng ngày nghe tiếng sáo, tiếng tiêu của các cậu. Khi về lại nhà nội, ông vẫn sống trong bầu không khí thấm đẫm âm nhạc, vẫn mỗi ngày nghe tiếng đàn tỳ bà của ông nội, đàn độc huyền của cha, đàn tranh của cô… nên khi vừa biết nói là ông cũng biết ca. Lên sáu tuổi đã biết đàn cò (đàn nhị), đàn kìm (đàn nguyệt), 12 tuổi đã là cầm thủ đàn tranh…
Sinh thời, một trong những tâm niệm lớn của ông là dành thời gian để hệ thống hóa lại kho tư liệu về âm nhạc gồm hàng nghìn cuốn sách, hàng chục nghìn băng từ, hàng trăm nghìn hình ảnh tư liệu… để lại cho thế hệ sau. Công việc này được ông làm một cách chu đáo, cẩn thận và khoa học. Đã nhiều lần ông mong muốn trở về Việt Nam định cư với nguyện vọng được mang theo kho tư liệu âm nhạc mà ông đã tốn nhiều tâm sức sưu tầm, biên soạn, lưu giữ suốt mấy chục năm qua để hiến tặng đất nước, được các cơ quan chức năng có thẩm quyền tiếp nhận, gìn giữ. Mãi đến năm 2004, khi được Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP.HCM đồng ý làm thủ tục tiếp nhận số tư liệu này, ông mới chính thức về định cư tại quê nhà với bao nỗi niềm vui mừng. Từ đó, căn nhà khá rộng nằm trên con đường yên tĩnh tại quận Bình Thạnh do Nhà nước cấp cho ông làm tư gia trở thành thư viện lưu giữ kho tư liệu của ông, đồng thời cũng là điểm hẹn của những chương trình trò chuyện, biểu diễn âm nhạc dân tộc, đờn ca tài tử do ông chủ xướng. Khó quên được những buổi tối dù trời mưa tầm tã nhưng nhà ông vẫn chật kín khách đủ mọi lứa tuổi say mê lắng nghe từng điệu thức âm nhạc truyền thống, và phần nói chuyện của “bác Khê” với những kiến thức uyên bác luôn được chờ đợi hơn cả. Hình ảnh ông già phương phi, phúc hậu với chất giọng rõ ràng, trầm ấm rặt kiểu Nam bộ xưa có sức cuốn hút đặc biệt mà có lẽ người nghệ sĩ nào cũng mong có được sức hút khán giả như ông. Có lúc người thân khuyên ông nghỉ ngơi, bớt làm việc lại khi tuổi cao sức yếu nhưng ngọn lửa đam mê trong ông vẫn mạnh mẽ, cứ đau đáu với việc làm thế nào để thế hệ trẻ biết yêu và gìn giữ âm nhạc dân tộc nhiều hơn nên ông lấy công việc làm niềm vui. Và hơn nữa, có lẽ chính ông biết quỹ thời gian của mình không còn nhiều, nên càng phải làm cho hết những tâm nguyện còn dang dở. Giờ đây, nhìn lại hành trang cuộc đời trước chuyến đi xa, có lẽ ông cũng mãn nguyện với rất nhiều đủ đầy và giàu có trong đời: giàu tình yêu âm nhạc dân tộc, giàu tri thức, giàu bạn bè, thân hữu và đủ đầy tình yêu thương giữa cho và nhận trong một kiếp nhân sinh.
Ngân An (DNSGCT)