Thông tin từ cơ quan Kiểm toán Nhà nước tuần qua cho thấy thực trạng lãng phí và thất thoát vốn đang diễn ra nghiêm trọng đến mức Quốc hội cần nhiều thời gian hơn nữa để thảo luận về tình hình này.
Có thể dẫn chứng một số sự việc điển hình như tại Tổng công ty Xi măng Việt Nam có hai doanh nghiệp mất an toàn về tài chính là Vicem Tam Điệp và Vicem Hải Phòng, riêng Vicem Tam Điệp do thua lỗ nhiều năm nên lỗ lũy kế tại thời điểm 31-12-2015 là 1.156 tỉ đồng – lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu. Hay như Tổng công ty Lắp máy Việt Nam có tỷ lệ nợ phải trả gấp ba lần vốn chủ sở hữu, đầu tư tài chính dài hạn của công ty mẹ chưa có hiệu quả…
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng điểm danh một số dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn trước không đạt hiệu quả kinh tế, không có khả năng thu hồi vốn, gây lãng phí, thất thoát lớn tài sản nhà nước chưa được khắc phục.
Chẳng hạn 12 dự án đầu tư của các doanh nghiệp thuộc ngành công thương với số vốn trên 60.000 tỉ đồng gồm Vinashin, Xơ sợi Đình Vũ, các dự án nhiên liệu sinh học, Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc, Nhà máy Bột giấy Phương Nam, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên,…
Ủy ban Tài chính – Ngân sách, cơ quan giúp Quốc hội về ngân sách, nhận xét việc thực hiện chức năng quản lý – giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp của các cơ quan chức năng có nơi còn buông lỏng, dẫn đến việc vi phạm, gây thất thoát tiền và tài sản. Một số cán bộ đã bị kỷ luật hoặc xử lý hình sự trong thời gian qua, như sai phạm tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam…
Vẫn như nhiều năm trước, việc mua sắm, sử dụng trang thiết bị, phương tiện của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước vẫn còn biểu hiện lãng phí, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để hạn chế tình trạng này.
Trong khi tại một số địa phương có tình trạng nhận xe tặng của doanh nghiệp gây bức xúc trong nhân dân thì tệ nạn thất thoát, lãng phí, nhất là đối với xe công, đã gây nhiều bức xúc trong nhân dân, chẳng hạn như việc bán thanh lý không qua đấu giá vẫn diễn ra thường xuyên.
Thêm một tình trạng lãng phí được nêu tại báo cáo là mua sắm công không thực hiện đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, xác định giá gói thầu không hợp lý, dẫn đến giá mua sắm cao bất hợp lý nhất là trong lĩnh vực y tế như tại các tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc, Bắc Kạn…
Việc quản lý đầu tư, xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước bị cho là hiệu quả chưa cao. Các tỉnh thành Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Nghệ An… được nêu tên vì không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định khi giao đất, cho thuê đất đối với đất nhà nước thu hồi do sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc.
Lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản cũng được nhắc đến với con số 11/27 dự án BOT mà Kiểm toán Nhà nước phát hiện và xử lý vừa qua khi tổng mức đầu tư bị đẩy tăng lên bất hợp lý 465 tỉ đồng. Một số dự án lớn tăng tổng mức đầu tư ban đầu lên 100%, nhiều dự án trong 27 dự án BOT được kiểm toán phải rút ngắn từ 5-7 năm thu phí. Tiếp tục những cái tên được minh chứng như trạm thu phí tại cầu Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, trạm thu phí Tam Nông tỉnh Phú Thọ, trạm thu phí Thanh Nê tỉnh Thái Bình…
Các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng – xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) và các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, nguồn vốn khác trong năm qua đã bộc lộ nhược điểm, sai phạm, tùy tiện, lãng phí, gây khó khăn cho người dân lẫn doanh nghiệp.
Theo nhận định của Kiểm toán Nhà nước, hầu hết các dự án BOT áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư và chỉ định nhà thầu thi công mà không thực hiện đấu thầu theo quy định hiện hành. Việc xác định tổng mức đầu tư của dự án còn sai sót, xác định tổng vốn đầu tư của dự án bao gồm cả phần thuế giá trị gia tăng được Nhà nước hoàn lại, xác định lưu lượng phương tiện giao thông không phù hợp với thực tế.
Báo cáo cũng cho biết, các nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu chưa đúng tỷ lệ cam kết, tiến độ thi công chưa đảm bảo, chưa có cơ chế kiểm tra, kiểm soát quá trình thu phí để xác định lưu lượng phương tiện giao thông thực tế qua trạm thu phí, khoảng cách một số trạm thu phí không đảm bảo quy định tối thiểu 70km.
Đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, kết quả kiểm toán chỉ rõ việc giao dự án cho nhà đầu tư không đủ năng lực, một số nơi chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng dự án không đúng quy định, ký hợp đồng trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Trong khi đó, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và nguồn vốn khác cũng có hàng loạt sai phạm được chỉ ra: chưa bố trí đầy đủ, kịp thời theo cơ cấu vốn trong quyết định đầu tư được phê duyệt, đặc biệt là vốn đối ứng, vốn chủ sở hữu làm tăng chi phí đầu tư.
Trong một động tác khác liên quan đến thất thoát tài sản nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan kiểm tra thông tin báo chí phản ánh về việc Thanh Hóa có nhiều dự án đất vàng được phê duyệt kỳ lạ khiến ngân sách thất thu.
Văn bản chỉ đạo của Thủ tướng nêu nội dung báo chí phản ánh về việc Thanh Hóa phê duyệt các dự án bất động sản như khu thương mại dịch vụ và dân cư B-TM1 thuộc khu đô thị mới Đông Hương, khu biệt cự cao cấp Quảng Cư (thị xã Sầm Sơn), “đất vàng” được giao cho nhà đầu tư với giá bèo. Việc đất vàng không được đấu giá và mức giá phê duyệt quá thấp đã khiến dư luận cho rằng ngân sách nhà nước thất thu tiền tỉ.
Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan kiểm tra một số tỉnh, thành phố, trong đó có Thanh Hóa có vi phạm như báo chí phản ánh hay không; báo cáo Thủ tướng trong quý II-2017.
Thủ tướng cũng vừa có ý kiến chỉ đạo đối với việc quy hoạch, xây dựng Phú Quốc. Theo đó, ông yêu cầu tỉnh Kiên Giang xây dựng nơi đây trở thành trung tâm du lịch – nghỉ dưỡng – giải trí độc đáo để có sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tầm nhìn dài hạn, có khả năng cạnh tranh hiệu quả với các trung tâm du lịch – nghỉ dưỡng – giải trí trên thế giới. Ông nhấn mạnh không được phân lô, bán nền, bán mặt biển tại đây.
Thủ tướng yêu cầu, cùng với phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng tốt nhu cầu dịch vụ cao cấp phải giữ vẻ đẹp tự nhiên, cảnh quan môi trường và bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống của Phú Quốc; phải đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường biển và môi trường trên đảo, nhất là bảo vệ hệ sinh thái biển, sinh vật biển, các rặng san hô, xử lý nước thải, rác thải; quy định những chế tài, xử lý nghiêm đối với những hành vi phá hoại môi trường.
Các bộ ngành, và Kiên Giang phải chú trọng, nâng cao chất lượng quy hoạch, tầm nhìn quy hoạch Phú Quốc phải từ 30-50 năm, đáp ứng nhu cầu phát triển cả trước mắt và lâu dài gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng, hiện đại để đón đầu tiềm năng phát triển to lớn của Phú Quốc trong tương lai, đồng thời cần tính toán bảo đảm sử dụng có hiệu quả đất đai, bố trí quỹ đất dự trữ cho từng giai đoạn phát triển của Phú Quốc.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu việc phát triển Phú Quốc phải bảo đảm lợi ích hài hòa giữa nhà đầu tư, người dân và Nhà nước; đặc biệt quan tâm đến sinh kế và lợi ích của người dân.
- Gia Minh