Tham dự vào chuyến đi Nam Cát Tiên, khẩu phần cho 24 giờ đi rừng không lương thực, thực phẩm, chỉ có đúng 1,5 lít nước, nhưng giá phải trả cho hành trình ấy tốn gần 2 triệu đồng. Một mức giá cắt cổ so với các loại hình du lịch dã ngoại khác, nhưng sự mắc mỏ ấy có cái lý riêng của nó. Nhìn vào các hành trình đến Nam Cát Tiên do David Minetti – một người Pháp sống ở Việt Nam từ 2002 – đứng ra tổ chức, toàn thấy đa phần là người nước ngoài, thỉnh thoảng lắm mới gặp người Việt. Cái đắt của loại hình du lịch này, chẳng phải vì do Tây tổ chức, do khách Tây tham gia nhiều, nên tính tiền kiểu… Tây. Có lẽ cũng vì cái sự đắt ấy, nên chẳng mấy khách Việt mặn mà tham gia, bởi với cùng khung giá, người ta dư khả năng để chọn điểm đến có thể là Phan Thiết, Nha Trang hoặc Đà Lạt, vi vu trong khách sạn bốn, năm sao chứ không phải lôi thôi lếch thếch trong rừng cùng muỗi, vắt và nhiều thứ kinh khủng khác.
Vốn quý từ trải nghiệm rừng xanh
Có rất nhiều tuyến du lịch dã ngoại đến Nam Cát Tiên hiện nay, nhưng những hành trình từng được David tổ chức, có thể khẳng định là… kiếm tiền tốt nhất, chi phí đầu tư thấp nhất, nhưng chuyến đi lại vất vả, gian nan nhất. Suốt hành trình, người xem chẳng thấy được gì nhiều như chuyến tham quan bàu sấu, xem thú đi ăn đêm, hay đến khu bảo tồn gấu, khu cứu hộ linh trưởng…
Tham gia vào chuyến đi hai ngày một đêm, trong đó tâm điểm là 24 giờ sống trong rừng, ngoài khẩu phần nước hạn chế 1,5 lít, mỗi người được phát một võng ngủ đêm, một bạt để che mưa. Tất cả chỉ có thế.
Bắt nguồn từ đam mê rừng xanh, bởi David từng là lính trinh sát đóng quân ở các khu rừng Nam Mỹ, khi đến Việt Nam những năm 2000, lúc nhớ rừng, David lặn lội từ TP.HCM xuống Nam Cát Tiên để giải khuây, và thấy một miền tài nguyên rừng chưa có loại hình du lịch nào mang tính trải nghiệm, thám hiểm được tổ chức. Nhưng để ý tưởng kinh doanh được chấp thuận với một người nước ngoài hẳn không dễ.
David đang hướng dẫn cách phân biệt các loài rắn gặp được trong tự nhiên
Mất nhiều lần thuyết phục, trình bày, thành công cũng đến với David khi được ban giám đốc vườn đồng ý cho việc dẫn khách du lịch đến trải nghiệm theo một cách thức tổ chức riêng mà David đề ra. Đó là khách tham gia sẽ thấy mình như đang ở một khóa học hơn là một chuyến du lịch bình thường, và họ sẽ được chỉ dạy những kinh nghiệm về cây rừng, về cách định vị hướng đi rừng theo ánh mặt trời, học cách săn bắt, cách giữ lửa, giữ nước để tồn tại…
Đi một ngày đàng
Có tham dự vào hành trình này, thật nể David và càng thấm thía hơn câu nói quen miệng của người Việt: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Từ ngay bìa rừng, cả đoàn hơn 10 người đến từ đủ mọi quốc tịch, ai nấy hăm hở tiến sâu vào rừng theo chỉ dẫn của David. Cái nắng nóng của hành trình khiến nhiều người lấy nước ra uống, David dặn dò: “Chỉ có 1,5 lít cho 24 tiếng, do vậy mọi người phải hết sức cẩn trọng khi uống nước, đừng thỏa mãn bản thân”. Một bài học về sức chịu đựng được mọi người dần áp dụng. Đường luồn rừng may mắn (hoặc cũng do chủ ý của David) khi qua một con suối nhỏ, một số người dừng lại, định cởi bỏ giày và trang phục để tắm. David chỉ thêm: “Cứ để nguyên quần áo và trầm mình xuống nước, nó sẽ giúp bạn tích được lượng nước để làm mát cơ thể cho hành trình dài phía trước”.
Điểm đến dự kiến của ngày đi rừng khoảng 15km. Sự mệt mỏi, khát, và cảm giác đói bụng dần xâm lấn sau mỗi bước chân. Nhưng điều thú vị là mỗi khi đi thêm một quãng xa, David lại chia sẻ thêm một kiến thức về rừng, khi là lý giải về hướng mọc của một số loài dây leo, có thể phán đoán được hướng mình đang đi. Hoặc một giống cây có thể dùng đọt ngọn ăn cứu đói như cây mây rừng – mọc khá nhiều trong rừng Nam Cát Tiên. Những kiến thức về rừng cứ lần lượt nối tiếp khiến ai nấy quên mất đi cơn đói khát, mệt lả. Chiều muộn xuống cũng là lúc cả đoàn đến điểm dừng chân nghỉ đêm.
Bài học về cách chọn điểm mắc võng, cách thắt nút võng sao cho an toàn mà khi tháo gỡ lại nhanh, cách căng bạt sao cho mưa gió tạt không bịướt… tất cả nghe đơn giản, nhưng hầu hết đều là kiến thức mới lạ với mọi người. Gert, người Đan Mạch, hào hứng với bài học mắc võng: “Đây là lần đầu tôi đi rừng, lần đầu biết mắc võng, và cũng là chuyến du lịch đầu tiên trong đời phải nhịn đói suốt 24 tiếng”.
Bài học tồn tại được tiếp tục bằng việc tự làm và đặt bẫy thú từ cây rừng, dây leo, gây thú vị với mọi người, tiếp đến là cách lấy lửa, cách xếp củi, chọn hướng gió để ngọn lửa dễ cháy. Lối dẫn dắt của David như ru cả đoàn khách vào các bài học và trải nghiệm khiến người ta quên mất thời gian và sự đói khát của ngày dài.
Hạ trại bên suối trong hành trình đi rừng cùng David
Đến khi ánh đêm nhập nhoạng buông xuống, với những người lần đầu tiên đi rừng, cảm giác vừa lạ, vừa sợ, vừa hồi hộp. Nỗi sợấy tăng thêm khi David gọi mọi người ra bờ suối, xung quanh vọng lại tiếng côn trùng, ếch nhái ì oạp ngoài bờ nước, hẳn không phải là nơi lý tưởng dành cho người yếu bóng vía, nhưng mọi người cũng quên ngay khi David giới thiệu bài học về nhận diện các loài rắn, cách sơ cứu ngay khi bị rắn cắn, từ việc cầm con rắn kéo ra khỏi vết cắn thế nào để không gây ảnh hưởng nghiêm trọng thêm đến vết thương, việc chuẩn bị băng gút cột vết cắn ra sao… những kỹ năng ấy được truyền tải bằng lối miêu tả ngắn gọn, dễ hiểu.
Chỉ có 24 tiếng đi rừng, bù cho những mệt mỏi, thiếu thốn, gian nan, vất vả suốt hành trình, là một lượng kiến thức khổng lồ, có cả cách dò la bàn, kỹ năng đọc bản đồ, cách dùng bao cao su và vớ giày để đựng nước… Mỗi bài học, mỗi thông tin, cùng những cảm nhận và trải nghiệm thực tế giúp mọi người lấy được cảm giác tự tin hơn khi đối mặt với cuộc sống rừng hoang.
Cái lợi mà người tham gia có được, nói như David là: “Họ biết cách tôn trọng và cư xử phải lẽ với thiên nhiên. Nếu không hiểu gì về rừng, khi ở trong đó, mọi người sẽ cảm thấy sợ hãi, bởi vì phải đối mặt với rắn, bò cạp, côn trùng và các loài thú khác. Thực ra cuộc sống thành thị cũng có nhiều bất trắc, nhất là chuyện giao thông đi lại, nhưng chẳng qua là sống lâu với nó nên mọi người thấy quen. Rừng cũng vậy, nếu bạn quen với rừng, thì chẳng có gì để sợ và sẽ biết cách để sống, tồn tại chung với rừng”.
Điểm thành công mà David tạo dựng được, là khi trở về, ai nấy đều mãn nguyện, bởi với những kiến thức và bài học thực tiễn từ rừng, số tiền họ bỏ ra cho chuyến đi thật đáng giá, thậm chí là quá rẻ.
Thiên An